Góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Đi tìm tiếng nói chung

Cập nhật: 01-08-2019 | 08:46:11

LTS: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh vừa phối hợp tổ chức lấy ý kiến cán bộ công đoàn, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh về dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi. Trong quá trình lấy ý kiến, tìm tiếng nói chung, có khá nhiều ý kiến, quan điểm khác biệt, cần có sự cân nhắc kỹ để các nội dung dự thảo luật bảo đảm quyền lợi và lợi ích chính đáng cho người lao động (NLĐ).

Bài 1: Tăng tuổi nghỉ hưu - cần sự phân biệt

 Tăng tuổi nghỉ hưu (TTNH) phải phân biệt rõ ràng từng đối tượng lao động, không nên đánh đồng. Với lao động gián tiếp thì TTNH là phù hợp. Còn lao động trực tiếp, nhất là những ngành đòi hỏi sự tỉ mỉ cao thì TTNH là bất hợp lý... Đây là ý kiến của đa số cán bộ công đoàn, công nhân lao động khi đóng góp ý kiến về dự thảo BLLĐ sửa đổi.

Tại buổi lấy ý kiến về dự thảo BLLĐ sửa đổi, vấn đề TTNH khá “nóng”, thu hút sự quan tâm của các cán bộ công đoàn và công nhân lao động. Số đông ý kiến đều đồng tình với việc TTNH ở nhóm lao động gián tiếp và bày tỏ không đồng tình TTNH đối với nhóm lao động trực tiếp, những ngành lao động đặc thù. Luật sư Võ Trọng Nghĩa (đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho rằng, theo dự thảo BLLĐ sửa đổi thì việc TTNH đối với lao động gián tiếp theo đề xuất là phù hợp. Còn đối với khối lao động trực tiếp, đặc biệt với những ngành cần có sự tỉ mỉ... thì đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.

Ông Đào Thế Sơn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Gỗ Chấn Hưng (TX.Tân Uyên), cho rằng không nên cứng nhắc trong việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: THU THẢO

Luật sư Võ Trọng Nghĩa phân tích: “TTNH là xu thế chung của thế giới khi tuổi thọ của NLĐ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam đa số lao động trực tiếp làm việc tay chân, chất lượng cuộc sống chưa bảo đảm nên đến 60, 62 tuổi họ không còn đủ sức khỏe làm việc”. Vì vậy, luật sư Võ Trọng Nghĩa kiến nghị không nên TTNH đại trà mà chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng lao động như cán bộ công chức hoặc người làm việc ở một số ngành nghề nhất định để tránh thiệt thòi cho NLĐ.

 Tại hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo BLLĐ sửa đổi, đại diện các CĐCS cho rằng: Nếu TTNH thì Nhà nước cũng phải có những phương án, chế tài cụ thể để các doanh nghiệp không được sa thải NLĐ khi họ trong độ tuổi nữ trên 55 và nam trên 60 tuổi. Bởi, đối với doanh nghiệp, NLĐ ngoài 40 tuổi là “thuộc hàng lao động chuẩn bị tìm mọi cách cho nghỉ rồi, làm gì có chuyện làm việc tới 60, 62 tuổi...”.

Đồng tình với ý kiến của luật sư Võ Trọng Nghĩa, ông Đào Thế Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Gỗ Chấn Hưng (TX.Tân Uyên), cho rằng không nên cứng nhắc trong việc đề xuất TTNH. Ông Đào Thế Sơn tán thành TTNH, nhưng cần đánh giá, phân loại và có danh mục cụ thể theo từng nhóm lao động riêng biệt để xác định rõ những nhóm có thể TTNH. Chẳng hạn, công chức, viên chức, người làm nghiên cứu khoa học… thì tăng, còn những ngành nghề, công việc đặc thù, NLĐ trực tiếp... thì không nên tăng.

Đi sâu vào thực tế, ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần - Thương mại - sản xuất - dịch vụ Nhứt Thông (TX.Tân Uyên), cho rằng nhiều ngành nghề như cạo mủ cao su, giày da... NLĐ chưa đến tuổi nghỉ hưu như hiện nay đã không còn đủ sức khỏe để làm việc. Phía người sử dụng những lao động (ở những ngành nghề nặng nhọc...) cũng gặp khó khăn để sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của họ. “Theo tôi, với những NLĐ trực tiếp thì không nên TTNH vì năng suất thấp, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho cả NLĐ; đồng thời quy định tuổi nghỉ hưu để căn cứ tính tỷ lệ % hưởng bảo hiểm xã hội không thôi là không hợp lý, thiệt thòi cho NLĐ”, ông Thủy nói.

Đại diện một số CĐCS còn nêu một thực tế cách đây không lâu, câu chuyện người sử dụng lao động tìm cách sa thải những lao động khi bước vào tuổi 35 - 40 đã khiến xã hội lo lắng. Vậy, liệu TTNH thì có giải pháp nào hạn chế người sử dụng lao động không sa thải NLĐ khi họ ở tuổi 55 - 60, khi mà độ nhạy bén, sức dẻo dai không còn nữa. Vì vậy, các ý kiến cho rằng: Nếu TTNH thì Nhà nước cũng phải có những phương án, chế tài cụ thể để các doanh nghiệp không được sa thải NLĐ khi họ độ tuổi nữ trên 55 và nam trên 60 tuổi. Bởi, đối với doanh nghiệp, ngoài 40 tuổi là “thuộc hàng lao động chuẩn bị tìm mọi cách cho nghỉ rồi, làm gì có chuyện làm việc tới 60, 62 tuổi...” (còn tiếp)

Theo dự thảo, Điều 170 về tuổi nghỉ hưu thì NLĐ bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên