Giúp nông dân thoát nghèo

Cập nhật: 06-07-2011 | 00:00:00

Được thành lập từ năm 2003, Câu lạc bộ (CLB) nuôi bò sinh sản (Tân Hiệp, Phú Giáo) đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Những gia đình thoát nghèo... từ 5 triệu đồng

Những năm đầu của thập niên 90, Tân Hiệp là một xã nghèo của huyện Phú Giáo và cả của tỉnh. Ruộng đất bỏ hoang vì khô cằn, nhiều người dân tỏa đi các nơi làm thuê, làm mướn. Từ khi được Ban chủ nhiệm hợp tác xã cho các hộ nghèo mượn đất làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

  CLB nuôi bò sinh sản ở xã Tân Hiệp giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp mà ông Đỗ Duy Liệu ở ấp 2 rùng mình. Lúc nào trong đầu ông cũng nghĩ suy làm gì để lo đủ bữa ăn cho gia đình. Thế rồi, được hợp tác xã cho mượn đất, ông ra sức tăng gia sản xuất, bước đầu đem lại ít của cải, đáp ứng cái ăn cho các thành viên trong gia đình. Ông kể, vụ đông xuân đầu tiên, gia đình ông thu hoạch được 300kg đậu phộng. Tính theo thời điểm đó là sản lượng năng suất cao lắm rồi.

Thành quả lao động ban đầu đã kích thích ông Liệu mạnh dạn mướn thêm đất, mở rộng diện tích khai hoang để sạ lúa ngắn ngày. Với 5 triệu đồng vay từ Quỹ 120 giải quyết việc làm của Hội Nông dân (năm 2003), ông mua 1 con bò về nuôi. Tận dụng vườn cỏ sau nhà, vậy mà sau 5 năm bỏ công chăm sóc, từ 1 con  bò nhân ra thành 1 cặp trâu lớn và 3 con nghé bán được hơn 14 triệu đồng. Không chỉ như thế, sau 7 năm làm lụng vất vả, giờ đây, gia đình ông Liệu có cơ nghiệp khá vững chắc, với 4 ha điều, 2 ha cao su, 1 ao nuôi thả cá rộng hàng ngàn mét đất. Các con ông đều thành đạt. “Tất cả là nhờ từ đồng vốn của hợp tác xã và chính quyền địa phương” - ông nói.

Cũng như gia đình ông Liệu, gia đình bà Nguyễn Thị Chương ở ấp 3 đã thoát nghèo nhờ số tiền 5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết: “5 triệu đồng lúc ấy đối với gia đình tôi là số tài sản khá lớn. Nhờ sự chỉ dẫn của cán bộ xã, tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, tận dụng nó làm sức kéo để phục vụ sản xuất. Cứ thế đến bây giờ, gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn”. Ngoài gia đình ông Liệu, bà Chương, rất nhiều gia đình thoát nghèo như thế như gia đình bà Khuê, ông Hiếu, ông Sanh ở ấp 3...

Hiệu quả từ CLB nuôi bò sinh sản

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở Tân Hiệp đã tạo hiệu quả trong suốt quá trình thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Thấy vậy, Đảng ủy, UBND xã đã họp bàn chủ động tháo gỡ khó khăn và có ý tưởng thành lập CLB nuôi bò sinh sản. Và CLB nuôi bò sinh sản ở đây ra đời từ đó.

Ban Chủ nhiệm CLB nuôi bò sinh sản xã Tân Hiệp hoàn toàn không vốn, chỉ xây dựng duy nhất là đội ngũ và uy tín từ thành viên mà ra. Vì thế, cứ thấy hộ nghèo nào chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình thì CLB giới thiệu cho vay vốn tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi hộ là 5 triệu đồng đồng thời với việc giúp họ tham gia sinh hoạt, trở thành thành viên của CLB.

Để hộ nghèo vay vốn đạt hiệu quả và sử dụng đúng mục đích, có lòng tin tuyệt đối vào phong trào của CLB, ngoài việc kiểm tra, mỗi quý, các thành viên còn cùng nhau xếp lịch sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường, vần đổi công, giúp nhau con giống, cây trồng... Kết quả sau một năm thực hiện, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Từ đó thành viên tự nguyện tham gia CLB ngày càng đông hơn.

Tính đến nay, CLB nuôi bò sinh sản xã Tân Hiệp đã nhân lên được 127 con trâu, bò và đang có chiều hướng tăng nhanh. Không dừng lại, Ban chủ nhiệm còn thường xuyên động viên các thành viên tiếp tục duy trì và phát triển đàn trâu bò, đề nghị ban ngành có liên quan hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi, đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi... Cứ thế từ 180 hộ nghèo năm 2006, đến nay đã giảm còn 17 hộ nghèo theo tiêu chí cũ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, cho biết những năm gần đây, do tình hình dịch bệnh lở mồm long móng ở trâu bò lây lan trên diện rộng đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều hộ chăn nuôi. Trong khi đó, giá cả biến động thất thường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm của người lao động. Một số hộ phải bán bò nuôi với giá rẻ, chuyển sang chăn nuôi heo, gà thả vườn hoặc mướn đất trồng khoai mì, khiến cho đàn bò có chiều hướng giảm nhẹ.

Trước tình hình này, các cấp chính quyền địa phương cùng CLB nuôi bò sinh sản đang tính toán, tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn khôi phục đàn bò với mục đích xóa hết hộ nghèo và giúp hộ thoát nghèo vươn lên khá giả từ đàn bò sinh sản trong xã.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên