Gieo chữ vùng xa

Cập nhật: 18-11-2013 | 00:00:00

Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Bình Dương còn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Theo đó, ngoài việc tập trung đầu tư xây dựng trường lớp, tỉnh, huyện thị còn tranh thủ nguồn ngân sách hàng năm để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên (GV), nhằm tạo điều kiện để các thầy cô ở xa có nơi ăn chốn ở ổn định. Sống nơi “đất khách quê người”, nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, sợi dây tình cảm thầy và trò thêm bền chặt đã “giữ chân” những người thầy, họ tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người ở tỉnh nhà.  

Thầy giáo tận tụy hướng dẫn học sinh

 Cái tâm của thầy cô giáo vùng xa

Đến thăm các ngôi trường trong huyện Dầu Tiếng những ngày sắp đến 20-11, chúng tôi càng cảm nhận được tình cảm mà thầy trò vùng xa dành cho nhau. Đối với học sinh, em nào cũng muốn tặng thầy, cô những gì tốt đẹp nhất nhân Ngày tri ân. Tinh thần học tập của các em đã làm “ấm lòng” những người đứng lớp. GV các ngôi trường trong huyện Dầu Tiếng chủ yếu là những thầy cô đến từ miền Bắc, miền Trung. Với sức trẻ, tri thức và lòng nhiệt huyết của mình họ đã lựa chọn về vùng xa xôi để dạy học. Cô giáo Phạm Thị Lành (30 tuổi), quê ở Nghệ An đã từ bỏ cơ hội tốt tại TP.Hồ Chí Minh để lên trường THCS Minh Hòa (Dầu Tiếng) công tác 8 năm qua. Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành Anh văn. Cô Lành, tâm sự: “Dạy ở đâu cũng là dạy, cái quan trọng là mình có thể truyền đạt những kiến thức mình đã học cho các em, nhất là các em ở những nơi còn thiếu thốn”.  

Thầy cô cùng sinh hoạt ngoại khóa với các em học sinh

Ở vùng xa, dù còn trong độ tuổi đi học, nhưng trẻ em lại là một lực lượng lao động không thể thiếu trong nhiều gia đình. Cuộc sống khó khăn, khiến cho tuổi thơ của nhiều em thuần túy chỉ là những ngày lên nương, lên rẫy mà không có con chữ, không có cặp sách để đến trường. Đây cũng chính là khó khăn mà ngành GD-ĐT tỉnh, huyện đang lo lắng. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, địa phương, cộng với tâm huyết của những người thầy, người cô, những năm gần đây tình trạng học sinh bỏ học dần dần được đẩy lùi.

“Yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu…”, có lẽ từ lâu, câu hát này đã thấm sâu vào tâm hồn những người thầy, người cô ở vùng xa Dầu Tiếng và trở thành khẩu hiệu để họ hướng lòng mình về những nơi con chữ và những tâm hồn non trẻ đang đón đợi. Cô Nguyễn Thị Liễu (SN 1967), quê Bến Cát, gắn bó với ngôi trường Tiểu học Định Hiệp (Dầu Tiếng) 27 năm qua. Thế nhưng kỷ niệm những ngày đầu chân ướt, chân ráo lên vùng cao vẫn như mới ngày hôm qua. Cô, tâm sự: “Ban đầu khi mới vào Định Hiệp nhận công tác, nơi đây còn rất hoang sơ, rậm rạp và muỗi rất nhiều, ai ở đây cũng đều trải qua những cơn sốt rét đến ghê người”. Một ngày như mọi ngày, cô đi cả chục cây số đến từng nhà các em để khuyên phụ huynh cho con em đi học và “thắp” sáng niềm đam mê chinh phục tri thức cho các em. Nhiều năm qua, mái tóc xanh giờ đã điểm bạc, cùng với đó là bao thế hệ học sinh ở nơi nghèo khó đã được cô dạy dỗ. Cô Liễu, tâm sự: “Thầy giáo của chúng tôi có dặn lên đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây mới về. Nhưng tôi bây giờ không bén rễ xanh cây nữa, mà rễ đã ăn sâu vào trong lòng đất, cây cũng đã đâm chồi nảy lộc. Dẫu sao tôi vẫn gắn bó với vùng đất này, bởi các em nhỏ nơi đây còn cần cái chữ, còn cần có những người thầy”.

Chỉ những nét kể sơ qua của thầy cô giáo, chúng tôi đã hình dung ra được những khó khăn vất vả của những người GV nơi đây. Những khó khăn vất vả đó không thể “dập tắt” ước mơ và ý chí của những người GV. Càng trải qua khó khăn, ý chí và quyết tâm, “lòng yêu nghề, mến trẻ” lại càng cho họ động lực để vượt qua những thử thách.

Ấm áp nhà công vụ

Trước những cống hiến của thầy cô, nhất là những thầy cô giáo từ mọi miền về Bình Dương công tác, tỉnh, huyện đã xây dựng nhiều nhà công vụ. Những ngôi nhà đơn sơ nhưng đã phần nào thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước, địa phương trong sự nghiệp giáo dục. Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng Tạ Tấn Tuấn, cho biết: Từ năm 2003 đến nay huyện Dầu Tiếng đã tranh thủ nguồn ngân sách của tỉnh để xây dựng nhà công vụ cho GV quê ở xa chưa có điều kiện xây dựng được nhà ở. Các căn nhà này thuộc Dự án trung học cơ sở (THCS) vùng khó khăn và dự án kiên cố hóa trường lớp học.

Sống chung trong khu nhà công vụ của trường, các thầy cô giáo từ mọi miền đất nước luôn yêu thương, chăm sóc, quan tâm lẫn nhau như một “đại gia đình”. Đến trường THCS Định Hiệp (Dầu Tiếng), chúng tôi được thầy hiệu trưởng hướng dẫn tham quan nơi ở của các thầy cô tại nhà công vụ của trường. Hiện tại nhà công vụ của trường có 9 phòng và được bố trí cho 13 GV ở. Khu ở dành cho GV cấp I và cấp II trong xã ở xa nhà, khó khăn, trong đó có 2 gia đình. Các GV ở đây đều cảm thấy rất hài lòng, vì đây có thể gọi là một “tổ ấm” cho mình. Gia đình thầy Nguyễn Văn Chung (39 tuổi), quê ở Thanh Hóa về đây công tác đã được 14 năm. Chỉ vì lòng yêu nghề, mến trẻ, nhất là đối với các em ở vùng xa mà trước đây dù cuộc sống rất khó khăn do đồng lương còn thấp, nhà ở thì lại tạm bợ nhưng vợ chồng thầy vẫn vượt qua thử thách để “bám trụ” với nghề. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhà trường, Phòng Giáo dục tạo điều kiện cho gia đình được ở trong nhà công vụ, giờ đây cuộc sống gia đình thầy ổn định, yên tâm công tác. “Được cấp nhà công vụ gia đình tôi rất an tâm công tác, vì nhà công vụ được xây dựng rất kiên cố. Ngoài ra, sống chung với các thầy cô ở xa quê, chúng tôi cảm thấy vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà”, thầy Chung bộc bạch.

Có thể nói, tuy mỗi căn phòng dành cho từng gia đình chưa được rộng rãi lắm, nhưng cũng khá khang trang, đầy đủ tiện nghi và cũng đủ để làm nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cho gia đình có từ 2 - 4 thành viên. Nhờ vậy đã giúp cho các thầy cô ổn định cuộc sống, an tâm công tác tốt, nâng dần chất lượng giáo dục. Thầy Nguyễn Bá Tín, Hiệu trưởng trường THCS Định Hiệp, nói: “Từ chỗ tạo được nơi ở thuận tiện nên trong công tác thầy cô giáo đã yên tâm đem hết tâm huyết của mình ra lo cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Bên cạnh phấn đấu trong nhiệm vụ chuyên môn của thầy cô, có thêm nơi ăn chốn ở ổn định đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Chia tay các thầy cô tại nhà công vụ trường THCS Định Hiệp, chúng tôi ghé đến nhà công vụ trường THCS Minh Hòa. Không khí tại đây luôn vui vẻ và ấm áp. Sau giờ dạy, các thầy cô quây quần bên nhau, cùng nhau nấu ăn, cùng vui chơi sinh hoạt… Tất cả tạo thành một “tổ ấm” vững chắc và đầy ắp tiếng cười. Nhìn lại công tác chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, GV mà Đảng và nhà nước, địa phương đã triển khai thực hiện trong thời gian qua như: chính sách đãi ngộ, thu hút và việc hỗ trợ nhà công vụ, là động lực để các thầy cô giáo phát huy hết tài năng, trí tuệ, vai trò trách nhiệm của mình cùng với địa phương chăm lo và phát triển sự nghiệp “trồng người”.

HS Nguyễn Thị Mai Trinh (lớp 9A1, trường THCS Định Hiệp): Trường em hầu hết thầy cô đều đến từ các tỉnh xa. Do đó, mỗi dịp lễ, tết, hay đến ngày Tri ân thầy cô 20-11, để tạo niềm vui nho nhỏ dâng lên thầy cô, chúng em thường tổ chức nhóm đến chơi và tặng thầy cô những món quà nhỏ. Bên cạnh đó, chúng em luôn ý thức và mãi mãi khắc ghi công ơn thầy cô, từ đó cố gắng hơn nữa trong học tập.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên