Haiti ra lệnh giới nghiêm tại thủ đô sau động đất

Cập nhật: 18-01-2010 | 00:00:00

 

Ngày 17-1, cảnh sát Haiti và Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Haiti (MINUSTAH) đã ra lệnh giới nghiêm, bắt đầu từ 6 giờ chiều (giờ địa phương) tại thủ đô bị động đất tàn phá Port-au-Prince.

 

Lực lượng gìn giữ hòa bình phân phát nước cho người dân địa phương ở thủ đô Port-au-Prince (Haiti) ngày 16-1.Theo lệnh giới nghiêm, toàn bộ các phương tiện giao thông không được phép lưu thông trên đường phố, ngoại trừ xe cảnh sát và của các sĩ quan quân đội hoặc người dân nếu được lực lượng an ninh hộ tống.

 

Các chuyến bay cũng bị cấm từ lúc 6 giờ 22 phút.

 

Mấy ngày sau trận động đất kinh hoàng trên quốc đảo Haiti, cộng đồng quốc tế mới bắt đầu nhận thức về quy mô thảm họa.

 

Theo số liệu sơ bộ, động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người (và con số này có thể lên đến 200.000 người), nửa thành phố nằm trong cảnh đổ nát, gần 3 triệu người dân mất nhà ở và phương tiện sinh sống.

 

Trước mắt là những nguy cơ mới như những người sống sót có thể bị chết do thiếu lương thực, nước uống, do bệnh dịch và do bàn tay của những kẻ tội phạm.

 

Theo lời Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, đây là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

 

Ông đã tới Haiti để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân, những người đang sống trong cảnh khốn cùng và nỗi đau mất mát quá sức chịu đựng.

 

Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định cần có một chiến dịch quốc tế chưa từng có để hỗ trợ nhân dân Haiti.

 

Liên hiệp quốc hy vọng có thể cung cấp những hỗ trợ nhân đạo cấp thiết nhất, kể cả lều vải, nước uống, các trang thiết bị y tế và nhiều dịch vụ khác.

 

Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đang huy động nguồn lương thực để cấp cho ít nhất 40.000 người/ngày.

 

Ngoài ra, một ưu tiên khác của Liên hiệp quốc là điều phối các đợt hỗ trợ quy mô lớn do cộng đồng quốc tế gửi đến.

 

Đến Haiti, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết muốn đích thân đánh giá mức độ thiệt hại và các nhu cầu nhân đạo.

 

Theo ước tính của Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế và Liên hiệp quốc, hơn 70.000 người đã thiệt mạng vì trận động đất này, trong đó có hơn 40 nhân viên gìn giữ hòa bình và nhiều nhân viên dân sự của Liên hiệp quốc. Hiện vẫn còn khoảng 330 nhân viên Liên hiệp quốc tại Haiti mất tích.

 

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đại diện của Liên minh châu Âu (EU) tại Haiti, bà Pilar Juarez, đã thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng vừa qua ở quốc đảo Caribe.

 

Ngoài bà Juarez, theo Ngoại trưởng EU Catherine Ashton, còn có 2 nhân viên Haiti làm việc cho phái bộ EU tại Port-au-Prince vẫn mất tích.

 

Trong một diễn biến liên quan đến Haiti, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon ngày 17-1 cho biết theo đề xuất của Pháp, một hội nghị các nhà tài trợ sẽ được tổ chức vào ngày 25-1 tại Montreal, thủ phủ tỉnh Quebec của Canada, để thảo luận về nỗ lực tái thiết Haiti sau thảm họa động đất vừa qua.

 

Theo ông Cannon, hội nghị Montreal sẽ là một cơ hội để đánh giá lại tình hình tại Haiti và đảm bảo rằng Liên hợp quốc có thể chú trọng vào các nỗ lực quốc tế để trợ giúp người dân Haiti một cách hiệu quả hơn nhằm đối phó với những thách thức cũng như chuẩn bị cho sự ổn định và tái thiết lâu dài.

 

Dự kiến Thủ tướng Haiti Giăng Jean-Max Bellerive và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tham dự hội nghị này.

 

Dự kiến trong ngày 18-1 cũng diễn ra một cuộc họp trù bị cho hội nghị cấp cao về Haiti, tổ chức tại thủ đô Santo Domingo của Cộng hòa Domunica.

 

Tham dự cuộc họp có Tổng thống Haiti Rene Preval, Tổng thống nước chủ nhà Leonel Fernandez, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Maria Maria Fernandez de la Vega cùng đại diện của Liên hiệp quốc, Ngân hàng phát triển liên Mỹ, Mỹ, Canada, Brazil và một số quốc gia Mỹ Latinh.

 

Lúc này, nhiệm vụ chính của chính quyền địa phương và các chuyên viên nước ngoài ở Haiti là tiến hành chiến dịch cứu trợ một cách hiệu quả.

 

Hiện ở Haiti có các nhân viên cứu trợ đến từ Mỹ, Nga, Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Brazil và nhiều nước khác.

 

Mỹ đang triển khai một trong những chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô nhất từ trước tới nay. Hơn 4.000 binh lính và chuyên gia dân sự Mỹ đã có mặt tại Haiti, và trong tuần này sẽ bổ sung thêm 6.000 người.

 

Quân đội Mỹ đã được chính quyền Haiti chuyển giao nhiệm vụ kiểm soát sân bay Port-au-Prince.

 

Lầu Năm Góc đang điều hành căn cứ hậu cần được đặt trên các các tàu chiến của Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.

 

Một bệnh viện dã chiến mang tên Comfort, với 250 giường bệnh và 12 phòng giải phẫu, sẽ cập bến Haiti trong tuần này.

 

Theo Lầu Năm Góc, sứ mạng đầu tiên của Mỹ tại Haiti là phân phát hàng cứu trợ và cứu các nạn nhân trong cơn hiểm nghèo.

 

Một cầu hàng không khổng lồ tiếp tế cho Haiti đã bắt đầu hoạt động với trang thiết bị cấp cứu được chuyên chở bằng máy bay Hercule C-130. Căn cứ hải quân Guantanamo của Mỹ trên lãnh thổ Cuba đang trở thành địa điểm trung chuyển hậu cần.

 

Trong khi đó, Chính phủ Cuba ngày 17-1 cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả Mỹ, để giúp đỡ người dân Haiti. Havana đã chấp thuận để Mỹ sử dụng không phận nước này cho công tác cứu hộ nạn nhân trận động đất.

 

Senegal tuyên bố sẵn sàng đón nhận các công dân Haiti. Tổng thống nước này Abdoulaye Wade đã khẳng định Senegal sẽ cấp đất và đón nhận các công dân Haiti đến sinh sống.

 

Chính phủ nhiều nước cũng như các tổ chức xã hội và quốc tế đã bắt đầu quyên góp tiền vào mục đích này.

 

Theo tính toán của Liên hiệp quốc, cần khoảng 560 triệu USD viện trợ quốc tế để khắc phục hậu quả thảm họa nhân đạo và khôi phục Haiti.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên