Giao lưu âm nhạc dân tộc: Thắt chặt thêm tình bằng hữu

Cập nhật: 22-04-2010 | 00:00:00

Tối 20-4, tại nhà hàng Lương Sơn Quán, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã tổ chức chương trình giao lưu đờn ca tài tử, cải lương với Hội VHNT 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, gồm: An Giang, Đồng Tháp và Long An. Đã lâu lắm rồi, những nghệ sĩ đam mê bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương tỉnh nhà mới có dịp gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp với những nghệ sĩ đến từ các tỉnh bạn trong một không gian gói gọn nhưng ấm cúng như thế này...

  Nghệ sĩ Cao Thị Thắng và Thu Hồng (Bình Dương) thể hện bài "Về mền Tây"Ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết: Chương trình được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Ngoài ý nghĩa này, đêm giao lưu còn là dịp để các hội VHNT và các nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc dân tộc có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt thêm mối quan hệ, tình cảm gắn bó sẵn có trong suốt thời gian công tác vừa qua.

Có mặt trong đêm giao lưu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói rằng, sức mạnh của ca cổ rất là lạ. Cũng là bộ môn nghệ thuật đó, nhưng mỗi nơi có một giọng mùi rất khác nhau. Và đêm giao lưu này chính là dịp để những giọng mùi khác nhau đó có cơ hội thể hiện, làm đẹp và hay hơn âm nhạc dân tộc chúng ta. Ngoài các nghệ sĩ đến từ 3 tỉnh bạn, chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ quen thuộc hoạt động trong phong trào đờn ca tài tử, cải lương của tỉnh Bình Dương. Về ca có nghệ sĩ Cao Thị Thắng, Thu Hồng, Cao Nguyên Vũ, Kiều Oanh, Thùy Dương. Về dàn nhạc biểu diễn trong chương trình có nghệ sĩ ưu tú Tư Còn đàn nguyệt, Văn Út đàn violon, Mỹ Ngọc Chi đàn tranh, Lộc Nghĩa đàn guitar và Chí Hiếu đàn bầu. Gần 15 tiết mục trong đêm giao lưu, với nhiều thể loại khác nhau, với những “giọng mùi” khác nhau đã mang đến cho người thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc dân tộc thực sự.Là những nghệ sĩ chủ nhà, nên nghệ sĩ Cao Thị Thắng và Thu Hồng của Bình Dương đã mở đầu chương trình bằng một tiết mục rất thân thiện, thể hiện tinh thần hiếu khách đối với bạn hữu từ xa đến thăm. Bản Lưu thủy trường “Về miền Tây” của tác giả Sơn Hà bởi thế như một lời chào mừng “thay lời muốn nói” của chủ nhà đối với khách. Các đơn vị bạn cũng có lời chào hỏi, giới thiệu quê hương mình với đơn vị chủ nhà. Tiếp theo đó nghệ sĩ Thành Nu và Ngọc Hà đến từ An Giang đã ca rất mùi bài vọng cổ “Chợ Mới”. Nghệ sĩ Hồng Nguyệt (Đồng Tháp) đã ca thể loại 8 câu phụng hoàng bài “Cây sầu riêng quê mẹ” và nghệ sĩ Hoàng Việt Thanh (Long An), dù đã cao tuổi (64 tuổi) nhưng “lâu ngày mới có dịp đến thăm Bình Dương và gặp lại người bạn cũ từng ca chung cách đây 25 năm - nghệ sĩ Cao Thị Thắng - nên tình cảm gặt hái được sau chuyến giao lưu này rất quý. Nhờ đó mà ông đã thể hiện bài vọng cổ “Mùa xuân của em” rất suôn sẻ, dù “khán giả đến dự còn hơi ít nên nghệ sĩ cũng có phần hơi buồn khi lên sân khấu biểu diễn”, ông nói.Ngoài những thể loại thường nghe, trong đêm giao lưu các nghệ sĩ chủ nhà còn giới thiệu với bạn hữu một tiết mục mang sắc thái rất riêng của Bình Dương, đó là điệu Tây Thi Quảng. Đây là một làn điệu rất đặc biệt trong đờn ca tài tử Nam bộ, đã xuất hiện cách nay hơn nửa thế kỷ, do nghệ nhân Út Búng (ở Thuận An, Bình Dương) sáng tác. Nghệ nhân Út Búng là một trong hai người thầy đầu tiên của NSƯT Tư Còn - người đã lưu giữ làn điệu này đến ngày hôm nay. Nghệ sĩ Cao Thị Thắng đã trình bày lớp đầu và lớp chót điệu Tây Thi Quảng với tiếng đờn nguyệt độc tấu của NSƯT Tư Còn đã mang đến cho người nghe những cảm xúc khó quên. Đến từ Long An, nhưng lại là người con của quê hương Bình Dương nên lần về thăm quê hương này, nghệ sĩ Hồng Cúc đã gửi tặng quê hương, các nghệ sĩ và khán giả mộ điệu Bình Dương một món quà nhỏ, đó là 6 câu Văn Thiên Tường  và 2 câu vọng cổ (câu 5, 6) bài “Đêm rừng” của soạn giả Kha Tuấn. Còn nhiều bài ca giới thiệu, ca ngợi quê hương đất nước mà các nghệ sĩ đã biểu diễn bằng cả tấm lòng để gửi tặng nhau, như: “Nỗi lòng người mẹ” (Bình Dương), “Chiều qua ngã sáu” (Đồng Tháp), “Cây bàng Côn Đảo” (An Giang) hay tiết mục “Liên nam” do các nghệ sĩ Bình Dương cùng hòa tấu. Nhưng có lẽ, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, bài ca cổ “Gửi lòng con đến cùng cha” của tác giả Vũ Điền được trình bày qua hai giọng ca trẻ Kiều Oanh và Cao Nguyên Vũ (Bình Dương) đã để lại trong lòng người nghe một cảm xúc sâu lắng, cùng tưởng nhớ đến vị lãnh tụ, người cha già kính yêu của dân tộc ta, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đêm giao lưu đã khép lại, để rồi sau đó mỗi người về một ngả, với những công việc riêng của mình, nhưng những tình cảm mà họ dành cho nhau, cũng như tình yêu đối với âm nhạc dân tộc vẫn chảy mãi trong lòng các nghệ sĩ.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên