Giao lưu giữa Doanh nghiệp - Sinh viên - Nhà trường: “Đào tạo và tuyển dụng nguồn lực cho doanh nghiệp”

Cập nhật: 23-02-2011 | 00:00:00

Đó là nội dung của buổi giao lưu giữa doanh nghiệp - sinh viên - nhà trường, do Viện đào tạo Mở và Nghiên cứu phát triển Bolt của trường Đại học Bình Dương tổ chức vào cuối tuần qua. Buổi giao lưu có sự góp mặt của đại diện một số công ty lớn trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội để  sinh viên (SV) đưa ra những câu hỏi như: doanh nghiệp (DN) trông chờ gì ở SV, SV làm gì để đáp ứng cầu công việc trong tương lai... Cũng qua đây, SV học hỏi và vận dụng tốt những kiến thức, kinh nghiệm mà các nhà doanh nhân thành đạt đã chia sẻ với các em. Từ những ý nghĩa này, SV có định hướng tốt trong học tập, đáp ứng được nhu cầu DN cần.

Dù còn đang ngồi trên giảng đường đại học, nhưng điều SV băn khoăn nhất có lẽ là: doanh nghiệp đòi hỏi gì đối với SV mới ra trường. ông Phạm Văn Sơn Khanh, Phó ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm. Theo ông, yêu cầu đầu tiên là thông thạo ngoại ngữ, ưu tiên số một là Anh văn. DN nước ngoài không kiểm tra trình độ qua bằng cấp, mà chủ yếu qua kỹ năng nghe nói của người đi xin việc. Một kỹ năng khác không thể thiếu hiện nay đó là thông thạo vi tính. Nếu SV trang bị tốt 2 kỹ năng này thì sẽ không khó khăn khi đi xin việc.

  SV chăm chú lắng nghe các doanh nghiệp tư vấn chọn ngành

 Chia sẻ kinh nghiệm với SV mới ra trường, ông Lê Tấn Tây, Giám đốc Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh Bình Dương nhắc nhở, do chưa có kinh nghiệm, khả năng giao tiếp của SV mới ra trường còn hạn chế. Với hoạt động ngân hàng, áp lực công việc của nhân viên (NV) với khách hàng rất lớn, đòi hỏi NV phải quản lý được thời gian, sắp xếp công việc hợp lý, mà NV mới thì chưa có kỹ năng quản lý thời gian và công việc. Ngoài ra, công việc còn đòi hỏi ở NV kỹ năng làm việc nhóm và trình độ chuyên môn nhất định và một số yêu cầu khác như đạo đức nghề nghiệp... tôi thấy, một số SV mới ra trường rất vội vã, nôn nóng xin được tiếp nhận công việc mới, mà quên đi quỹ thời gian tìm hiểu quy trình công việc theo quy định của tổ chức, thế nên các em làm việc không đạt hiệu quả. Thêm nữa, các em sắp xếp công việc không khoa học, tư tưởng đạo đức chưa vững vàng nên dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền, làm ngân hàng mà tâm không vững thì sẽ dễ bị sa thải.

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Phúc, Giám đốc Hồ Đăng Nguyên chia sẻ, yêu cầu đầu tiên của DN với NV mới là phải có tâm huyết và đam mê công việc. Chúng tôi không đòi hỏi NV mới có bằng cấp cao. Người mới thường trải qua thời gian thử việc, sau đó DN có hướng đào tạo để NV thích ứng với công việc.

Tại buổi giao lưu, nhiều SV băn khoăn, làm sao để có cơ hội được thực tập ở những DN mình yêu thích, vì thực tế SV gặp khó khăn khi xin thực tập. Những DN có mặt trong buổi giao lưu hứa hẹn sẵn sàng tiếp nhận SV vào thực tập, nhưng vì những lý do khách quan nên số lượng có thể hạn chế. Nhân dịp này, ông Nguyên cũng bày tỏ, với SV, giai đoạn thực tập là quan trọng, không nên thực tập trái ngành nghề, nên chăng nhà trường nên kết hợp với DN đưa SV đi thực tập phù hợp với ngành nghề đã học để các em tích lũy kinh nghiệm, sau này ra trường nhanh chóng thích ứng với công việc. Ông Phạm Văn Sơn Khanh cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện, cũng như làm nhịp cầu nối giữa nhà trường và DN giới thiệu cho SV thực tập, xin việc làm...

Cũng tại đây SV được giao lưu với diễn giả Francis Hùng, Giám đốc bán hàng xuất sắc nhất Việt Nam, thông qua đúc kết kinh nghiệm bản thân, ông  giúp SV có những định hướng phù hợp , đúng đắn trong học tập, xác định mục tiêu và hướng phấn đấu, để tương lai trở thành một NV giỏi và đáp ứng được yêu cầu của DN.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X