Giải pháp tiêu thụ nông sản ổn định

Cập nhật: 28-12-2018 | 07:33:54

Thời gian qua, việc mở rộng kết nối để tiêu thụ nông sản là vấn đề được Bình Dương đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững.

 Thu hoạch dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Phú Giáo)

Nông sản xuất khẩu đa số ở dạng thô

Tại một hội thảo mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện có đến 80 - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc xuất qua đường tiểu ngạch. Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này thu về không cao, thậm chí còn bị thị trường các nước ép giá. Ông Rocky Sun, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN (CACAC), khẳng định điểm yếu của nông sản Việt còn nằm ở ý thức thương hiệu và quảng bá cho thương hiệu, vì thế nông sản chưa gây được ấn tượng. Chính vì vậy, nông sản của Việt Nam khó “ghi điểm” so với nông sản của các quốc gia được đầu tư công phu về hình ảnh, chất lượng, thương hiệu.

Tại Bình Dương, hiện tổng diện tích trồng trọt là 164.924,9 ha, trong đó cây công nghiệp lâu năm là 142.712,9 ha. Trong số này, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 2.754,7 ha, tăng 78,5% so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh, việc ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đã hình thành và phát triển theo quy hoạch.

Mặc dù nông sản tại địa phương có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng song vẫn chưa có hướng đi vững chắc trong việc liên kết chuỗi cung ứng nông sản. Nguyên nhân được xác định, trước hết là do người sản xuất chưa thật sự chú trọng đến thị trường, chưa giải quyết được việc mất tương xứng của thị trường đầu vào đầu ra. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định. Cùng với đó, “quy luật” được mùa mất giá vẫn luôn diễn ra, khiến cho mặt hàng nông sản trong nước thường bị biến động, nhà đầu tư chưa an tâm khi muốn đầu tư liên kết, hợp tác lâu dài, ổn định…

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (huyện Bắc Tân Uyên), chia sẻ thực tế thời gian qua cho thấy, điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn diễn ra. Cụ thể như mùa vụ năm 2018, trái cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên phần lớn các nhà vườn trúng mùa nhưng giá bán lại quá thấp, chỉ đạt từ 20 - 50% so với năm 2017.

Theo Ban tổ chức Hội nghị kết nối các mặt hàng nông sản, trái cây của tỉnh Bình Dương năm 2018, đối với việc tiêu thụ nông sản, kết nối vẫn là giải pháp then chốt để quảng bá và mở rộng thị trường cho nông sản. Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản có kinh nghiệm để tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm tạo bước đột phá trong tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước. Bên cạnh đó, hội nghị không chỉ kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ mà còn hướng tới kết nối với các tập đoàn chế biến nông sản trong và ngoài nước để tìm ra phương hướng đưa nông sản, trái cây của địa phương vươn xa.

Liên kết để phát triển chuỗi cung ứng

“Buôn có bạn, bán có phường” - tư duy này của ông cha ta chưa bao giờ cũ. Hiện nay, câu hỏi lớn đặt ra là giải pháp nào là khả thi để hình thành chuỗi cung ứng nông sản bền vững trong thời gian tới. Báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng nông sản của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy một vài chỉ số đáng quan tâm đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, trên thang điểm 100 Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), để hình thành nên một chuỗi cung ứng nông nghiệp trong tương lai cho tỉnh Bình Dương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm: Chiến lược sản xuất, thu mua và phân phối; giảm thời gian ra thị trường của nông sản; đáp ứng quy mô cho nghiên cứu sáng tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung xây dựng một mạng lưới thu mua nông sản trên toàn tỉnh và các vùng lân cận, hình thành trung tâm thu mua và sơ chế của tỉnh để nông sản sau khi được thu mua và sơ chế sẽ được tập trung về một trung tâm logistics lớn trong vùng.

Cùng với đó, Bình Dương cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh và hệ thống vận tải đa phương thức, bao gồm đường bộ và đường thủy nội địa, trong đó thương lái đóng vai trò tổ chức và là nhà cung cấp dịch vụ logistics cho nông sản, không còn giữ vai trò bán buôn nông sản. Tỉnh cũng cần hình thành một đại trung tâm phân phối và nhiều chợ đầu mối cung ứng trực tiếp đến những điểm bán tại thị trường thành thị và nông thôn.

Các chuyên gia đề xuất, Bình Dương nên tính toán để xây dựng những sàn giao dịch về nông sản, phát triển những thị trường giá cả tương lai để khắc phục rủi ro cho người nông dân, để phân chia rủi ro và phân phối lợi ích đồng đều hơn giữa người sản xuất, người tiêu thụ và các trung gian của người phân phối. Đồng thời, tỉnh cần kêu gọi các doanh nghiệp chế biến hàng nông sản khai thác hàng hóa, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế tại những địa phương có vùng nguyên liệu lớn nhằm nâng cao giá trị mặt hàng nông sản. Bình Dương cũng phải đưa ra được những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ nông dân kiến thức về thị trường, xây dựng thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhằm đưa sản xuất gắn với thị trường, qua đó góp phần ổn định thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu.

 TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên