Giáo viên dạy thêm sai quy định: “Siết” bằng quản lý
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Hạn chế dạy thêm, học
thêm để trẻ có thêm thời gian vui chơi, giải trí
Dẹp “loạn” DT HT
Thực tế, tình trạng DT HT lâu nay đã tồn tại như một nhu cầu tất yếu, đặc biệt là ở khu vực thành phố, thị xã. Học sinh HT để bổ trợ thêm kiến thức, phụ huynh muốn con cái mình có môi trường lành mạnh, vừa được quản lý tốt, vừa có thêm kiến thức. GV cũng “nhẹ” phần nào về chi phí cuộc sống. Nếu DT HT chỉ đơn thuần là phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho các em, là nơi thể hiện lòng yêu nghề, sự tâm huyết của nhiều người thầy thì sẽ chẳng có gì đáng bàn. Điều đáng nói ở đây chính là những “méo mó”, chệch hướng của một bộ phận GV lợi dụng DT HT để nhằm tư lợi riêng.
Ngoài Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về DT HT. Để dẹp “loạn” tình trạng DT HT sai quy định, Bộ GD-ĐT tiếp tục dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đưa ra nhiều mức phạt, dao động từ 3 triệu - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về DT. Theo đó, phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào DT, ép buộc học sinh HT; từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức DT tại địa điểm không bảo đảm quy định. Ngoài ra, phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền DT HT không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ; Phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi DT không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng. Riêng đối với hành vi cấp phép DT, HT không đúng thẩm quyền thì dự thảo đề xuất mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng…
Khi dự thảo nghị định được đưa ra đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, người đồng tình, kẻ phản bác. Thầy Trần Thanh Phong, GV dạy toán một trường THPT khá bức xúc: “Tôi năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình. Vợ tôi cũng là một cô giáo tiểu học. Tôi tự hỏi, tại sao tôi lại không có quyền kiếm tiền nuôi gia đình bằng nghề của tôi? Tôi cũng như bao người lao động khác, khi lương không đủ sống, tôi phải làm thêm giờ, phải DT cho các em học sinh, vừa nuôi sống gia đình, vừa giúp các em có thêm kiến thức. Thiết nghĩ, việc DT của tôi không gây hại cho xã hội, không gây mất trật tự, không phạm pháp... Tại sao không thể kiếm tiền bằng chính sức lực của tôi”.
Đúng vậy, DT HT không có gì là tiêu cực nếu góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh. Nhưng thực tế có những “con sâu làm rầu nồi canh” thì rất cần những “cánh tay nối dài” của cơ quan chức năng để đưa hoạt động DT HT vào quy củ, nề nếp.
“Trách nhiệm quản lý đầu tiên là ở hiệu trưởng”
Khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo nghị định trên, cô Trần Thu Nga, GV một trường tiểu học đã bày tỏ: “Thực tế, chúng ta cần có cái nhìn công bằng cho GV, GV cũng là một nghề và họ cũng cần phải sống bằng nghề. Tôi không phản bác việc Bộ GD-ĐT đưa ra những quy định xử phạt đối với GV vi phạm. Tuy nhiên, việc thành lập đoàn thanh tra kiểm tra, bắt DT HT như bắt… buôn lậu ở vài địa phương khiến chúng tôi có cảm giác hơi chạnh lòng”. Nhiều bậc phụ huynh cũng mong muốn Bộ GD-ĐT giảm tải chương trình học để con em họ có thời gian vui chơi. Chị Bùi Thị Thu (phường Chánh Nghĩa, TP.TDM) cho biết: “Tôi muốn con tôi ngoài thời gian học ở trường, sẽ được đọc truyện tranh, đi thả diều, đá bóng… Phụ huynh chúng tôi biết học trước là “phản khoa học” nhưng đa phần học sinh lớp Lá đã thạo hết mặt chữ vì muốn yên tâm, muốn con theo kịp bạn”.
“Dạy thêm, nếu ai tiêu cực, làm hoen ố hình ảnh người thầy trong xã hội thì hãy xử lý những người ấy. Việc này dễ thôi, ban giám hiệu nhà trường nắm rất rõ. Đừng vơ đũa cả nắm, đừng đánh đồng người thầy giỏi, có tâm huyết với những người thầy thực dụng ”
Chị LÊ THU NGA (phụ huynh học sinh, phường Phú Hòa, TP.TDM)
Ngày 14-12-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND và hướng dẫn số 1972/SGDĐT-GDTrH ban hành ngày 26-12-2012 của sở hướng dẫn thực hiện việc DT HT theo quy định của tỉnh. Trong đó bao gồm: điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục DT HT; hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức hoạt động DT HT; Trách nhiệm quản lý DT HT; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đặc biệt, quy định không tổ chức DT đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về cách quản lý đối với trường hợp GV vi phạm quy định DT HT, đại diện Sở GD-ĐT (xin phép không nêu tên) khẳng định: “Đây mới là bản dự thảo nghị định, tuy nhiên, về cách quản lý thì sở đã giao toàn quyền cho các hiệu trưởng. Theo đó, hiệu trưởng là người có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý, kiểm tra… đối với việc DT HT cả trong và ngoài giờ hành chính. Đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá về mối quan hệ giữa hiệu trưởng và GV về năng lực quản lý”. Vị này cho biết, Sở GD-ĐT không thể là người trực tiếp tới kiểm tra từng lớp học. Vì thế, sở đã hướng dẫn những người đứng đầu nhà trường những thủ tục để cấp giấp phép DT HT đúng quy định. Theo đó, hiệu trưởng phải là người trực tiếp kiểm tra cơ sở vật chất, danh sách GV, số lượng học sinh, nội dung chương trình học, mức học phí… ở lớp học đó. “Hơn ai hết, ban giám hiệu nhà trường chính là những người có “tai mắt”, nắm rõ từng GV của mình. Nếu vị hiệu trưởng nào nói không thể quản lý ngoài giờ hành chính là đang trốn tránh trách nhiệm!”, vị này khẳng định.
Thiết nghĩ, để hoạt động DT HT đi vào nề nếp, các cấp quản lý, ban giám hiệu các trường cần phải kiên quyết trong quản lý, đồng thời phải làm tốt việc giáo dục tư tưởng đối với GV và giải thích chu đáo cho phụ huynh học sinh, chỉ đạo tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập để nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, hạn chế DT. Việc đưa ra các quy định trên chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Rõ ràng, để đưa hoạt động DT HT đi vào đúng quỹ đạo cần phải giải quyết đồng bộ công tác đổi mới cách thi cử, giảm tải chương trình học và nâng cao thu nhập cho GV. Đó là cách để những người ngày ngày đứng trên bục giảng luôn hết lòng “vì các em học sinh thân yêu”.
THANH LÊ