Giữ chân lao động ngành may: Lời giải chính từ doanh nghiệp

Cập nhật: 10-09-2010 | 00:00:00

Biến động lao động (BĐLĐ) là một khó khăn rất lớn của ngành may hiện nay theo nhìn nhận từ nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này. Thực tế, việc thiếu hụt nguồn lao động (LĐ) là nỗi lo chung của nhiều DN, tuy nhiên với tính chất sản xuất sử dụng nhiều LĐ, ngành dệt may đang phải đối mặt trước khó khăn này với áp lực cao hơn. Để giải quyết bài toán khá nan giải này, nhiều DN đã có những cách thức để giữ chân người LĐ, nhằm bảo đảm ổn định sản xuất...

Áp lực

Bà Phan Lê Diễm Trang, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Bình Dương, Giám đốc DNTN May Quốc tế cho biết:  “BĐLĐ là nỗi lo cố hữu của hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Vì sao? Ngành dệt may không giống như các ngành nghề sản xuất khác, dù muốn dù không bắt buộc phải sử dụng nhiều LĐ. Đối với các ngành khác, có thể sử dụng công nghệ, dây chuyền hiện đại để giảm nhân công, nhưng điều này là không thể với ngành may mặc, từng chiếc áo, cái quần... ở hầu hết các công đoạn đều phải qua bàn tay người công nhân (CN) trong khi đó nguồn LĐ lại thường xuyên biến động, tạo ra áp lực rất lớn cho các DN ngành may...”.

 

Lao động ngành may thường xuyên biến động gây khó cho doanh nghiệp

Tại DNTN May Quốc tế, theo bà Trang, với tình hình các đơn hàng ổn định, các xưởng sản xuất có nhu cầu khoảng 1.000 CN. Tuy nhiên hiện nay tại đây cũng chỉ có khoảng 900 CN đang làm việc. Thiếu LĐ đang tạo ra khó khăn khá lớn cho DN khi mà hạn các đơn hàng luôn luôn phải bảo đảm cho đối tác nhập khẩu. Do đó, CN phải tăng ca, làm thêm giờ nhưng áp lực thiếu LĐ vẫn luôn thường trực. “Việc thiếu hụt nguồn LĐ do biến động có khi còn làm các DN bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh, ký kết các đơn hàng. Khi có đơn hàng, các DN phải tính toán xem có đủ nhân công để thực hiện không. Hiện nay tại nhiều DN, đơn hàng có nhưng thiếu hụt nhân công thì cũng không tận dụng được...”, với tư cách là Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Bình Dương, bà Trang  chia sẻ. Còn đối với Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, tình hình BĐLĐ tại đây cũng diễn ra thường xuyên. Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Nhân sự công ty này cho biết, trung bình tỷ lệ BĐLĐ hàng năm ở vào khoảng 2 - 3%. Với một công ty có quy mô lớn, việc biến động này có thể không nhiều nhưng cũng tạo ra những khó khăn nhất định khi các đơn hàng đến hạn hoặc trong tình hình có nhiều đơn hàng.

Lý giải nguyên nhân của sự BĐLĐ thường xuyên này, theo các DN là do nguồn thu nhập của LĐ trong ngành may hiện nay so với LĐ trong nhiều ngành khác đang có sự chênh lệch đáng kể. DN thì bị tăng chi phí đầu vào, nên việc tăng cao thu nhập cho người LĐ không phải là điều dễ dàng. Vì thế, CN ngành may có tay nghề thường có xu hướng tìm đến các DN có nguồn thu nhập khả dĩ hơn. Thực tế này lại tạo ra một sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các DN ngành may mặc với nhau trong việc “lôi kéo” nguồn LĐ.

Lời giải từ DN

Đứng trước áp lực khá lớn từ BĐLĐ, bên cạnh việc tìm cách nâng cao thu nhập cho người LĐ, nhiều DN còn giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra sự yên tâm và ổn định lâu dài cho CN. Tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, nhiều năm qua luôn thực hiện chăm lo đời sống, sinh hoạt, ăn ở một cách tốt nhất có thể để nhằm giữ chân CN, bảo đảm nguồn LĐ ổn định phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Nhân sự của công ty cho hay, trong năm 2009, công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng để xây nhà cho CN ở miễn phí. Bên cạnh đó, hàng năm vào các dịp lễ, tết, công ty đều tổ chức xe đưa đón CN về quê ăn tết không thu tiền. Riêng về thu nhập của người LĐ, công ty luôn tính toán bảo đảm mức thu nhập trung bình từ 2,7 - 2,8 triệu đồng/người/tháng. “Nếu tính tổng cả chi phí nhà ở, bữa ăn cho CN, thu nhập của người LĐ tại công ty trung bình lên đến 3,5 triệu đồng một tháng...”, ông Anh cho biết. Ngoài ra, công đoàn công ty cũng luôn có sự quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần khác cho CN nhằm tạo ra niềm tin và từ đó người LĐ gắn bó lâu dài với DN.

Còn cách làm của DNTN May Quốc tế lại khá độc đáo. Bà Phan Lê Diễm Trang cho biết, ngay từ năm 2006, DN đã đầu tư xây dựng trường học mầm non bán trú dành riêng cho con em CN của mình. Vừa qua, trường này đã được nâng lên thành trường Mầm non Tư thục May Quốc tế có 4 lớp học từ 2 tuổi đến 5 tuổi với 4 bảo mẫu, 5 giáo viên được thuê về dạy học và chăm sóc con em CN. Trung bình hàng tháng, DN chi phí từ 160 - 180 triệu đồng cho các lớp học này.  “Chúng tôi xây dựng trường mầm non chỉ để phục vụ con em CN làm việc tại DN và không thu tiền. Điều này vừa chia sẻ khó khăn với CN, đồng thời còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc đưa đón con đi học, đi làm, chăm lo tốt đời sống để giữ chân CN làm việc lâu dài...”. Ngoài ra, DN này cũng còn thực hiện đóng học phí cho con em CN làm tại DN đi học từ lớp 1 đến hệ đại học với mức học phí công lập do Nhà nước quy định...

Thực tế, so với nhiều DN khác, tỷ lệ BĐLĐ ở DNTN May Quốc tế và Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương nói như ông Nguyễn Hồng Anh, “biến động ở mức bình thường”, còn nhiều DN ngành may khác đang phải tranh giành, lôi kéo LĐ lẫn nhau, cho thấy hiệu quả từ cách làm của 2 DN này. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Bình Dương, để giải quyết khó khăn BĐLĐ, cách làm tốt nhất là phải chăm lo tốt đến đời sống người LĐ tại DN mình. Lời giải bài toán BĐLĐ ngành may chính là ở các DN.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên