Giảm sinh hoạt phí để lo cho con đi học

Cập nhật: 12-10-2011 | 00:00:00

Để con cái được học hành trong môi trường tốt nhất, nhiều bậc phụ huynh đã giảm hầu hết các khoản chi tiêu, mua sắm để dành tiền đóng học phí cho con...

Trước các trung tâm ngoại ngữ như Á Mỹ, Việt Mỹ... không chỉ có những vị phụ huynh khá giả đưa đón con. Ở đó tôi còn thấy nhiều ông bố bà mẹ thu nhập ở mức trung bình cũng ráng cho con đi học bởi “con nó yêu thích môn này, cô giáo ở lớp nói có năng khiếu ngoại ngữ nên cho con theo học”. Thu nhập của hai vợ chồng hơn 7 triệu đồng/tháng và họ quyết định giảm tối đa các khoản sinh hoạt phí để đóng tiền học cho con từ 2,5 - 3 triệu đồng/khóa học. 

Chị Dung (An Sơn,TX.Thuận An) đi phụ hồ và luôn cắt giảm các khoản chi tiêu để con đuợc đến trường

Chị Thu ở Quảng Ngãi vào Bình Dương làm công nhân may đã 4 năm nay và chị mới đưa đứa con ngoài quê vào đi học. Chị nói năm nay con chị học lớp 1 nên phải đưa con vào để kèm cặp cho nó. Những năm trước, bé được gửi ngoài quê nhờ ông bà ngoại nuôi và chị gửi tiền về. Sống ở khu nhà trọ, xin cho con học được ở trường một buổi chị đã rất mừng nhưng chưa kịp mừng đã vội lo vì đủ thứ tiền quần áo, cặp và sách vở cho con đi học. Chị tính sơ sơ tất cả đã hơn 1 triệu đồng, gần một phần ba tháng lương của chị nên những khoản chi tiêu khác đành... gác lại. Thu nhập của anh chị hơn 6 triệu đồng/tháng với rất nhiều khoản chi tiêu và bây giờ phải lo thêm cho con đi học nên họ phải tính toán chi li từng khoản một để tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Tất cả với chị Thu là để cho con cái được học hành tử tế thì khó khăn mấy cũng không màng.

Một cặp vợ chồng khác ở gần nhà trọ của chị Thu cũng cho biết trong thời điểm này, họ giảm thiểu tối đa các khoản chi tiêu để dành tiền lo cho con đi học. Chị buôn bán ở chợ và anh đi làm phụ hồ. Lâu nay họ quen với kiểu “cơm hàng cháo chợ” nghĩa là đụng đâu ăn đó. Chị ở chợ nên ăn uống luôn tại các hàng quán bán sẵn. Anh đi phụ hồ cũng ăn cơm bụi gần công trình. Gần đây, giá cả đắt đỏ nên chị giảm chi tiêu bằng cách dậy sớm hơn để nấu cơm cho chồng đem theo. Chị cũng mang theo cơm từ nhà vì theo chị, như thế vừa tiết kiệm vừa an toàn thực phẩm hơn. Điều quan trọng nữa là có thêm khoản tiền cho con mua sắm sách vở, dụng cụ học tập...

Cả nhà tiết kiệm cũng là cách làm của chị Lan (bán chè đậu, xôi cho công nhân ăn sáng). Chị Lan cho biết, những ngày hè vừa qua chị thỉnh thoảng cho con tiền nhưng chị nhắc chừng thằng bé “bỏ ống heo” để mua sắm những thứ cần thiết cho năm học mới. Năm nay, con trai chị lên cấp II và nó có thể tự mình “đập ống heo” mua được chiếc xe đạp cũ giá gần 800.000 đồng để đi học, ba mẹ khỏi cần đưa đón như trước đây.

Liệu cơm gắp mắm là cách làm của những gia đình trẻ, thu nhập thấp. Có như thế họ mới mong duy trì cuộc sống một cách bình thường, giữ nếp sống gia đình “bình ổn” khi mà thu nhập không tăng và nhu cầu cuộc sống thì ngày càng cao như hiện nay...

HƯƠNG CẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên