Giảm lãi suất cho vay: Thực tế không như kỳ vọng!

Cập nhật: 22-05-2010 | 00:00:00

Từ giữa tháng 4-2010, nhiều ngân hàng (NH) đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay (LSCV) với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm. Đầu tháng 5 đến nay, theo chỉ đạo của NH Nhà nước, đã có thêm một số NH tuyên bố tiếp tục giảm LSCV VNĐ đối với một số đối tượng phục vụ sản xuất - kinh doanh (SXKD) với mức giảm thêm từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp (DN) lại thất vọng vì thực tế không như kỳ vọng.

Doanh nghiệp có thể chấp nhận mức lãi suất cho vay ở múc 10-12%nămLãi vay đã giảm

Đi đầu trong đợt giảm LS này, vẫn là các ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh. Cụ thể, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm LSCV lần thứ 2 kể từ khi thực hiện cho vay LS thỏa thuận. Ngày 4-5 vừa qua, NH này đã cho vay ngắn hạn đối với các khoản vay/dự án phục vụ SXKD áp dụng LSCV thỏa thuận tối đa 13%/năm, trung dài hạn tối đa 14%/năm. Riêng cho vay tài trợ hàng xuất khẩu, cho vay phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho vay thu mua chế biến nông thủy sản, gỗ, cà phê, cao su với kỳ hạn đến 6 tháng đối với các khách hàng nhóm A trở lên, tối đa 12,5%/năm đối với VND. Các NH khác như Agribank, MHB, Vietcombank và Vietinbank có LS cho vay VND tối đa từ 14 - 14,5%/năm. Thậm chí, đối với tín dụng xuất khẩu còn thấp hơn, ở mức 12 - 14%/năm.

Bên cạnh đó, các NH cổ phần như ACB, Eximbank, VIB, Sacombank chỉ áp mức LS tối đa là 13,5 - 13,8% đối với sản xuất nông nghiệp và 15% đối với hoạt động xuất khẩu. Trong đó, có vài NH có mức LS thấp hơn như tại MB chỉ từ 13,7 - 14,5%/năm. Nhìn chung, từ đầu tháng 5 đến nay mức LSCV bằng VND phục vụ SXKD phổ biến ở mức 14 - 15%/năm (cao nhất khoảng 16 - 17%/năm). Trong đó, LSCV của các NHTM Nhà nước khoảng 13 - 14,5%/năm, thấp hơn so với các tổ chức tín dụng khác, riêng LSCV sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu khoảng 13 - 13,5%/năm.

Cần có chính sách cho DN

LSCV mới do các NH công bố giảm 1 - 2%/năm so với trước đây được xem là một nỗ lực của NH, thế nhưng thực tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của DN. Cơ bản, tình hình kinh tế hiện nay chưa qua hết khó khăn, vì vậy LS mới giảm chút ít chưa thể đủ tạo nên một động lực kinh doanh mới như hình thức hỗ trợ LS của năm ngoái theo chính sách của Chính phủ. Giám đốc một DN trong ngành điều cho biết, việc DN không còn được hưởng gói hỗ trợ LS 4% và nay phải vay với mức lãi lên tới 15 - 17% sẽ rất khó khăn cho DN trong năm 2010. Chịu mức LS cao, chi phí tăng cao cũng đồng nghĩa các DN phải nâng giá thành sản phẩm. Điều này đã và đang làm cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh so với các nước. Lãnh đạo một DN sản xuất nguyên liệu mỹ nghệ ở Bình Chuẩn, Thuận An nói: “Khi làm hồ sơ vay mới thấy LS vẫn quá cao (17%/năm), nhân viên tín dụng giải thích LS huy động tuy đã giảm nhưng thực tế vẫn áp dụng thêm các hình thức khuyến mãi khác nên LS thực mà NH áp dụng vẫn cao (khoảng 12,75%/năm) nên chưa thể cho DN vay với LS thấp được.”

Nhu cầu vay vốn nhiều nhưng lãi suất vẫn còn caoNhiều DN cho rằng, hoạt động SXKD trong năm nay vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu trừ vào các khoản tăng chi phí đầu vào thì doanh thu gần như không tăng, thậm chí âm. Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I cho biết, các DN hoạt động SXKD đều ở trong tình trạng thiếu vốn vì LS cao. “LS thỏa thuận 16 - 17%/năm DN dịch vụ còn chịu đựng được còn đối với DN sản xuất rất khó, DN phải có lợi nhuận trên 25% mới dám vay LS cao như vậy”.

Hiện nay nhiều NHTM ưu tiên tăng cường cho vay đối với khối khách hàng là DN vừa và nhỏ, vì đây là đối tượng làm ăn hiệu quả, phù hợp với khả năng cung cấp vốn của NH. Tuy nhiên, nhiều DN vừa và nhỏ vẫn than rất khó tiếp cận vốn NH. Ngoài vấn đề LS cho vay quá cao, còn vướng vấn đề không có tài sản thế chấp. Vì vậy, dù chủ trương có thông thoáng, đa phần DN vẫn khó có thể vay được vốn. Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát - Dĩ An cho biết, nếu không vay vốn LS cao để thực hiện hợp đồng kinh tế thì sẽ bị phạt, mức phạt lớn hơn so với chi phí LS vốn vay NH, nên đành “liều vay” để thực hiện hợp đồng, giữ chân công nhân nếu không họ bỏ công ty thì khó thu hút lại. Hiện nay, dù LS có thỏa thuận thì điều kiện để các DN được tiếp cận vốn vẫn không thay đổi so với việc áp dụng trần LS. Cách áp dụng này sẽ dễ cho DN lớn nhưng vẫn khó cho DN nhỏ. Điều này có thể lý giải vì sao có một số DN “bấm bụng” chấp nhận vay vốn LS cao nhưng vẫn ngoài tầm với của họ vì không có tài sản thế chấp hoặc dù có tài sản, máy móc thiết bị sản xuất nhưng chưa được chấp nhận cho vay. Theo bà, trước mắt để tháo gỡ khó khăn, NH Nhà nước nên có giải pháp đưa lãi vay xuống 10 - 12%/năm thì DN mới có thể yên tâm ổn định sản xuất”.

LS cho vay tiếp tục giảm?

Trước lời kêu gọi của Hiệp hội NH, NHNN trong việc tiếp tục giảm LSCV, các NH quốc doanh đã thông báo giảm LSCV ngắn hạn xuống còn tối đa 13%/năm. Nhưng đối với các NH cổ phần nhất là đối với các NH cổ phần nhỏ, vốn không có lợi thế nhiều về nguồn vốn thì việc này không dễ dàng. Do vậy, để hưởng ứng chủ trương giảm LSCV của Chính phủ, các NH cổ phần tuy có giảm LS nhưng là cho các khách hàng VIP của mình chứ không giảm một cách đồng bộ. Tham khảo nhiều DN đang có nhu cầu vay vốn, số lượng DN tiếp cận được vốn giá thấp còn ít. Đặc biệt, một số DN cho biết, mức LS công bố là thế, nhưng khi cho vay, NH vẫn luôn xem xét và đánh giá để cho vay theo uy tín DN và đánh giá hiệu quả của dự án. Cho nên để vay được vốn LS “hạ” là không hề dễ.

Theo các DN, việc áp dụng LS thỏa thuận có thể tạo điều kiện để các DN dễ dàng tiếp cận vốn hơn vì lượng sức họ mà NH chấp nhận cho vay với mức LS phù hợp. Tuy nhiên, DN nhỏ sẽ gặp khó hơn vì phải vay LS cao, từ 16 - 18%/năm, họ không thể mạnh dạn vay vốn để mở rộng SXKD và phải hoạt động cầm chừng vì tỷ suất lợi nhuận trong kinh doanh không thể gánh nổi lãi vay.

Muốn giảm LSCV thì các NH phải giảm LS huy động. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có tín hiệu nào đáng kể trong việc hạ LS huy động, đa số NH áp LS huy động ở mức 11,5%/năm. Tại những NH nhỏ, nếu tính luôn cả khuyến mãi thì thấp nhất cũng là 12%/năm, còn cao thì đến 14%/năm. Thêm vào đó, một số NH vẫn đang còn nguồn vốn huy động với LS cao trước kia nên chưa thể giảm LSCV thấp hơn trong thời điểm này.

Các NH cũng nhận định rằng sau khi chương trình hỗ trợ LS ngưng, cùng với yếu tố mùa vụ (tết) và các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đã làm LS tăng cao trong thời gian qua. Điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn của các DN chựng lại do vượt qua khả năng chi trả của mình. Điều này thể hiện rõ qua tăng trưởng tín dụng trong quý I-2010 rất chậm và thực tế sau hơn một tháng các NHTM thực hiện cơ chế LS thỏa thuận đối với các khoản vay vốn trung dài hạn, dư nợ tín dụng ở các NHTM vẫn không tăng. Cán bộ SHB cho biết, LSCV giảm nhưng dư nợ không tăng là do tâm lý DN ngán ngại và chờ đợi LSCV giảm thêm, do đó trong thời gian tới các NH sẽ giảm mặt bằng LS huy động để từng bước giảm tiếp LSCV y thỏa thuận, giúp khách hàng tiếp cận được vốn vay.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên