Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ em

Cập nhật: 28-03-2011 | 00:00:00

Dạy trẻ biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ đối với mọi người đó là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Thế nhưng, giáo dục trẻ như thế nào để có hiệu quả đó là điều các bậc phụ huynh quan tâm.

Cho trẻ mở rộng lòng yêu thương

Đến thăm Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật (KT) Thuận An vào ngày cuối tuần, không khí sôi động tràn ngập khắp nơi. Các em KT được các bạn SV tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TP.HCM tổ chức nhiều trò chơi sôi nổi. Tại đây còn có nhiều em nhỏ khoảng từ 8 - 14 tuổi cùng gia đình đang tham gia các trò chơi với các em KT. Các em cùng vui đùa, cùng ăn... không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa trẻ KT và các em HS. Điều đó đã làm các em KT, những người quản lý tại trung tâm, phụ huynh HS thấy hạnh phúc rất nhiều. Bởi các em KT không mặc cảm với số phận, vui vẻ hòa nhập với cộng đồng. Các em HS thì biết chia sẻ, cảm thông với những người bạn khiếm khuyết.

Hoàng Khải Nguyên, SV trường ĐH Khoa học Tự nhiên (TP.HCM) kể, gia đình biết tôi cùng các bạn tổ chức chuyến đi làm từ thiện tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ KT, nên đã đề nghị tôi nên đưa em gái Khải Vy đi theo. Vì đây là cơ hội tốt để Vy có thể tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, mở rộng tình thương, bỏ lối sống ích kỷ. Khi mới đến đây, Vy không dám cùng chơi với các em KT, thậm chí còn khóc đòi về. Khải Vy tâm sự: “Mới đầu thấy các bạn ú, ớ không nói được, em sợ lắm! Em đã bật khóc, sau đó bạn Hương (HS KT tại trung tâm) đã đến kéo tay em ra ngoài chơi cùng. Nhiều lúc nói các bạn không hiểu, nhưng giờ thấy trao đổi qua giấy cũng thú vị”.

Gặp em Thanh Sang, tôi đã nhầm tưởng em là HS KT tại trung tâm, khi thấy em nói chuyện bằng tay với các em khiếm thính rất giỏi. Hỏi ra, tôi được biết năm nay em 13 tuổi, ở Đồng Nai thường cùng gia đình đến trung tâm tặng quà, giao lưu với các em KT. “Các bạn KT tuy không được như em có đầy đủ mọi thứ, nhưng các bạn không tủi thân mà vẫn rất lạc quan, lúc nào cũng biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Các bạn đã cho em một bài học rất bổ ích, sống là phải biết quan tâm đến mọi người, mọi người vui mình cũng vui theo, kính trọng yêu mến mọi người mình sẽ nhận được sự thương yêu nhiều hơn”, Thanh Sang nói.

Chị Trần Thị Tuyền (TX. Dĩ An) cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 1 đứa con trai được ông bà nội, ngoại cưng chiều. Bởi vậy, cháu càng ngày càng khó bảo. Sau những lần đưa cháu đi làm từ thiện tại các trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ mồ côi, KT. Tôi thấy cháu có nhiều thay đổi cả về suy nghĩ lẫn hành động. Bé thường hay giúp đỡ ông bà, lễ phép hơn với mọi người. Đặc biệt, cháu đã bỏ dần lối sống ích kỷ, khép mình. Tôi thấy cách giáo dục này rất hay”.

Lòng nhân ái là nền tảng đạo đức

Trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, nhiều bậc cha mẹ quá mãi lo làm ăn kinh tế, tuyệt đối hóa vai trò đồng tiền, họ cứ nghĩ cho con thật nhiều tiền, mua nhiều thứ đã là quan tâm đến con. Vô hình trung cha mẹ đã khiến con trẻ có suy nghĩ, nhà mình giàu nên nảy sinh tính tự kỷ... Điều đó, đã khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu, nhưng để giáo dục lòng nhân ái cho trẻ cần phải có biện pháp, phải có sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Nhiều bậc phụ huynh cho biết, lòng nhân ái chính là nền tảng của tất cả những gì tốt đẹp. Trẻ em khi được giáo dục lòng nhân ái sẽ có khuynh hướng sống tốt hơn, biết sẻ chia với mọi người xung quanh. Do vậy, bên cạnh những bài học thuần túy sách vở, gia đình nên hướng trẻ đến các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những con người kém may mắn. Qua những món quà nhỏ các em tự làm tặng bạn, hay ánh mắt thán phục khi nhìn sản phẩm do những bàn tay, khối óc không nguyên vẹn làm ra, các em sẽ nhận thức được bài học về lòng nhân ái, về sự san sẻ yêu thương theo một cách tự nhiên nhất.

Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, nhịp sống của xã hội ngày càng sôi động, người lớn phải tất bật với công việc nên thời gian dành cho việc chăm sóc trẻ của nhiều người ngày càng bị thu hẹp. Thực trạng này vô tình đã tạo điều kiện cho lối sống ích kỷ và thậm chí cả sự vô cảm. Lòng nhân ái có trong mỗi người, cổ nhân đã có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, thế nhưng làm sao để phát triển lòng nhân ái cho một đứa trẻ và hướng nó đến với một lòng tốt vô điều kiện, một tình yêu thương vượt qua bức tường ích kỷ thường có là điều không dễ. Giáo dục là vô cùng cần thiết, nhưng giáo dục phải được hiểu là không chỉ bó hẹp trong gia đình và nhà trường. Trên thực tế hiện nay cho thấy, mọi cố gắng của gia đình, nhà trường dù cao đến đâu cũng vẫn chưa đủ. Bởi vậy, nhiều trào lưu hướng thiện của các đoàn thể, nhà trường, nhà văn hóa... có ý nghĩa hết sức quan trọng vì những việc làm hướng thiện ấy tạo cơ hội cho các em thể hiện lòng nhân ái.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên