Hàng dệt may ùn tại cảng Sài Gòn chờ kiểm định

Cập nhật: 22-01-2010 | 00:00:00

Vải nhập khẩu về cảng thay vì được thông quan ngay phải lưu lại để chờ kết quả kiểm định chất lượng. Số lượng mẫu kiểm định quá nhiều khiến cơ quan chức năng quá tải.

 

Quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa dệt may nhập khẩu trước khi thông quan theo thông tư 32/2009 của Bộ Công Thương, bắt đầu áp dụng khoảng một tháng trước, đang khiến doanh nghiệp kêu trời, còn cơ quan kiểm nghiệm thì lúng túng trước số lượng hàng phải kiểm tra quá nhiều. Theo đó, toàn bộ hàng dệt may nhập khẩu phải được giám định chất formaldehyt và các amin thơm, mới thông quan.

 

Các kho tại cảng Cát Lái cũng quá tải vì hàng bị ứ đọng nhiều

 

Ngành hải quan căn cứ vào thông tư này, chỉ cho thông quan sản phẩm dệt may khi hồ sơ nhập khẩu lô hàng có đầy đủ kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa của cơ quan chức năng. Trong khi đó chỉ có một cơ quan kiểm nghiệm tại TP HCM là Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3), còn phân viện dệt may chủ yếu là nơi tiếp nhận mẫu và gửi ra Viện dệt may Hà Nội (vì đơn vị này chỉ kiểm nghiệm được formaldehyt), lượng mẫu quá nhiều khiến việc kiểm nghiệm rất chậm. Thực tế này khiến nhiều lô hàng phải nằm lưu kho tại cảng chờ kiểm định, cảng quá tải, còn doanh nghiệp thì hết sức bức xúc do chậm hợp đồng, thêm chi phí lưu kho hàng hóa và bị đối tác phạt.

 

Rất nhiều container hàng, bên trong chất đầy vải và sản phẩm dệt may đang nằm xếp hàng dài ngoài cảng Cát Lái. Có nhiều lô hàng phải nằm tại đây hơn 10 ngày trời. Các kho chứa của cảng cũng bị quá tải vì lưu lượng hàng ứ đọng, nằm chờ kết quả kiểm định ngày một nhiều thêm.

 

Lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu vải cho biết, trước đây nhập hàng về cảng là được mở tờ khai hải quan ngay. Nay hải quan chỉ thông quan khi hồ sơ nhập khẩu của lô hàng có thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng óa của Trung tâm 3 hoặc phân viện dệt may. Tuy nhiên, vấn đề là thời gian kiểm định quá lâu. "Lô hàng mới đây của chúng tôi chỉ mấy trăm mét vải, nhưng chờ kết quả kiểm định mất đến gần 10 ngày. Suốt thời gian đó, hàng hóa nằm tại cảng, mất thêm rất nhiều khoản phí về lưu bãi, lưu kho... trong khi thời gian giao hàng cho đối tác đã trễ hạn", đại diện doanh nghiệp này phàn nàn.

 

Đại diện một doanh nghiệp khác cho rằng, mức phí kiểm định quá cao, gần 3,4 triệu đồng cho hai mẫu. Một số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm dệt may băn khoăn là chưa có sự quy định rõ ràng về đối tượng kiểm định. Chẳng hạn, bao nhiêu mét vải, lô hàng trị giá như thế nào thì không cần phải kiểm định...

 

Ông Nguyễn Bá Định, Phó Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, khu vực 1 - Cảng Cát Lái, TP HCM cũng cho biết, tính từ khi chính thức áp dụng thông tư 32 (ngày 20/12/2009) đến ngày 20/1, Chi cục Hải quan tại cảng Cát Lái đã tiếp nhận 959 tờ khai của 325 doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 580 tờ khai của 244 doanh nghiệp đã có kết quả kiểm định và được thông quan, còn lại hơn 370 tờ khai của 81 doanh nghiệp vẫn còn chờ kết quả kiểm định. Hàng đang còn nằm tại cảng.

 

Theo ông Định, thời gian qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vải phản ánh với chi cục về việc hàng hóa bị tồn ở cảng lâu, có lô đã nằm tại cảng gần 10 ngày. Điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, ngoài phí kiểm định mẫu còn phải đóng nhiều khoản lưu kho, lưu bãi…Trước tình hình đó, Chi cục Hải quan có báo cáo lại với Tổng cục Hải quan nhằm xin hướng giải quyết để giải tỏa bớt hàng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chiều 20/1, Tổng cục Hải quan gửi công văn phản hồi, yêu cầu vẫn thực hiện đúng với quy định của thông tư 32; tức chỉ thông quan khi đã có kết quả kiểm định.

 

Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm 3 thừa nhận kết quả kiểm định chậm, nhất là vào thời gian đầu thực hiện, trong đó có một vài trường hợp kéo dài một tuần đến hơn 10 ngày. Nguyên nhân là hiện nay ở khu vực TP HCM chỉ có Trung tâm 3 mới đủ điều kiện và được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện việc kiểm tra theo quy định tại thông tư 32 đối với hàng hóa dệt may nhập khẩu.

 

"Quy trình kiểm định phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định và phương pháp từ khâu kiểm tra hàng hóa theo hồ sơ, lấy mẫu, thử nghiệm... kiểm soát kết quả nhằm đưa ra những kết luận chính xác nhất. Do đó, dù đơn vị đã hoạt động với công suất tối đa, nhưng số hồ sơ cần phải xử lý tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn nên việc doanh nghiệp bức xúc về thời gian thực hiện là không thể tránh ", ông Lâm nói.

 

Khoảng một tháng qua, Trung tâm 3 đã tiếp nhận trên 600 bộ hồ sơ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận hơn 20 bộ hồ sơ của doanh nghiệp. Ông Lâm cho rằng, kết quả kiểm định nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào lô hàng của doanh nghiệp có nhiều hay ít mẫu. Nếu lô hàng của doanh nhiệp nhập về chỉ có mấy trăm mét vải nhưng lại có quá nhiều mẫu vải và màu sắc khác nhau thì tất nhiên thời gian kiểm định phải lâu hơn. Do Trung tâm 3 phải thực hiện trên nhiều mẫu thử nghiệm so với lô hàng của một doanh nghiệp khác có thể lớn hơn nhiều lần nhưng lại có ít mẫu vải hoặc đồng nhất về màu sắc, kiểu loại.

 

Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, hiện tại, khâu kiểm định đã được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cố gắng rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thông qua các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ để giảm thời gian chờ đợi và chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng trên nguyên tắc, vẫn phải đảm bảo tính phù hợp với phương pháp và các quy định của Nhà nước.

 

Về chi phí kiểm định, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công Thương cho biết, tùy thuộc vào sự biến động giá hóa chất thử nghiệm phục vụ cho việc kiểm định tại từng thời điểm, phụ thuộc vào chi phí trung tâm đã đầu tư phục vụ quá trình kiểm định… Do đó, mức phí kiểm định phải do mỗi trung tâm kiểm định kiến nghị, trình lên Bộ Tài chính phê duyệt và áp dụng

 

Ông Phó giám đốc Trung tâm 3 thì phân trần, việc mua các hoá chất, thiết bị phân tích thử nghiệm phục vụ cho khâu kiểm tra là rất tốn kém. Ngoài ra, còn phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật được đào tạo và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trên thực tế, Trung tâm 3 đã thực hiện các biện pháp và cố gắng áp dụng mức phí hợp lý nhất có thể được.

 

Về đối tượng kiểm định, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, toàn bộ các sản phẩm dệt may nhập khẩu đều phải qua kiểm định, theo thông tư 32.

 

Hiện để giảm tải cho Trung tâm 3, Phòng thí nghiệm của Phân viện dệt may cũng đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục để đưa vào sử dụng quy trình kiểm định các amin thơm cho hàng dệt may (hiện tại Phân viện dệt may chỉ kiểm định được chất formaldehyt). "Ngoài ra, phòng thí nghiệm của nước ngoài cũng đã quan tâm đến việc đăng ký kiểm định. Do vậy, trong tương lai gần chắc chắn hiện tượng ùn tắc sẽ không còn xảy ra nữa", đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, cho biết.

 

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên