Giảm lãi, giãn nợ, giảm khó khăn

Cập nhật: 21-02-2020 | 08:56:16

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các ngành hàng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch bệnh hiện tại. Khó khăn đó có thể còn kéo dài bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Nỗ lực vượt khó từ chính các doanh nghiệp, hộ sản xuất là điều chắc chắn. Nhưng bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hộ sản xuất rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành để đoàn kết, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tại cuộc họp của Chính phủ về đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. Thủ tướng cũng đặt vấn đề về kích cầu, thúc đẩy giải ngân hay nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác, giảm lãi suất và chuyển đổi thị trường…

Ngay sau những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành đã bắt đầu hành động để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, đặc biệt là các nhóm ngành nghề chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Đồng loạt các ngân hàng thương mại đã đưa ra phương án cụ thể về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, tính tới cả phương án khoanh nợ, giãn nợ… để cùng doanh nghiệp, hộ sản xuất vượt khó. Động thái đó từ hệ thông ngân hàng thương mại chắc chắn là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trên cả nước.

Cùng với ngành ngân hàng, sắp tới các ngành khác cũng phải chung tay vào cuộc để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất. Đại diện lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại lớn cũng đã phát biểu rằng, tình hình hiện tại là không ai mong muốn, ngân hàng cũng như nhà sản xuất đều hướng đến việc sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận và phát triển, cùng đóng góp cho sự đi lên của nền kinh tế - xã hội đất nước. Bởi vậy trong khó khăn cần phải tương hỗ lẫn nhau để vượt qua, giữ cho khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh cũng chính là bảo toàn đồng vốn cho vay của ngân hàng. Và, trên hết là góp phần ổn định và phát triển của nền kinh tế đất nước.

Rõ ràng sự đồng cảm, thấu hiểu, chung sức, chung lòng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại rất cần được phát huy. Hơn ai hết, các doanh nghiệp, hộ sản xuất gặp khó trong tình hình dịch bệnh sẽ cảm nhận được sự đồng hành đáng quý đó để nỗ lực hơn nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên