Giữ nét truyền thống, bài trừ văn hóa độc hại

Cập nhật: 18-11-2020 | 07:59:17

 Thực hiện Chỉ thị 41- CT/TW và 46-CT/TW của Ban Bí thư, trong thời gian qua, công tác quản lý lễ hội và văn hóa phẩm độc hại đã được ngành văn hóa và thông tin (VH-TT) huyện Phú Giáo chú trọng thực hiện, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp và bài trừ những sản phẩm văn hóa độc hại, hoạt động kinh doanh văn hóa tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội...

 Liên hoan Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Phú Giáo

Ông Phạm Văn Nghĩa, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Giáo, cho biết ngay sau khi có Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, Phòng VH-TT đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nội dung tuyên truyền bám sát tinh thần chỉ thị gắn với thực tế của địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Việc thực hiện Chỉ thị 41-CT/ TW còn gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện đến cơ sở. Trong đó, huyện nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo ông Nghĩa, số lễ hội trên địa bàn huyện hàng năm không nhiều như các địa phương khác, đa số được tổ chức với quy mô nhỏ tại các miếu, đình, nhưng nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện tốt nên đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội. Cùng với đó, nhận thức của nhân dân về tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, an toàn, tiết kiệm cũng được nâng cao.

Cùng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW, trong thời gian qua, ngành VH-TT huyện Phú Giáo cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Ngoài tuyên truyền thực hiện chỉ thị trên các phương tiện truyền thông đại chúng, công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng được ngành VH-TT chú trọng và gắn liền với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đến nay, có 7/11 xã, thị trấn hoàn chỉnh việc rà soát, xây dựng hương ước theo quy định. Từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; một số hủ tục lạc hậu cũng được xóa bỏ, góp phần khơi dậy niềm tin trong cộng đồng và gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Đội kiểm tra liên ngành huyện thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất và đã kịp thời ngăn chặn các hoạt động văn hóa không lành mạnh, các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào địa bàn.

Qua thực hiện các nội dung theo tinh thần của Chỉ thị 46-CT/ TW, nhận thức về tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại của người dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao. Đặc biệt là nhận thức của đối tượng thanh thiếu niên trước sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại đã được cải thiện đáng kể.

 Với vai trò là cơ quan thường trực đội kiểm tra liên ngành của huyện, hàng năm, Phòng VH-TT huyện đã chủ động phối hợp với các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn, không để tình trạng lợi dụng lễ hội để trục lợi, lôi kéo đông người, tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhờ đó, các lễ hội trên địa bàn huyện bảo đảm diễn ra đúng nghi thức, phong tục truyền thống dân tộc, cũng như bảo đảm về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông...

 CẨM LÝ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên