Giáo viên kiêm bảo mẫu: Những ý kiến trái chiều từ phía giáo viên

Cập nhật: 15-12-2010 | 00:00:00

Hiện nay trên địa bàn TX.TDM có 3 trường tiểu học tổ chức dạy bán trú là: Lê Hồng Phong, Phú Hòa 2 và Trần Phú. Việc dạy 2 buổi/ngày góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu của phụ huynh cho con học bán trú. Xung quanh việc tổ chức bán trú ở các trường cũng có những quan điểm khác nhau từ phía giáo viên ở các trường này.

  Giáo viên chăm lo cho học sinh trong giờ ăn trưa

Trước đây, trường Tiểu học Lê Hồng Phong có hợp đồng bảo mẫu chăm lo việc ăn uống, nghỉ ngơi của học sinh (HS) vào buổi trưa. Nhưng do những lý do khách quan, 3 năm nay trường không còn hợp đồng bảo mẫu, mà công việc quản lý học sinh vào buổi trưa do giáo viên (GV) đảm trách. Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, trường đưa ra chủ trương, GV đồng tình nên chúng tôi thực hiện. GV được hưởng tiền trực trưa 650.000 đồng/tháng và Hội cha mẹ HS hỗ trợ mỗi GV 100.000 đồng/ tháng. Do đã thành nề nếp, GV có tinh thần trách nhiệm cao nên công việc này mấy năm nay vẫn diễn ra suôn sẻ, đồng thời đội ngũ cũng đỡ cồng kềnh hơn. Đột xuất ghé thăm trường đúng vào giờ ăn trưa, chúng tôi nhận thấy GV không có gì gọi là vất vả với công việc quản lý HS vào buổi trưa. Thức ăn được các cô nhà ăn dọn sẵn ra bàn, GV xuống đứng xem, nhắc nhở, hỗ trợ những em ăn chậm. Các GV cho hay, HS có tâm lý sợ cô nên ăn nhanh và ăn hết suất ăn. Khi được hỏi, ở lại trường buổi trưa có ảnh hưởng gì đến gia đình không, các cô cho biết, với những GV vì hoàn cảnh gia đình không thể ở lại trường thì báo với ban giám hiệu sắp xếp người khác thay thế, trường không ép buộc tất cả GV phải ở lại.

Giống như trường Lê Hồng Phong, từ đầu năm học 2010-2011 trường Tiểu học Trần Phú cũng thực hiện chế độ ở lại buổi trưa của GV (làm thay bảo mẫu). Thế nhưng, trong nội bộ GV đã có những ý kiến trái chiều. Trao đổi với chúng tôi, một số GV cho biết, họ rất vất vả khi dạy ở trường bán trú không có bảo mẫu phụ việc. Các cô vừa dạy học, vừa quản HS trong lớp, ngoài ra phải “xem chừng” HS trong giờ ra chơi có đánh, chọc phá nhau hay không. Đã có trường hợp HS bị mất đồ dùng học tập, áo đồng phục và cả chuyện chạy chơi va vào nhau và đánh nhau trong sân trường. Với những trường hợp này, GV cũng rất phiền lòng khi bị PH phàn nàn lúc họ đến đón con. Chị Thanh Ng. phụ huynh có con học bán trú trường Trần Phú cho biết: Tôi thường đến thăm con và thấy đúng là các cô quá vất vả. Ngoài việc đứng lớp dạy học, các cô còn quản lớp, cho HS ăn trưa, xếp bàn cho HS ngủ rồi các cô mới được nghỉ ngơi. Nhưng có khi, cô không kịp nghỉ bởi còn chấm bài cho HS, chuẩn bị vào học buổi chiều. Tan học, đến đón con, tôi thường thấy cô giáo của con mình phải quét dọn, lau phòng học thật sạch sẽ trước khi ra về. Như thế là cô giáo đã làm quá nhiều việc trong một ngày. Đa số PH lớp con tôi học có đề nghị, nên thuê bảo mẫu, PH có thể đóng thêm tiền hàng tháng để thuê bảo mẫu, bởi như thế con cái của họ được chăm sóc chu đáo hơn.

Trả lời về việc này, ông Bao Minh Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú cho biết, theo Luật Lao động, đơn vị sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội - BHYT cho bảo mẫu, trong khi trường không có kinh phí nên năm học này trường không còn hợp đồng bảo mẫu, GV làm thay công việc này. Trước khi triển khai thực hiện, nhà trường đã họp liên tịch thống nhất về việc GV ở lại buổi trưa và đã triển khai trên hội đồng GV. Có 6 GV nêu lý do vì công việc gia đình, con nhỏ... không ở lại buổi trưa được. Nhà trường yêu cầu GV làm đơn trình bày hoàn cảnh để trường xem xét. Sau đó trường chỉ nhận được 2 đơn, trường đã đồng ý để 2 cô này được về vào buổi trưa và phân công nhân viên làm thay.

Cũng theo ông Vân, mới đây, sau khi có một vài GV phản ứng về việc ở lại buổi trưa, cuối tháng 11 vừa qua trường tổ chức họp hội đồng sư phạm để giải thích và trưng cầu lại ý kiến của GV. Kết quả có 18 GV đăng ký ở lại buổi trưa và 13 GV không đăng ký ở lại. trong đó có 6 GV lớp 2 buổi/ngày ở cơ sở 2 và 1 trường hợp trường đã giải quyết từ đầu năm học, như vậy còn lại 6 GV tại cơ sở 1 không đăng ký ở lại. Trên cơ sở này, trường hợp đồng bảo mẫu để phục vụ cho 6 lớp và hợp đồng quét lớp cho tất cả các lớp, bắt đầu từ 30-11.

Cũng xung quanh vấn đề có nên hợp đồng thêm bảo mẫu ở các lớp học tiểu học bán trú hay không, nhiều PH đồng quan điểm; có một điều bất cập là khi các bé học lớp lá, thường trong lớp có 2 cô giáo và một bảo mẫu. Họ còn cho biết, con họ trước đây học ở trường mẫu giáo công lập nhưng Hội PH của trường có phương án kêu gọi PH đóng thêm tiền hàng tháng để thuê bảo vệ, bảo mẫu làm việc theo hợp đồng và PH nào cũng vui vẻ chấp nhận. Bởi ai cũng mong muốn con mình được học hành đàng hoàng, quan tâm đúng mức. Thế nhưng khi con họ vào lớp một, việc bắt đầu học chữ, học làm toán với một đứa trẻ là rất khó khăn trong khi đó cô giáo vừa dạy vừa kiêm bảo mẫu thì vất vả cho cả cô và trò! Nên chăng, để các cô tập trung cho việc đứng lớp, cần có bảo mẫu phụ giúp các cô trong việc chăm sóc HS. Với HS lớp 3, 4, 5 còn đỡ vất vả chứ các em lớp 1, 2 vẫn còn nhỏ quá, chưa ý thức được việc tự vệ sinh cá nhân hay giữ trật tự trong lớp.

 

H.THÁI - H.CẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X