Hai cử nhân kiến trúc khởi nghiệp từ... thỏ

Cập nhật: 28-11-2013 | 00:00:00

Cầm tấm bằng cử nhân đỏ chói, hai cử nhân Đại học Kiến trúc Đà Nẵng Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (cùng sinh năm 1990) lại quyết định về quê... nuôi thỏ.

Xóm làng hồ nghi, có cả sự dè bỉu vì “chả có ai học đại học xong lại chịu về quê làm nông”. Nhưng ước mơ làm giàu của đôi bạn trẻ ngày một lớn dần.

 Hiếu và Lê chăm sóc đàn thỏ như chăm con - Ảnh: Trường Trung

Cử nhân về quê nuôi thỏ

Bạn bè gọi Hiếu là “công tử bột” vì nhà cậu ở trung tâm Đà Nẵng, lại là con trai duy nhất. Lê đến từ miền quê nghèo cát trắng Bình Nam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ngày Lê dắt người yêu về ra mắt, nói ý định mượn tiền làm trang trại, cha Lê mắng té tát: “Tau cho bây đi học để được ra phố thoát kiếp làm nông, giờ bây về quê tau biết nhìn mặt hàng xóm thế nào”. Số tiền tích cóp nuôi mấy đứa em đi học, cha mẹ Lê không dám mạo hiểm, mà cả Lê và Hiếu lúc đó còn chưa biết sẽ nuôi con gì.

Tình cờ đọc được bản tin về mô hình nuôi thỏ, đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh lại có lời cao, cả hai lại về nhà lần nữa với lời hứa chắc nịch: “Con sẽ làm và nuôi các em”. Chưa bao giờ ông Mai Thanh Chiến thấy con gái mình quyết tâm đến thế nên cũng xiêu lòng.

Tốt nghiệp sớm một học kỳ, Hiếu về Quảng Nam bắt đầu gầy dựng sự nghiệp. Nơi làm trang trại cách nhà cả trăm cây số nên Hiếu phải đóng chốt luôn ở đó. Nhìn làn da đen sạm vì nắng gió xứ biển, nhiều người đã không nhận ra thằng Hiếu da trắng như con gái nào giờ chỉ biết học và chơi game. Có người còn xì xầm “chắc thằng nớ nghiện đang đi cai đâu đó trong Quảng Nam”. Tuy cho con gái mượn tiền nuôi thỏ vậy mà có người hỏi thăm, cha Lê chỉ nói cho qua: “Tui làm cái chuồng nhốt mấy con bò”. 50 con thỏ giống đầu tiên, chuồng trại, nhà ở ngốn hết gần 200 triệu đồng.

Lên bờ xuống ruộng

Chỉ sợ áp lực tinh thần

Hiện Lê đảm nhận việc trang trại, chăm sóc đàn thỏ, Hiếu lo phát triển cơ sở vệ tinh và thị trường. Lê bộc bạch: “Giờ công việc có nhàn nhã lương chục triệu ở TP, mình cũng chẳng thể bỏ đàn thỏ. Tụi mình không sợ khổ mà chỉ sợ nhiều người kỳ vọng quá lại thành áp lực tinh thần cho hai đứa”. Tháng 9 rồi, nhà Hiếu đã mang trầu cau đến gia đình Lê xin dạm ngõ.

Nuôi khoảng một tháng, số thỏ giống cứ thế chết dần do mua nhầm giống thỏ sức đề kháng yếu, lại bị trùng huyết. Đánh liều hỏi mượn thêm tiền bạn bè cộng với số tiền làm thêm ít ỏi của Lê vừa đủ để cả hai nhập về 50 con thỏ giống New Zealand. Giống thỏ này phát triển nhanh, mắn đẻ ngoài sự mong đợi. Vậy mà một tuần trước ngày xuất bán lứa đầu, thỏ lăn ra chết sạch vì bệnh cầu trùng. “Tôi đem vứt thỏ chết mà khóc vì coi nó như con mình. Thành quả tưởng đã nhìn thấy, ai ngờ...” - Hiếu nhớ lại.

Hết cả tiền mua thức ăn, Lê bỏ dạy thêm về quê cắt cỏ làm nguồn thức ăn cho thỏ. Lân la làm quen với vài nhà hàng, Hiếu nhận được điện thoại đặt hàng số lượng lớn thỏ thịt với giá rất hời. Hiếu bạo gan vay nóng “đánh hàng” từ Tây nguyên ra Đà Nẵng, nhưng đợi suốt ba ngày không thấy ai đến nhận. Hóa ra có nơi biết Hiếu đi tìm mối nên phá, lần ấy mất hơn 20 triệu đồng. Mọi chuyện tưởng vậy là yên thì đùng một cái những con thỏ mẹ vì dinh dưỡng quá kém cũng chết dần. Cha Lê nói như van xin: “Hai đứa dẫn nhau ra Đà Nẵng xin việc làm đi, coi như lần này ba dại”.

Không chỉ tiếc những đêm thức trắng, lễ tết chỉ quanh quẩn bên trại mà vì ước mơ chưa thành nên Lê, Hiếu không thể bỏ cuộc. Lê lên mạng tìm tài liệu về giống thỏ đang nuôi, các bệnh thường gặp và tất tần tật thứ gì liên quan đến thỏ. Hiếu làm trang web giới thiệu sản phẩm, bắt mối với các trại thỏ khác để học kinh nghiệm, tìm đầu ra, và cái tên trại thỏ Chiến Huy ra đời. Mất gần một năm kiên trì như thế, đôi bạn có thể mỉm cười khi đã biết cách phối giống thỏ tránh trùng huyết, định ngày giờ thỏ đẻ, kiểm soát số lượng thỏ con mỗi lần sinh. Số điện thoại trại thỏ Chiến Huy giờ như đường dây nóng, sẵn sàng tư vấn cách nuôi, chữa bệnh cho thỏ bất cứ lúc nào cho những ai quan tâm đến thỏ.

Đàn thỏ bố mẹ nay đã hơn 200 con, mỗi tháng đều đặn cho ra thị trường 1.500 thỏ con giống. Trại thỏ Chiến Huy nhận luôn bao tiêu đầu ra cho 20 hộ nuôi thỏ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với hơn 3 tấn thịt/tháng. “Nhu cầu còn lớn lắm nên tụi mình đang tìm thêm cơ sở vệ tinh, bạn nào có hứng thú cứ tìm tụi mình” - Hiếu hồ hởi.

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=734
Quay lên trên