Giải quyết những vướng mắc về TNLĐ trước năm 1995

Cập nhật: 20-09-2012 | 00:00:00
 

Tổng Liên đoàn LĐVN vừa có cuộc họp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm giải quyết những vướng mắc về chế độ, chính sách đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) trước năm 1995 nhưng chưa được nhận trợ cấp hoặc bị dừng hưởng trợ cấp.

Đến nay, Tổng Liên đoàn đã nhận được yêu cầu giải quyết chế độ của 65 trường hợp vướng mắc về TNLĐ, BNN trước năm 1995 do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn TCty trực thuộc TLĐ rà soát, xác minh, tổng hợp gửi về.

Trong đó có thể chia thành 2 nhóm đối tượng: Những trường hợp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ (21 trường hợp) và những trường hợp có Quyết định, Thẻ hoặc Sổ trợ cấp thương tật hoặc Phiếu lĩnh trợ cấp do Tổng Công đoàn VN (trước đây) cấp (44 trường hợp).

Các trường hợp vướng mắc này đến nay còn tồn đọng chưa được giải quyết có nguyên nhân chủ yếu từ việc không đầy đủ hồ sơ hoặc "việc giải quyết chế độ đối với người bị tai nạn lao động trước ngày 1-1-1995 chưa được giải quyết hưởng chế độ TNLĐ thuộc quy định tại điểm 3 mục I công văn số 843/LĐ-TBXH ngày 24-3-1996 của Bộ Lao động - TB&XH và bị chấm dứt giải quyết kể từ ngày 1-10-2001 theo quy định tại Công văn số 2347/LĐTBXH-BHXH ngày 7-8-2001 và Công văn số 3173/LĐTBXH-BHXH ngày 23-9-2001 của Bộ Lao động - TB&XH".

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn LĐVN thấy rằng, đa số trường hợp chưa được giải quyết hưởng chế độ TNLĐ đều “người thật việc thật”, có hoàn cảnh khó khăn và việc chưa được giải quyết TNLĐ chủ yếu do lỗi của đơn vị sử dụng lao động hoặc do các tỉnh chia tách hoặc sáp nhập, bị thất lạc hồ sơ, không có tên trong danh sách bàn giao của Công đoàn hoặc ngành LĐ-TBXH sang BHXH Việt Nam năm 1995... nên nếu không xem xét giải quyết TNLĐ thì rất thiệt thòi cho người lao động.

Xuất phát từ quan điểm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động tham gia BHXH, Tổng Liên đoàn LĐVN đã đề xuất hướng giải quyết những trường hợp vướng mắc nêu trên như sau:

1. Đối với trường hợp bị chết do TNLĐ, BNN đã được giải quyết chế độ tử tuất theo quy định trước đây thì không xem xét lại hồ sơ hưởng TNLĐ, BNN.

2. Các trường hợp TNLĐ trước năm 1995 chưa được giám định thương tật hoặc chưa được giải quyết trợ cấp TNLĐ do hồ sơ còn thiếu, đề nghị Bộ Lao động - TB&XH tiếp tục cho giải quyết theo tinh thần công văn số 843/LĐ-TBXH ngày 24-3-1996.

3. Các trường hợp đã được Tổng Công đoàn ra Quyết định trợ cấp hoặc đã cấp Thẻ hoặc Sổ trợ cấp thương tật hoặc Phiếu lĩnh trợ cấp nhưng hồ sơ không đầy đủ thì đề nghị giải quyết theo nguyên tắc sau:

- Những đối tượng bị TNLĐ, BNN đã được xếp hạng thương tật, đang không hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì được xem xét hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN theo hạng thương tật trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định hiện hành.

- Những đối tượng đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì cần xem xét lại hồ sơ MSLĐ và TNLĐ, BNN để làm rõ loại trợ cấp được hưởng (MSLĐ hoặc trợ cấp thương tật hàng tháng).

- Căn cứ để xác định một bộ hồ sơ TNLĐ, BNN đầy đủ là theo khoản 1 mục II Thông tư 31-TT-LB ngày 10-2-1987 của Liên bộ Tổng Công đoàn VN và Bộ Thương binh xã hội...

Sau khi thảo luận, các bên thống nhất quan điểm cần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi tham gia BHXH và đảm bảo thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước cũng như giải quyết dứt điểm các tồn đọng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đề nghị cần thành lập tổ công tác liên ngành với đại diện các bên là Tổng Liên đoàn LĐVN, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam để rà soát, xem xét hồ sơ từ đó tham mưu để Bộ LĐTBXH đề nghị BHXH Việt Nam giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Theo Congdoanvn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên