Gỡ khó nguồn lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Cập nhật: 19-08-2019 | 08:03:08

Thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn, kỹ thuật; thiếu lao động biết tiếng Hàn… là vấn đề mà các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang gặp phải. Giải quyết vấn đề này, Bình Dương đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ; đồng thời mong muốn DN Hàn Quốc cùng với địa phương đào tạo, tuyển lao động tại chỗ từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore xây dựng nhiều xưởng thực hành để học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi ra trường. Trong ảnh: Sinh viên thực hành trên trang thiết bị hiện đại tại nhà xưởng của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore

Nỗ lực không ngừng

UBND tỉnh Bình Dương vừa có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với DN Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương. Tính đến nay, DN Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương có 734 dự án, tổng vốn đăng ký là 3,13 tỷ đô la Mỹ. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp dệt may, giày dép, chế tạo sản phẩm phụ trợ ngành ô tô, y tế, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và chế biến thực phẩm.

Một trong các vấn đề DN Hàn Quốc quan tâm là việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành nhà máy. Họ cho rằng, thời buổi phát triển công nghệ, đa số DN đều đầu tư máy móc thay thế một phần lao động chân tay. Sử dụng các loại máy móc hiện đại cần có lực lượng lao động kỹ thuật, chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn không dễ dàng gì.

Ông Kim Won Sil, Chủ tịch Chi hội DN đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương cho biết: “Nguồn nhân lực đóng góp vai trò rất lớn đối với các DN. Bình Dương thiếu nhân lực khá nhiều, nhất là lao động có chuyên môn, kỹ thuật. Hy vọng lãnh đạo Bình Dương sẽ tìm ra được nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực giúp các DN Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương”.

Câu chuyện thiếu nguồn nhân lực không phải chỉ là vấn đề của Bình Dương mà đó là khó khăn chung của cả nước. Cùng với đó sự dịch chuyển lao động do sự phát triển của nhiều nhà máy trên cả nước, nên việc thiếu hụt lao động cũng rất đáng lo ngại trong thời gian tới. Để giải “bài toán” thiếu lao động có tay nghề cho DN, Bình Dương đã và đang nỗ lực từng ngày.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, cung ứng nguồn nhân lực cho DN là nhiệm vụ thường xuyên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện nay, Bình Dương đã có Trung tâm Dịch vụ việc làm để hỗ trợ DN trong tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang kết nối với các tỉnh Tây nguyên để tìm kiếm lao động phổ thông. Tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng thực hành cho học sinh, sinh viên tại các trường nghề. Từ đó, đào tạo ra lực lượng lao động vững tay nghề khi còn ở trên ghế nhà trường. Bình Dương cũng rất cần sự kết hợp của DN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

“Để có nguồn lao động có kỹ năng, DN cần kết hợp với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để đào tạo. Trong quá trình đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề rất muốn DN tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tham quan, kiến tập, thực tập. Sau khi các em ra trường có thể vận hành ngay các loại máy móc để khỏi cần đào tạo lại”, ông Tuyên cho biết thêm.

Cùng phối hợp để tháo gỡ

Một vấn đề khác được các DN Hàn Quốc quan tâm là thiếu thông dịch viên tiếng Hàn, thiếu lao động biết tiếng Hàn. Đến Bình Dương đầu tư, các DN đưa khá nhiều quản lý người Hàn tới đây để điều hành nhà máy. Thế nhưng lại thiếu thông dịch viên, rất ít người biết tiếng Hàn để truyền đạt ý của quản lý đến với công nhân, hay tâm tư tình cảm của công nhân đến với người quản lý. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh tạo điều kiện mở các trung tâm dạy tiếng Hàn tại các trường THPT, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

Tại Bình Dương hiện chỉ có trường THPT Chuyên Hùng Vương đưa tiếng Hàn Quốc vào giảng dạy và có giáo viên tiếng Hàn. Mặc dù ngành giáo dục - đào tạo Bình Dương rất có nhu cầu, phụ huynh học sinh có nhiều kỳ vọng để học sinh học tiếng Hàn, tuy nhiên giáo viên cơ hữu dạy tiếng Hàn tại Bình Dương còn hạn chế. Đó là khó khăn của tỉnh trong việc đưa tiếng Hàn vào giảng dạy, đào tạo. Mặt khác, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh. Do đó, tất cả các trường phải dạy tiếng Anh cho học sinh. Tiếng Hàn, Pháp, Trung là ngoại ngữ 2 nên chỉ động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên đăng ký học thêm, chứ không bắt buộc. Bình Dương cũng có nhiều trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Hàn nhưng số lượng giáo viên khá ít. Những người giỏi tiếng Hàn đến Bình Dương chủ yếu xin vào làm việc tại các DN chứ không “mặn mà” đứng lớp giảng dạy.

Với những kiến nghị của các DN Hàn Quốc, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực liên kết để nắm bắt khó khăn của DN, kịp thời hỗ trợ. Từ đó sẽ giúp DN yên tâm hơn khi chọn Bình Dương làm nơi đầu tư lâu dài.

-  Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh: Sự thành công của DN là sự thành công của tỉnh. Khó khăn của DN, tỉnh Bình Dương phải có trách nhiệm chia sẻ và cùng hỗ trợ để cùng vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới Bình Dương sẽ có những chính sách riêng để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN đến đầu tư tại đây, đặc biệt là cung ứng lao động có tay nghề; tạo điều kiện để các trung tâm ngoại ngữ ra đời phục vụ việc học tập ngoại ngữ cho sinh viên, công nhân, người dân trong tỉnh.
- Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Hiện nay, Bình Dương có nhiều DN. Đây là cơ hội để lao động có điều kiện tìm được nơi làm việc phù hợp. Do đó, mỗi DN nên tìm cách “giữ chân” người lao động, có các chế độ, chính sách cũng như môi trường làm việc tốt để họ an tâm lao động và gắn bó với DN lâu dài.
- Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh: Để phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, tiếng nói giao lưu văn hóa 2 nước rất quan trọng. Với vai trò, trách nhiệm là quản lý nhà nước về giáo dục, chúng tôi cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh, DN giúp đỡ để xây dựng nhiều trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc tại Bình Dương. Từ đó sẽ có nhiều học sinh, sinh viên tại Bình Dương nói được tiếng Hàn.
- Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Hiện nay, Bình Dương có 8 trường đại học, khoảng 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 7 trường cao đẳng/cao đẳng nghề, 1 phân hiệu cao đẳng, 14 trường trung cấp/trung cấp nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và nhiều DN có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Bình Dương quyết tâm đổi mới giáo dục đào tạo, hướng các học viên, học sinh, sinh viên thực hành nhiều hơn để chắc lý thuyết, vững thực hành.
THIÊN LÝ (ghi)

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên