Hạn chế ảnh hưởng từ việc hồ Dầu Tiếng xả tràn

Cập nhật: 20-12-2016 | 11:21:52

Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 19 đến 7 giờ sáng 25-12, hồ Dầu Tiếng xả nước qua tràn xuống sông Sài Gòn với lưu lượng 150m3/giây. Với lưu lượng nước được xả qua tràn này, các chuyên gia dự báo sẽ gây ngập lụt một số vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn đoạn qua thị trấn Dầu Tiếng và các xã Định Thành, Thanh An, Thanh Tuyền của huyện Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng xả tràn theo quy định Ông Trần Quang Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết mực nước trong hồ Dầu Tiếng đo được lúc 7 giờ sáng ngày 16-12 đang ở cao trình 24,66m, ở mức trên báo động III. Dự kiến trong những ngày tới, mực nước hồ Dầu Tiếng vẫn còn tiếp tục tăng trung bình từ 5 - 10cm/ngày, ứng với lưu lượng nước về hồ từ 150m3/s đến trên 200m3/s, có nguy cơ vượt cao so với mức báo động III. Chính vì thế, hồ cần tiếp tục xả lũ để hạ thấp mực nước, bảo đảm an toàn theo quy trình vận hành điều tiết của hồ. Đây là đợt xả nước qua tràn, hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng đợt 6 năm 2016. 

Để chủ động phòng, chống ngập lụt các vùng trũng thấp phía hạ du ven sông Sài Gòn, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Bình Dương đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khắc phục kịp thời khi xảy ra các tình huống gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao, bờ rạch... và thực hiện ngay việc gia cố, cơi nới các đoạn có khả năng bị vỡ, bị tràn, không để xảy ra ngập úng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tổ chức trực ban theo dõi tình hình mưa, mực nước sông Sài Gòn để kịp thời thông báo cho người dân ở các vùng trũng thấp nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh ngập lụt.

Theo ông Hùng, hiện tại mọi hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phải duy trì thựchiện nghiêm theo quy chế báo động III. Cán bộ, công nhân viên của công ty thường xuyên phối hợp với lực lượng công an hồ nước làm nhiệm vụ thường trực tại vị trí đã được phân công; đồng thời thường xuyên kiểm tra, quan trắc, tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt các hạng mục công trình theo quy chế, nhất là khu vực tràn xả lũ, đập chính, đập phụ... để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Từ 7 giờ sáng ngày 19 đến 7 giờ sáng 25-12, hồ Dầu Tiếng xả nước qua tràn xuống sông Sài Gòn. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Hiện nay, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã chuẩn bị nhân lực, vật tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang xây dựng các phương án và có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo những tình huống đặt ra trong công tác PCTT-TKCN. Trong đó, chú trọng phân chia lực lượng bảo vệ các công trình đầu mối và vùng lòng hồ Dầu Tiếng; bảo vệ hệ thống các kênh chính đông và chính tây, kênh dẫn Phước Hòa và Dầu Tiếng; luôn túc trực 24/24 giờ để bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như phá bờ kênh, lấy cắp thiết bị cơ khí, xả chất thải vào lòng hồ... Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cũng thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến mưa lũ trong khu vực hồ; làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (nhân lực tại chỗ, vật tư thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ).

Chủ động ứng phó

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, trong đợt xả lũ hồ Dầu Tiếng từ ngày 4 đến 10-12, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người, nhà cửa hay công trình kiến trúc. Tuy nhiên, do trong 2 ngày 2 và 3-12, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng xảy ra mưa vừa, lượng nước chưa kịp tiêu thoát kết hợp với việc xả tràn của hồ Dầu Tiếng đã gây ngập 12 ha lúa chuẩn bị thu hoạch ở ấp Bến Chùa, xã Thanh An. Ngoài ra, có 30 ha cao su thuộc ấp Núi Đất, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng cũng bị ngập sâu khoảng 0,4m.

Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết riêng đối với tình hình ảnh hưởng do xả nước qua tràn đợt 6 này, hiện tại mực nước ở một số trạm đã dần tăng lên. Mực nước sông tại trạm Thủ Dầu Một lúc 7 giờ sáng 19-12 ở mức 1,19m, sẽ tiếp tục dâng lên trong 48 giờ tới nhưng nhỏ hơn mức báo động II 0,01m, vượt hơn mức báo động I 0,09m. Do đã được thông báo từ trước và sự chuẩn bị của các đơn vị liên quan nên hy vọng đợt xã nước qua tràn, hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Chia sẻ về ảnh hưởng của việc xả tràn của hồ Dầu Tiếng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Huỳnh Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền,cho biết hiện tại địa phương có khoảng 200 ha lúa vụ đông - xuân đang chuẩn bị xuống giống. Nhưng từ đầu tháng 12 đến nay, mực nước sông Sài Gòn vẫn luôn ở mức cao, gây ngập úng, cộng với tình hình xả lũ của hồ Dầu Tiếng nên đến nay bà con nông dân vẫn chưa thể xuống giống. Riêng đối với diện tích khoảng 215 ha cây ăn trái trên địa bàn xã, những đợt xả nước của hồ Dầu Tiếng không ảnh hưởng nhiều đến vườn cây.

Còn theo ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Định, TX.Thuận An, từ sáng 19-12, mực nước sông ở khu vực Cầu Ngang đã bắt đầu tăng lên, nước chảy mạnh hơn. Tuy nhiên hiện tại, những vườn cây ăn trái của nông dân ở đây vẫn chưa bị ảnh hưởng. Thời gian qua, công tác khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương đã và đang được các ngành chức năng và địa phương thực hiện tốt để chủ động tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn cây của địa phương. 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên