Hai lần ác mộng là sự thật!

Cập nhật: 06-08-2010 | 00:00:00

Đúng vào ngày này 65 năm trước, từ thành phố Hiroshima đang chìm trong chết chóc và hoang tàn vì bom nguyên tử, cô bé Kazuko Uragashira - 6 tuổi cùng cha mẹ mình đã đón một chuyến tàu lửa hướng về Nagasaki để đến tá túc ở nhà một người thân. Họ ra đi chỉ với một suy nghĩ đơn giản, tìm cách thoát thân. Càng sớm rời xa Hiroshima càng tốt. Thế nhưng, cảnh tượng ác liệt ấy vẫn cố đeo theo họ.

 

Cô bé ngày xưa giờ đã thành cụ bà Kazuko Uragashira - 71 tuổi, bồi hồi kể lại: “Cả đôi chân tôi lúc ấy bị cháy rát, vừa khét đen, vừa rỉ máu. Nắm chặt tay bố mẹ, tôi không thể chợp mắt. Bố mẹ tôi cũng thế. Những người chung quanh chúng tôi cũng không khác. 3 ngày kể từ khi chứng kiến bom nổ tại Hiroshima, tất cả như cơn ác mộng. Và không ai trong chúng tôi biết được một điều khủng khiếp nữa đang chờ đợi chúng tôi. Tàu chạy được khoảng 300 cây số, đến được một đường hầm ở ngoại ô thành phố Nagasaki thì… ác mộng lại đến! Một tiếng nổ rền trời như tiếng nổ của 3 ngày trước lại đến. Tất cả nháo nhào, mọi thứ tung tóe. Tiếng thét thất thanh của những người mẹ và trẻ nhỏ khiến chung quanh càng hoảng loạn”.

 Phụ nữ Hàn Quốc trong trang phục truyền thống đến viếng Đài tưởng niệm các nạn nhân tại Công viên Hòa bình Hiroshima. 

Những hành khách may mắn sống sót đã cố gắng di chuyển, lết những bước thật chậm vượt qua hàng trăm xác chết. Những người này mất mạng ngay sau khi vụ nổ xảy ra. “Có người bị thiêu trụi, nằm chất chồng lên nhau. Có người chỉ còn phát ra được những tiếng rên thảm thương, càng lúc càng nhỏ dần rồi tắt hẳn vì quá kiệt sức sau nhiều ngày đói, khát”, cụ bà vừa kể lại vừa rùng mình.

 

Bà Kazuko Uragashira cúi đầu, lặng người một lúc rồi nói: “Trong số hàng trăm ngàn người thiệt mạng, tôi may mắn sống sót. Không thể hiểu vì sao chuyện khủng khiếp đến không thể tưởng tượng nổi lại xảy ra đến 2 lần!”. Có khoảng 150 người rơi vào trường hợp đặc biệt như cụ bà Kazuko, thoát chết sau 2 trận ném bom nguyên tử. Họ là những nhân chứng sống được giới truyền thông của Nhật Bản và quốc tế luôn quan tâm.

 

Cụ bà Misako Katani, 80 tuổi, trong số 150 người này kể lại: “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều xác người như vậy. Họ bị cháy đen và nằm cạnh nhau. Mẹ tôi cũng bị cháy đen như vậy!”. Nhiều người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử được gọi là hibakusha đã giữ im lặng trong suốt cuộc đời của họ, một phần vì sợ bị phân biệt đối xử đối với chính mình và con cái của mình, một phần vì không muốn nhắc lại quá khứ quá đau thương. Nhưng đến nay, họ bắt đầu lên tiếng vì họ muốn con cháu phải biết những ngày đau thương đó.

 

Cụ bà Misako Katani nói: “Tôi không dám nói với ai tôi là một hibakusha bởi vì tôi sợ không ai cưới mình. Sau vụ ném bom ở Nagashaki, tôi bị hôn mê 3 ngày liền, bị mất máu và rụng hết tóc. Hai vụ ném bom đó đã hủy diệt cuộc đời tôi”.

 

Mỹ có thể biện minh cho việc ném 2 quả bom mang tên “Little Boy” và “Fat Man” bằng nhiều lý do. Thế nhưng, không thế chối cãi rằng, lấy dân thường ra để hy sinh là hành động vô đạo đức! Hơn 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ nổ bom nguyên tử ngày 6-8 tại Hiroshima, trong vụ nổ bom thứ hai ở Nagasaki ngày 9-8 là 70.000 người. Con số này đến nay vẫn được xem thấp hơn thực tế vì có nhiều trường hợp không thống kê được.

 

Nhiều người hy vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Hiroshima vào cuối năm nay. Bà Misako Katani nói: “Tôi có nghe nói điều này nhưng một chuyến thăm thôi vẫn chưa đủ. Ông Obama phải cam kết tạo ra được một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đó mới là điều tôi mong muốn”.

 

Nỗi đau quá lớn này có lẽ mãi mãi không thể được xoa dịu hoàn toàn. Lịch sử Nhật Bản vẫn luôn ghi nhớ Tháng tám có ngày 6 và ngày 9, những ngày của sự mất mát! 

 

TTK LHQ kêu gọi loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân

 

Hôm nay, ngày 6-8, tại thành phố Hiroshima, những hồi chuông ngân vang để tưởng niệm những nạn nhân trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima 65 năm trước, giết chết 140.000 người Nhật Bản. Những người tham gia tưởng niệm sẽ dành 1 phút mặc niệm và sau đó thả 1.000 con bồ câu lên bầu trời với ước nguyện hòa bình cho nhân loại.

 

Trong lễ tưởng niệm năm nay có 70 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ, Anh, Pháp lần đầu tiên cử đại diện tham dự.

 

Theo AFP, trước đó, ngày 5-8, trong chuyến thăm thành phố Nagasaki ở miền Nam Nhật Bản, nơi hứng chịu trận ném bom nguyên tử thứ hai của Mỹ giết thêm 70.000 người, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi thế giới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Cách duy nhất để vũ khí chết người đó không bao giờ được sử dụng nữa là phải loại bỏ hoàn toàn nó”. Ông đã gặp gỡ những nạn nhân còn sống sót sau trận ném bom năm 1945 và chia sẻ với họ những nỗi đau mất mát họ đã gánh chịu trong 65 năm qua.

 

Ngày 5-8, tại Hiroshima, nhân dân thành phố cũng tổ chức lễ cầu nguyện tại đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử trong Công viên Hòa bình ở trung tâm thành phố.

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên