Gieo gì gặt nấy!

Cập nhật: 01-10-2012 | 00:00:00

Anh ta tìm đủ cách để quỵt những đồng tiền mồ hôi nước mắt của công nhân, cuối cùng lại bị chính người vợ của mình lừa lấy hết tài sản…

Cuối tháng 8 có dịp ra Hà Nội, tình cờ tôi gặp một người quen. Mùa này Hà Nội có hôm mưa dầm, trời se se lạnh, thế mà Biển chỉ phong phanh chiếc quần soọc và cái áo thun. “Tôi ra ngoài này để kiếm đường “binh” lấy lại nhà cửa, xe cộ… Biết có ngày này, trước đây tôi không làm vậy” - Biển rầu rĩ. Nhìn anh, tôi không hình dung được chỉ cách nay vài năm, anh còn là một trong những “đại gia” của ngành da giày TPHCM. Tôi vốn là giảng viên dạy về quản trị doanh nghiệp nên có điều kiện gặp gỡ, quen biết nhiều giám đốc doanh nghiệp. Những câu chuyện của họ đôi khi khiến tôi mất ngủ…

Có vay, có trả

Khoảng 4-5 năm trước, báo chí đồng loạt đưa tin công ty của Biển đột ngột đóng cửa một nhà máy tại quận Thủ Đức - TPHCM khiến mấy trăm công nhân (CN) mất việc; trong đó có nhiều bà bầu, lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Sẽ không có gì đáng nói nếu Biển sòng phẳng với người lao động, trả đầy đủ chế độ cho những người đã đổ mồ hôi, nước mắt cho mình. Nhưng Biển không làm vậy mà lén lút di chuyển máy móc lên huyện Hóc Môn. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhùng nhằng mãi, Biển mới chịu trả nhỏ giọt quyền lợi cho CN.

  Khi đẩy những lao động nữ này ra đường, doanh nghiệp đã lơ luôn quyền lợi của họ. Có lần, gặp vợ chồng Biển ở một nhà hàng sang trọng giữa lúc CN đang ầm ầm bao vây nhà máy, tôi hỏi tại sao phải đóng cửa nhà máy, đẩy CN ra đường khi tình hình vẫn chưa có gì khó khăn, Biển cười: “Chủ đất đòi tăng giá mặt bằng, thôi thì nhân dịp này đẩy hết đi để lấy vốn làm chuyện khác. Có điều là còn nợ BHXH nhiều quá nên phải cù nhầy. Anh biết rồi đó, tiền để trong ngân hàng nó đẻ lãi chớ đem đóng BHXH cho CN thì có lợi ích gì đâu? À mà anh đừng nói tôi đẩy CN ra đường nghen. Tôi bảo lên huyện Hóc Môn mà không lên thì ráng chịu”. Nói rồi Biển cười khà khà, đưa tay quàng cổ cô vợ trẻ mới cưới.

Sau đó không lâu lại thấy báo chí đưa tin nhà máy trên huyện Hóc Môn của Biển đóng cửa, CN kiện ra tòa. Tòa xử CN thắng kiện nhưng không thi hành án được vì toàn bộ tài sản của Biển giờ đã chuyển sang tên cô vợ, mà vợ chồng thì đã ly hôn. “Nó bày mưu tính kế lấy hết tài sản của tôi. Mấy tháng nay, tôi phải ăn dầm, nằm dề ngoài này để nhờ người ta “chạy” giùm coi có đòi lại được gì không”. Nghe cái giọng chua chát và nhìn vẻ mặt thiểu não của Biển, tôi bỗng nghĩ tới chuyện trả - vay…

“Làm giám đốc mà để công nhân đói thì nhục”

Cũng thật tình cờ, mấy hôm trước, tôi gặp lại Thịnh, giám đốc một công ty thực phẩm lớn có cơ sở đóng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương. Ngày trước, Thịnh có một thú đam mê kỳ lạ đối với xe hơi. Anh ít khi nào chịu đi một chiếc xe quá 6 tháng. Trong gara nhà anh lúc nào cũng có 3 chiếc xe xịn.  Ấy thế mà giờ đây Thịnh lại phóng xe máy đi đánh banh. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Xe hơi đâu hết rồi mà đi xe máy?”. Anh hớp ngụm bia, “khà” một cái ngon lành: “Bán hết rồi!”. Tôi trố mắt: “Còn công ty thì sao?”. Thịnh nhịp nhịp chân: “Vẫn hoạt động bình thường, hàng bán vẫn chạy, CN vẫn đủ việc”.

Thịnh kể khoảng đầu năm 2009, công ty bắt đầu gặp khó khăn. Thị trường xuất khẩu thu hẹp, công ty sản xuất cầm chừng, có tháng chỉ làm 15 ngày, phải cho CN nghỉ chờ việc. Đang kể, giọng anh chùng xuống: “Nhiều anh em CN có gia đình, lương chờ việc không đủ nuôi vợ con nên xin tôi cho nghỉ việc để đi nơi khác làm. Lúc đó, tôi đã khóc.

Làm giám đốc mà để CN đói thì thật nhục. Chủ tịch Công đoàn công ty cho tôi mượn giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng lấy tiền hỗ trợ CN. Tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng quyết định bán hết mấy chiếc xe, cả xe của thằng con đi du học bên Úc để ở nhà tôi cũng bán, căn biệt thự ở quận 3 cũng bán luôn. Sau đó, tôi bàn với anh em quay về thị trường nội địa. Không ngờ trời thương nên làm được luôn. Bây giờ đã có tiền mua lại xe hơi nhưng tôi vẫn thích đi xe máy”.

Tôi hỏi Thịnh có biết chuyện của Biển không, anh gật đầu: “Biết chứ. Cái quả bây giờ chính là từ cái nhân hồi trước mà Biển đã gieo. Riêng tôi, qua cái đận khó khăn vừa rồi, tôi chiêm nghiệm được rất nhiều thứ… Khi thằng con cằn nhằn chuyện tôi bán xe, tôi bảo, cuộc sống bất trắc khó lường lắm nên phải sống sao để người ta cầu phúc cho mình chứ đừng để họ chửi mình”.

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên