Góp ý dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Thứ sáu, ngày 23/08/2013

Hơn 200 đại biểu, đại diện các bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản, lãnh đạo Sở Xây dựng 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự hội thảo.

  Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu tại hội thảo.

Việc sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và bất cập hiện hành cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng như với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và các đạo luật khác có liên quan. Việc sửa đổi hai luật hiện hành cũng nhằm điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: Việc xây dựng dự án Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi phải cụ thể hóa các định hướng về phát triển và quản lý nhà ở nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011, trong đó xác định việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân;

Phải bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với các luật liên quan như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự…; các chính sách nhà ở (áp dụng cho đối tượng trong nước và nước ngoài) cần được quy định thống nhất trong Luật Nhà ở. Việc sửa đổi hai luật hiện hành cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.

Hội thảo đã phân tích những bất cập, tồn tại trong thực tế quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện nay. Kiến nghị Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định rõ hành lang pháp lý để Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội;

Có chính sách và cơ chế ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà ở thương mại để cho thuê;

Phải có quy định cụ thể về trách nhiệm lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương để làm cơ sở cho việc xác định các nhu cầu về nhà ở cho từng loại đối tượng trong xã hội, hạn chế tối đa việc phát triển nhà ở theo phong trào, không theo quy hoạch, kế hoạch. Luật phải quy định chặt chẽ trong thủ tục, điều kiện giao dịch mua bán nhà ở thương mại của các chủ đầu tư dự án để hạn chế các rủi ro cho người mua nhà, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bảo lãnh các giao dịch nhà ở cho khách hàng, bảo đảm việc huy động vốn cho phát triển nhà ở phải đúng mục đích để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà…

Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần có quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản;

Phải quy định về yêu cầu các chủ đầu tư, chính quyền các địa phương cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết, có liên quan đến thị trường bất động sản tránh hiện tượng mất cân bằng cung – cầu về hàng hóa bất động sản; cần có quy định cụ thể về các hình thức giao dịch bất động sản để tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán, đội giá bất động sản, gây mất ổn định thị trường như vừa qua…

Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, trong năm 2014 cùng với nhiều dự án luật khác, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật Nhà ở và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo Nhân Dân