GS.Ngô Bảo Châu sẽ về Việt Nam làm việc thường xuyên

Cập nhật: 01-09-2010 | 00:00:00

GS Ngô Bảo Châu nói cách giữ người tốt nhất là tạo ra một nơi làm việc, dành cho nhà khoa học một vị trí làm việc tốt. Đối với những người được đào tạo ở nước ngoài, thu hút về nước tốt nhất là thời điểm ngay sau khi họ vừa hoàn thành luận án tiến sĩ.

 

Trong buổi gặp gỡ với báo chí sáng nay, cùng các đồng nghiệp làm toán ở Hội Toán học, Viện Toán học Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ câu chuyện về Viện Nghiên cứu cấp cao về toán đang trong lộ trình hình thành, sau khi Chính phủ ban hành chương trình trọng điểm quốc gia về toán học.

 

Mở đầu buổi gặp, GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học giải thích ngay, chương trình trọng điểm này do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, không phải chương trình của Viện Toán học.

 

Thưa GS, viện nghiên cứu cấp cao về toán thuộc sự vận hành của Bộ GD-ĐT thì có thuận lợi và khó khăn gì?

 

GS Ngô Bảo Châu: Theo tôi hiểu, viện đó có quy chế đặc biệt, độc lập với Bộ GD - ĐT, biên chế sẽ rất ít. Bộ có lẽ chỉ quản về chính sách chung, còn điều hành do ban lãnh đạo của viện.

 

Khi nhìn vào nhà toán học, cứ tưởng nhà toán học ngồi trong phòng làm việc một mình, cái đó rất quan trọng.

 

 GS Ngô Bảo Châu.

Nhưng động lực chính cho phát triển khoa học, cũng như toán học nói riêng, chính là sự kết hợp với nhau, thậm chí toán học có thể kết hợp với vật lý, khoa học máy tính, sinh học, kinh tế. Một trong những tư tưởng then chốt là sự kết hợp các nhà khoa học có khả năng, điểm trội khác nhau.

 

Các ngành khác nhau đã đành, các nhà toán học làm việc ở Việt Nam, và các nhà khoa học trẻ đã được đào tạo ở nước ngoài.

 

Chúng tôi hy vọng, do cơ sở tốt của viện đang hy vọng được thành lập, lôi cuốn họ về Việt Nam làm việc 1 thời gian. Có thể không phải là vĩnh viễn, 6 tháng thôi, nhưng kết hợp, dần cuốn hút để nhiều nhà khoa học về Việt Nam làm việc hơn.

 

Cá nhân tôi thì công việc chính vẫn làm GS ở ĐH Chicago. Nhưng nếu viện thành lập, từ tháng 6 đến tháng 8, tôi sẽ ở Việt Nam, trực tiếp tham gia vào tổ chức khoa học, làm khoa học ở Việt Nam. Ban lãnh đạo gọn nhẹ, nhưng có trách nhiệm tuyển chọn hồ sơ theo lí lịch khoa học, đề tài nghiên cứu, khả năng hợp tác. Chúng tôi không khuyến khích những người làm việc một mình. Khi có việc quan trọng, tôi sẽ tham gia trực tiếp.

 

GS Lê Tuấn Hoa: Trong đề án ban đầu của ban soạn thảo, viện này có tên là viện đào tạo và nghiên cứu cấp cao về toán. Sau khi đóng góp ý kiến, chỉ còn tên viện nghiên cứu cao cấp về toán. Hiện nay, đang trong quyết định phê duyệt đến lúc có thành lập được hay không thì sẽ có tên khác.

 

Chương trình này trực thuộc Bộ GD-ĐT vì mục đích phục vụ nhà toán học trong nước, lực lượng trong nước ở các trường; sau này, việc điều phối sẽ dễ dàng. Tất nhiên vẫn có một lượng đáng kể các nhà toán học nước ngoài về làm việc ở viện. Nếu không có sự tương tác như vậy thì không thể có sự phát triển toán học được.  Ngay cả các nhà vật lý, sinh học, nếu trong công trình nghiên cứu của họ có sử dụng nhiều về toán thì cũng có thể mời đến để làm việc.

 

GS Ngô Bảo Châu có thể về nước 3 tháng hoặc ít hơn, nhưng không hạn chế khả năng đóng góp vì những trao đổi qua email là thường xuyên. Việc thành lập càng muộn thì việc GS Ngô Bảo Châu thu xếp được thời gian càng khó. Các nhà toán học đang hăng hái.

 

Khi viện thành lập thì sẽ có sự khác biệt thế nào với Viện Toán học hiện nay? Trong tương lai, có sáp nhập hai viện hay không?

 

GS Ngô Việt Trung: Viện này khó nói.

 

Viện Toán học là đơn vị hành chính sự nghiệp, tuân thủ quy định hiện hành, nhưng có bất cập rất lớn là không có quyền đào tạo. Ví dụ, chúng tôi phải liên kết với ĐH Thái Nguyên để đào tạo.  Vì vậy, cần có viện nghiên cứu với cơ chế đặc biệt, trước mắt cho sự nghiệp đào tạo, cho toán học là các ngành khoa học khác.

 

Các nước khác cũng tồn tại hai viện song song, như Hàn Quốc. Cái cơ cấu của viện không phải nghiên cứu cố định. Tôi nghĩ, có hội đồng khoa học quyết định. Những người đến đấy học cán bộ trẻ vẫn là cán bộ cơ quan trẻ của mình, nâng cao trình độ chuyên môn.

GS Lê Tuấn Hoa: Hai viện nghiên cứu khác nhau về cơ chế và phương thức hoạt động.

 

Viện Toán hiện nay có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu làm việc thường xuyên, được trả lương từ ngân sách nhà nước. Còn viện Toán cao cấp sẽ không trả lương. Các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong thời gian đến làm việc tại viện sẽ không được nhận lương mà nhận một khoản tài trợ nghiên cứu.

 

Trong thời gian đó, họ không phải giảng dạy, chỉ tập trung cho việc nghiên cứu. Thay vì đi công tác hay nghiên cứu ở nước ngoài, các nhà toán học có một nơi để nghiên cứu ngay trong nước. Đây là mô hình có thể áp dụng cho nhiều ngành khoa học. Nhưng ngành toán xin được mở đầu , thử nghiệm trước vì kinh phí dành cho toán cũng rẻ, ít tốn kém hơn.

 

GS.Ngô Bảo Châu: Mô hình này thích hợp với khoa học lí thuyết, không thích hợp với khoa học thực nghiệm. Vì cán bộ luân chuyển thực nghiệm mà máy móc, phải luân chuyển thì không thể thực hiện được.

 

Chúng tôi tiên phong làm toán học trước không phải là muốn giành cho toán học một tài trợ gì đó. Nếu ngành khác muốn tham gia, chúng tôi rất ủng hộ.

 

15 năm trước, GS.Hoàng Tuỵ đã xây dựng một đề án thành lập một trung tâm nghiên cứu toán học trong công nghiệp và quản lí, cũng là một một mô hình đặc biệt, rất công phu, cũng đã trình lên trên và được ủng hộ. Rất tiếc là không vượt qua được trở ngại về mặt nhận thức và cơ chế quản lí.

 

Bây giờ, chúng ta có cơ chế mới. Chúng tôi rất tin và kì vọng vào điều này.

 

Các nhà khoa học nước ngoài cũng về nước nhiều, nhưng về với tư cáchtham gia một vài công việc nào đó, song lại đi. Chứ trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động khoa học thì chưa có.

 

Chúng ta cần huy động những trí tuệ đó. Đây là mô hình để họ tham gia, như một tập thể khoa học, tập hợp, tổ chức. Một cơ sở tạo điều kiện cho họ tham gia tổ chức, phát triển toán học.

 

Ngoài phần đầu tư từ ngân sách nhà nước, viện có các nguồn tài trợ từ bên ngoài không?

 

GS Lê Tuấn Hoa: Nếu chính phủ không có sự quan tâm đầu tư thì không thể thành lập được. Viện KIAS của Hàn Quốc có kinh phí hoạt động một năm là 18 triệu USD. Trong đó 15 triệu USD do chính phủ cấp, 3 triệu USD còn lại do viện tự vận động tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng, chưa thể kỳ vọng nhiều vào sự tài trợ của giới công nghiệp hay tài trợ từ xã hội. Ngân sách nhà nước vẫn phải đóng vai trò quan trọng trong đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản như toán học.

 

GS Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp Princeton có một khoản vốn lên tới 500 triệu USD. Số vốn này được giữ cố định, lấy lãi hàng năm làm kinh phí hoạt động. Mỗi năm có hàng trăm các nhà khoa học đến làm việc tại viện. Trong đó, số đến làm post doc (nghiên cứu sau tiến sĩ) chiếm 60-70%. Kinh phí dành cho những nhà khoa học đến làm nghiên cứu sau tiến sĩ do chính phủ Mỹ cấp vì họ đến làm việc, nghiên cứu không phải cho viện mà cho nền khoa học của nước Mỹ.

 

Viện IAS của ĐH Princeton có được khoản vốn 500 triệu USD là vì họ đã tích lũy trong 70 năm. Bây giờ chúng ta mới thành lập thì không thể làm được giống như vậy, đạt được ngay như họ. Vì vậy chúng ta mới phải đặt ra vấn đề có một cơ chế đặc biệt cho hoạt động của viện.

 

Như GS Ngô Bảo Châu nói, một trong những mục tiêu của viện nghiên cứu cấp cao này là tạo vườn ươm cho các nhóm nghiên cứu. Liệu có tình trạng giảng viên từ các trường ĐH sau khi về viện làm việc một thời gian, nâng cao được trình độ, năng lực, sẽ tiếp tục ra nước ngoài nghiên cứu và không quay về trường cũ? Như vậy liệu có phải là một sự đầu tư lãng phí?

 

GS Ngô Bảo Châu: Cách giữ người tốt nhất là tạo ra một nơi làm việc, dành cho nhà khoa học một vị trí làm việc tốt. Hiện nay, nhà nước cũng đang đầu tư rất nhiều tiền cho chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Nếu không có chính sách, việc thu hút những người cử đi đào tạo ở nước ngoài về cũng còn khó khăn, nói gì đến những người tự tìm kiếm được cơ hội đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

 

Đối với những người được đào tạo ở nước ngoài, thu hút về nước tốt nhất là thời điểm ngay sau khi họ vừa hoàn thành luận án tiến sĩ. Còn sau đó, nếu họ đã ổn định cuộc sống gia đình, công việc ở nước ngoài, việc thu hút họ về hẳn sẽ khó hơn. Việc hình thành một viện nghiên cứu có thể đảm nhận được việc đào tạo sau tiến sĩ ngay trong nước cũng là một điều kiện để thu hút các nhà khoa học sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ trở về Việt Nam.

 

GS Lê Tuấn Hoa: Nếu sau thời gian làm việc ở viện nghiên cứu cao cấp về toán, các nhà toán học Việt Nam đủ trình độ, uy tín được các GS nước ngoài nhận đi làm nghiên cứu tiếp thì theo tôi, đó là một điều đáng mừng, đáng tự hào chứ không đáng lo.

 

Trong bài phát biểu của anh Châu ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình có đề cập tới điều kiện cho khoa học phát triển lành mạnh là cần có tự do tuyệt đối. Đặt trong bối cảnh của mình hiện nay, nên hiểu ý của anh như thế nào?

 

GS Ngô Bảo Châu: Khoa học cơ bản do sự đầu tư, nhà nước có định hướng. Nhưng nếu nhà nước có chỉ định cụ thể, tôi không tin điều đó sẽ giúp cho khoa học phát triển. Tự do tức là việc tự nhà khoa học chọn làm, chứ không phải người khác bảo làm cái gì. Một ví dụ cụ thể, những nơi mà khoa học phát triển, chẳng hạn, Pháp đầu thế kỷ 19, Đức cuối thế kỷ 19 và Mỹ trong thế kỷ này, là những nơi mà tinh thần tự do học thuật đạt đến đỉnh cao.

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X