Hà Nội 100 ngày trước Đại lễ

Cập nhật: 27-06-2010 | 00:00:00

Mốc thời điểm 100 ngày trước Đại lễ được bắt đầu từ 2-7 tới và đây sẽ là quãng thời gian Hà Nội “tăng tốc” tổ chức nhiều hoạt động tưng bừng đón chào dấu ấn trọng đại trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

 

Mọi nẻo đường đều vui

 

Ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, chuỗi chương trình được Hà Nội triển khai vào mốc thời điểm 100 ngày trước Đại lễ  là để “khởi động” chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

 

Thành phố đang triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động, triển lãm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã ... từ thời điểm còn 100 ngày đến 10 ngày trước Đại lễ kỷ niệm.

 Đường phố Hà Nội (Ảnh: Internet)

Những ngày này, người dân cả nước và bạn bè quốc tế sẽ cảm nhận được không khí ngày hội trên mọi nẻo đường Hà Nội. Ông Lợi cho hay, các hoạt động cụ thể gồm: biên soạn và phát hành tài liệu, tờ gấp, tập san chuyên đề kỷ niệm “1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”; dựng cổng chào và các cụm panô, cụm mô hình biểu tượng, cụm hồng kỳ, cờ phướn, banner, cờ dây, kết hoa tạo không khí ngày hội lớn.

 

Bên cạnh đó là các triển lãm trưng bày trong nhà và ngoài trời kết hợp triển lãm lưu động tại trung tâm các quận, huyện cùng nhiều hoạt động tuyên truyền lưu động được đồng loạt triển khai trên khắp địa bàn...

 

Thời điểm này, Hà Nội cũng tổ chức Tổng kết 10 năm cuộc vận động TDĐKXDĐSVH cấp cơ sở và quận, huyện, thị xã; cấp thành phố dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 8.2010. Hội nghị Đại biểu nhân dân tập trung bàn về việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng sẽ được tổ chức. Một hoạt động thu hút được sự quan tâm của dư luận là việc tổ chức  chấm cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”.

 

Đặc biệt, niềm vui trong những ngày này sẽ được nhân lên với nhiều chương trình, hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao được “phủ sóng” từ trung tâm thành phố đến cơ sở.

 

Dấu ấn là tối 4-7 tại Nhà hát Lớn thành phố, dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia sẽ biểu diễn tác phẩm giao hưởng “Đây sông Hồng, sông Cái” và “Không chỉ là huyền thoại” mà nhạc sĩ Vĩnh Cát đã sáng tác để gửi gắm cả tấm lòng mình với Thủ đô ngàn năm tuổi.

 

Ngoài ra là các hoạt động: Liên hoan múa hát tập thể và ca khúc măng non chào mừng 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội; Liên hoan sân khấu không chuyên chủ đề 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội; 34 buổi biểu diễn trên địa bàn toàn thành phố nhân sự kiện còn 100 ngày tới Đại lễ.

 

Tại 4 sân khấu ngoài trời tổ chức 4 chương trình nghệ thuật, trong đó có một chương trình đặc biệt tại sân khấu vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ với tiêu đề “Ngọn lửa từ đất Tổ Hùng Vương đến Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến”.

 

Gửi tặng “những tấm lòng” phải tuân theo quy chế

 

Ngày 23-6, Sở VHTTDL Hà Nội đã chính thức công bố Quy chế về việc tiếp nhận tặng phẩm  trưng bày triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long- Hà Nội” của các tổ chức, cá nhân trong nước, kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế gửi tặng  Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

 

Trước đó, đã từng có nhiều băn khoăn, quà như thế nào sẽ được tiếp nhận? Nhiều người lý giải, quà tặng chính là tấm lòng mà tấm lòng thì khó có gì cân đo đong đếm. Thiết nghĩ, đúng là mọi tấm lòng với Thủ đô đều cần được ghi nhận, nhưng để đưa vào một cuộc triển lãm quy mô hoành tráng, trong một dịp kỷ niệm trọng đại thì việc phải có những quy định sẽ không thừa.

 

Bởi thế, Hà Nội ban hành Quy chế là việc nên làm.  Quy chế cho biết, triển lãm “Những tấm lòng với Thăng long- Hà Nội” sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội trong phạm vi 10 ngày diễn ra Đại lễ. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân trong nước, kiều bào ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có tấm lòng nhiệt thành với Hà Nội. Tất cả những tặng phẩm tự sáng chế, sưu tầm làm quà tặng Thăng Long- Hà Nội có chất lượng, nội dung tốt, hình thức đẹp đều được trưng bày. Tặng phẩm được phân định thành loại tặng phẩm hữu hình (sản phẩm có kích thước, khối lượng, trọng lượng cụ thể) và loại tặng phẩm tư duy (các tác phẩm văn học nghệ thuật, lý luận phê bình, nghiên cứu khoa học, thiết kế công nghệ, thiết kế kiến trúc...).

 

Không tiếp nhận tặng phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, những vật phẩm mau hỏng. Tặng phẩm trưng bày sau khi kết thúc triển lãm sẽ được trưng bày tại bảo tàng, nhà lưu niệm... của thành phố.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dẫu được soạn thảo với 5 chương, 18 điều nhưng nội dung Quy chế còn chung chung, không có những quy định cụ thể đối với các món quà trao tặng, dẫu rằng đó là những tấm lòng với Hà Nội. Điều 6 chương II quy định, tặng phẩm bao gồm tất cả các thể loại, chất liệu khác nhau không hạn chế về số lượng, kích cỡ, nếu phù hợp với quy chế này đều được tiếp nhận. Vậy thế nào là phù hợp? Bởi trong quy chế không có những tiêu chí mang tính định lượng cụ thể. Hay như quy định tặng phẩm có thể được làm bằng mọi chất liệu, mọi kích thước, nhưng phải đảm bảo các điều kiện: nội dung lành mạnh, nghệ thuật chế tác tinh xảo, tính bền vững cao, có bản thuyết minh lại khiến có một chút lo lắng, nếu có những món quà... quá khổ, liệu BTC có tiếp nhận hay không?

 

Thời gian dự kiến nhận tặng phẩm từ ngày 15 đến 30-9.

 

(THEO BÁO VĂN HÓA)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên