Hải tặc Somalia

Cập nhật: 20-02-2011 | 00:00:00

Sau “kỷ nguyên vàng” của cướp biển vào thế kỷ XVII và XVIII, cướp biển Somalia bắt đầu gầy dựng lực lượng và trở thành nỗi kinh hoàng trên đại dương vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

Vào năm 1991, Somalia rơi vào tình trạng vô chính phủ. Sự kiện này đã dẫn đến làn sóng đánh bắt cá bất hợp pháp, đổ bừa bãi chất thải công nghiệp và hóa chất độc của các đội tàu từ châu Âu và châu Á xuống vùng biển Somalia. Sau đó, những ngư dân địa phương và các tay súng đã hình thành các lực lượng vũ trang để đánh đuổi hoặc bắt giữ các tàu đến từ Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha… Nhận thấy việc bắt giữ các tàu dễ dàng, các nhóm nói trên đã biến thành các băng nhóm cướp biển.

 Cảnh sát Malaysia áp giải cướp biển Somalia ra tòa tại Kualar Lumpur Trong những ngày đầu hành nghề, những tên cướp biển Somalia với một vài khẩu súng ngắn đã sử dụng tàu đánh cá áp sát các tàu và sau đó trèo lên tàu hoặc dùng dây leo lên tàu. Nhờ “doanh thu” từ các khoản tiền chuộc cùng với kinh nghiệm, chúng đã mua nhiều thuyền tốc độ cao, thiết bị theo dõi hiện đại và vũ khí hỏa lực mạnh. Sau khi Liên minh Tòa án Hồi giáo tăng ảnh hưởng ở Somalia hồi năm 2006, hoạt động cướp biển bắt đầu tăng dần lên.

Cướp biển Somalia thường cướp các loại tàu thương mại, tàu chở dầu và các du thuyền cá nhân ở vùng biển Đại Tây Dương và vịnh Aden. Hiện nay phương pháp đánh cướp của chúng là dùng một “tàu mẹ” phát hiện mục tiêu, sau đó một số tàu cao tốc lao tới áp sát mục tiêu dùng móc sắt và thang leo lên tàu. Có lúc, cướp biển bắn vào mũi tàu nhằm đe dọa thủy thủ. Thông thường, các tàu tự vệ bằng cách chạy dích-dắc trên biển để đối phó hoặc phun nước với áp lực mạnh vào bọn cướp biển. Tuy nhiên, hầu hết các tàu không được trang bị vũ khí do tuân thủ thông lệ hàng hải quốc tế, vì thế thủy thủ thường đầu hàng ngay khi cướp biển leo được lên tàu.

Những vụ cướp tàu nổi tiếng thế giới

Tháng 9-2008, cướp biển Somalia đã bắt cóc tàu chở vũ khí MV Faina của Ukraine cùng 20 thủy thủ trên vùng biển Ấn Độ Dương, khu vực Somalia. Trên tàu có 33 xe tăng T-72 cùng nhiều vũ khí khác. Sự kiện này đã gây chấn động cho nhiều quốc gia có lịch trình hàng hải dày đặc tại khu vực này. Hải quân Mỹ và Nga đã triển khai tàu khu trục, tàu tuần tra đến bao vây quanh tàu Faina để ngăn không cho vũ khí trên tàu rơi vào tay bọn cướp. Máy bay thường xuyên bay qua tàu Faina để thị uy bọn cướp. Nhưng dường như các hành động đó không khiến cướp biển nao núng.

Ban đầu, chúng đòi 35 triệu USD tiền chuộc và đe dọa sẽ cho nổ tung tàu cùng các thủy thủ trên đó, nhưng các cuộc thương lượng đã liên tục diễn ra kèm theo các cảnh báo thực thi hành động quân sự, cuối cùng thỏa thuận thành ở mức 3,2 triệu USD. Ngày 4-2, tiền chuộc được chở bằng máy bay từ Nairobi tới và thả dù xuống tàu. Bọn hải tặc đếm tiền rất nhanh, song tranh cãi về việc chia chác đã nổ ra nên đêm 5-2 chúng mới rút hết khỏi tàu.

Ngày 4-8-2009, tàu Hansa Stavanger của Đức được cướp biển Somalia trả tự do sau khi chúng nhận được món tiền chuộc 2,75 triệu USD. Tàu Hansa Stavnger có 24 thủy thủ, gồm 5 người Đức, 3 người Nga, 2 người Ukraine và 14 người Philippines. Ngày 4-4, con tàu trọng tải 210.000 tấn này bị bắt cóc ở vùng biển cách cảng phía Nam Somalia 640km. Ngay khi nhận được tin, Chính phủ Đức lên kế hoạch sử dụng 200 lính đặc chủng thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển nhằm giải thoát thủy thủ và hàng hóa trên tàu Hansa Stavanger, và nhằm thay đổi cách thức truyền thống trả tiền cho bọn cướp.

Thủ tướng Angela Merkel cũng như các bộ trưởng đều cho rằng sẽ không có chuyện chính phủ hoặc hãng tàu Leonhardt & Blumberg bỏ ra một số tiền lớn trong khi Đức có tiềm lực quân sự không kém Pháp và Mỹ, hai nước từng giải cứu thành công thủy thủ của họ khỏi cướp biển Somalia. Dẫu vậy, các chiến thuật đưa ra lần lượt bị bãi bỏ và sau 3 tuần chuẩn bị, kế hoạch này bị hủy bỏ khi đã làm thiệt hại khá nhiều ngân sách nước Đức.

Siêu tàu chở dầu Sirius Star bị cướp biển Somalia tấn công vào tháng 11-2008 ở cách Mombasa, Kenya khoảng 830 km về phía Đông Nam, sau đó bị giữ tại cảng Eyl của Somalia. Con tàu mang cờ Liberia, chở theo 25 thủy thủ và khoảng 2 triệu thùng dầu trị giá 100 triệu USD. Vì tầm giá trị của con tàu, hơn nữa việc nó bị bắt có thể gây xáo trộn thị trường dầu thô thế giới nên các khả năng giải cứu đã được đặt ra. Thậm chí gần như ngay sau vụ cướp, ngày 20-11, các quốc gia Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Sudan và Yemen đã nhóm họp khẩn cấp nhằm tìm ra biện pháp chống hải tặc. Tuy nhiên, khả năng giành lại Sirius Star bằng biện pháp quân sự cũng không thực hiện được và chủ tàu buộc phải đàm phán với bọn cướp để chuộc lại bằng tiền. Ngày 9-1-2009, siêu tàu chở dầu Sirius Star được hải tặc Somalia trả tự do sau khi nhận được 3 triệu USD tiền chuộc.

Tháng 11-2010, cướp biển Somalia đã nhận được khoản tiền chuộc kỷ lục lên tới 9,5 triệu USD sau khi bắt cóc siêu tàu chở dầu Samho Dream của Hàn Quốc cùng 24 thành viên thủy thủ đoàn. Tàu chở dầu Samho Dream, được đăng ký tại Quần đảo Marshall, thuộc sở hữu của Hãng vận tải thủy Sambo của Hàn Quốc, đã bị cướp biển Somalia tấn công và bắt giữ cách vịnh Aden khoảng 1.500km về phía Đông Nam vào ngày 4-4-2010. Tàu có sức chở hơn 2 triệu thùng dầu, có 5 thành viên thủy thủ đoàn người Hàn Quốc và 19 người còn lại mang quốc tịch Philippines. Tàu đang thực hiện hành trình chở số dầu trị giá 170 triệu USD từ Iraq tới Mỹ thì gặp cướp biển.

Vụ cướp chấn động xảy ra vào tháng 2 năm nay là vụ cướp tàu tàu Irene SL mang cờ Hy Lạp. Khi bị cướp, con tàu dài 333m đang trên đường từ vùng Vịnh tới vịnh Mexico. Giới chức Hy Lạp cho hay tàu Irene chở 266.000 tấn dầu thô trị giá 150 triệu USD. Đây là một trong những con tàu lớn nhất mà hải tặc từng cướp được. Khối lượng dầu thô trên con tàu bị cướp xấp xỉ bằng 20% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ mỗi ngày. AP nhận định số tiền chuộc mà bọn cướp đòi chắc chắn sẽ rất cao, có thể lên đến hàng triệu USD do giá trị lượng hàng lớn, cộng với tâm lý muốn giải quyết nhanh vụ việc của chủ hàng do giá dầu thế giới hiện đang trên đà giảm.

Các vụ cướp các tàu chở dầu của cướp biển Somalia trong thời gian qua đã khiến nảy sinh tâm lý lo ngại về việc cung cấp dầu mỏ. Một nhóm các chủ tàu chở dầu đã thúc giục chính phủ các nước hành động nhiều hơn chống lại nạn cướp biển hoành hành ở Ấn Độ Dương vì các vụ cướp biển có thể sẽ làm gián đoạn việc cung ứng dầu mỏ trên toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các chủ tàu dầu độc lập (Intertanko), ông Joe Angelo cho biết đây là tàu chở dầu lớn nhất từ trước đến nay rơi vào tay cướp biển Somalia. Ông nhận định nếu nạn cướp biển ở Ấn Độ Dương không giảm bớt, nó sẽ bóp nghẹt những tuyến đường vận tải hàng hải trọng yếu ở nơi này và có khả năng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng việc cung ứng dầu tới Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.

Đâu là giải pháp?

Trong 3 năm từ 2008 đến 2010 đã xảy ra gần 300 vụ cướp biển, trong đó có hơn 100 tàu lớn nhỏ bị bắt và số tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu USD. Tính đến tháng 2 năm nay, chúng đang nắm trong tay ít nhất 47 tàu và 800 con tin. Bắt đầu từ vùng biển Somalia, cướp biển đã vươn ra vịnh Aden (vùng biển nằm giữa Somalia và Yemen). Khi khu vực gây án truyền thống ở vịnh Aden và Ấn Độ Dương bị lực lượng chống cướp biển quốc tế “chiếu tướng” quá gắt, cướp biển Somalia hiện đang mở rộng hoạt động sang phía Nam biển Đỏ cho tới ngoài khơi các nước Kenya, Tanzania, quần đảo Seychelles, thậm chí sang cả vùng biển Madagascar ở Ấn Độ Dương và Oman ở biển Arập.

Với tình hình hỗn loạn tại Somalia và sự thiếu vắng một chính quyền trung ương mạnh, cộng thêm vị trí chiến lược của nước này ở vùng Đông châu Phi, nạn cướp biển ở Somalia đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khi thấy hoạt động cướp biển mang lại nhiều lợi nhuận, các ông trùm ở Somalia bắt đầu vào cuộc. Lực lượng này đã đưa cánh cướp biển tự phát vào tổ chức, trang bị vũ khí, phương tiện, huấn luyện cho chúng cách phối hợp tấn công con mồi. Bởi thế, không có gì lạ khi biết hải tặc Somalia giờ đã có trong tay các thiết bị định vị toàn cầu, súng trường tấn công, súng phóng lựu, tàu cao tốc và điện thoại vệ tinh. Nhờ sự hỗ trợ này, tỷ lệ thành công của các vụ tấn công ngoài khơi Somalia đã tăng lên đáng kể và quy mô lực lượng cướp biển cũng đang mở rộng. Theo thống kê của các quan chức Somalia, nước này hiện đang có khoảng 1.000 tên cướp biển. Bọn cướp thậm chí còn có “căn cứ địa” nằm ở Eyl, một thị trấn ở khu tự trị Puntland của Somalia.

Trước vấn nạn cướp biển, trong vài năm trở lại đây, khoảng 30 quốc gia đã gửi tàu chiến tới vùng biển Somalia để tuần tra. Các nhà phân tích đều cho rằng, cách tốt nhất để trấn áp nạn cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Somalia là ổn định tình hình nước này, nơi cuộc nội chiến hoành hành 18 năm qua. LHQ và nhiều nước hy vọng rằng, chính quyền của Tổng thống Sharif Sheikh Ahmed là cơ hội tốt nhất trong thời gian gần đây để mang lại hòa bình cho Somalia.

Tổng thống Ahmed là người Hồi giáo ôn hòa được sự ủng hộ trong và ngoài Somalia, nhưng ông phải đương đầu cuộc nổi dậy của các tay súng Hồi giáo ủng hộ mạng lưới Al Qaeda. Và chính phủ của ông, trên thực tế, chỉ kiểm soát được một số vùng ở thủ đô Mogadishu. Vì thế, việc chống lại nạn cướp biển vẫn chưa thể tìm được lối ra bất chấp sự nỗ lực của nhiều quốc gia trên thế giới. Những vụ cướp xảy ra liên tục trong thời gian gần đây cho thấy cướp biển Somalia không hề sợ hãi hải quân quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa cuộc chiến chống lại chúng sẽ không thể kết thúc nhanh chóng và không dễ dàng.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên