Hàng hóa thị trường tết: Hàng nội bao sân

Cập nhật: 03-02-2010 | 00:00:00

Lâu nay, người Việt Nam vẫn có tâm lý “sính ngoại”, ưa chọn những sản phẩm ngoại vì mẫu mã bắt mắt và hơn hết là tin vào chất lượng, nhưng năm nay thì khác, người tiêu dùng đã có sự thay đổi trong cách lựa chọn của mình là dùng hàng nội vì nhận ra chất lượng hàng nội tốt mà giá cả lại hợp lý...

Năm nay, các siêu thị hút khách vì hàng hóa bày bán có độ tin cậy cao

90% khách hàng chọn hàng nội

Dạo quanh các cửa hàng, đại lý bánh kẹo lớn tại các chợ Thủ Dầu Một, Phú Hòa, Búng, Lái Thiêu... trong thời điểm này, có thể dễ dàng nhận thấy, bánh kẹo nhập khẩu, gần như đã nhường chỗ cho các sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Các mặt hàng nhâm nhi ngày tết bày bán khá phong phú nhưng chỉ có vài loại thạch rau câu, trái cây sấy khô được nhập từ Trung Quốc, còn lại đều là hàng nội địa. Lý giải điều này, chị Từ Lệ Lan, một tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại chợ Lái Thiêu (Thuận An), cho biết sau khi có nhiều thông tin về các loại bánh kẹo nhập khẩu không an toàn đăng tải trên báo chí thì hầu như tiểu thương không dám nhập hàng về bán nữa. Thay vào đó là nhập các loại bánh, kẹo có mẫu mã tương tự, có thương hiệu, có địa chỉ sản xuất rõ ràng của các DN trong nước. Chị Lan cho biết thêm, tại cửa hàng chị, các sản phẩm bánh kẹo trong nước bán chạy hơn so với số mặt hàng ngoại nhập.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng đang là nỗi lo lớn của người tiêu dùng hiện nay. Chính vì vậy, điểm khác biệt rất rõ của mùa tết năm nay là 95% mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm khô, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến, rượu... với mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt mang nhãn hiệu Việt Nam được ưu tiên nằm trên những vị trí kệ đẹp trong các siêu thị, những sản phẩm đó là của các DN như Vissan, Cầu Tre, Vietsin, KFC, Cosy Marie (Kinh Đô), bánh quy Goodies, bánh bông lan Hura, kẹo bốn mùa (Bibica), Paner Chocopie (Phạm Nguyên), rượu vang Đà Lạt... Phó Giám đốc Vinatex cho biết, thời điểm hiện nay là cơ hội vàng cho hàng nội có chất lượng. “Sau những lình xình về chất lượng hàng hóa, năm nay siêu thị chúng tôi đã hạn chế bày bán hàng ngoại nhập, hàng của các cơ sở sản xuất nhỏ bằng cách thắt chặt việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, ưu tiên bán hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiện tại, ngoại trừ những thương hiệu hàng hóa quen thuộc, siêu thị không nhập thêm hàng lạ dù là có chất lượng tương đương, nếu hàng chưa có thương hiệu. Những rủi ro về chất lượng hàng hóa, an toàn sức khỏe, mãi lực buộc siêu thị phải chặt chẽ trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa nhập về”, lãnh đạo Siêu thị Vinatex nói.

Cùng nhận định trên, lãnh đạo Siêu thị Citimart Bình Dương, cho biết những năm trước phần lớn bánh kẹo tiêu thụ trong nước là hàng nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia... nhưng tình hình năm nay đã thay đổi khi hàng nội gần như bao sân nhờ đa dạng về chủng loại. Tỷ lệ hàng hóa tại siêu thị năm nay chúng tôi nhập 90% là hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng ngoại nhập chiếm rất nhỏ, chỉ nhằm phục vụ một số đối tượng là người nước ngoài. Có thể nói, bánh kẹo trong nước chất lượng ngày càng được nâng cao, nên tuy giá có cao hơn chút ít so với mọi năm nhưng vẫn bán chạy, thậm chí hơn cả năm ngoái.

Không nên dùng hàng “3 không”

Nhu cầu mua sắm hàng hóa từ nay đến tết sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đây chính là thời điểm để các loại hàng thực phẩm, bánh kẹo vi phạm VSATTP, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất, hàng không đát và hàng nhái, hàng giả có cơ hội tuồn ra thị trường. Theo khảo sát của chúng tôi trong sáng ngày 2-2, trên các tuyến phố quanh trung tâm chợ thị xã vẫn còn tình trạng bày bán khá nhiều các mặt hàng này. Bên cạnh những thương hiệu thực phẩm, bánh kẹo quen thuộc và có uy tín trên thị trường, vẫn còn đó rất nhiều loại thực phẩm như giò, chả, lạp xưởng, củ kiệu, dưa hành, bún, mì sợi... không nhãn mác bày bán vô tư. Ngoài ra, còn có các mặt hàng bánh, kẹo, mứt, ô mai... được bán dưới hình thức cân ký. Hầu hết các loại thực phẩm này đều là hàng “3 không” (không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không nhãn mác). Rất nhiều các loại bánh, kẹo, lạp xưởng, cá cơm khô, nem chua..... bày bán không ghi hạn sử dụng hoặc ghi rất chung chung, chủ yếu chỉ ghi đơn vị phân phối sản phẩm hay cơ sở thực hiện đóng gói mà không ghi rõ nơi sản xuất hàng hóa, hạn sử dụng, ngày sản xuất.

Ghé vào điểm bán mứt tắc tại góc chợ Thủ Dầu Một, trên đường Nguyễn Thái Học, mứt được xúc từ thau nhôm lớn (không che đậy) ra bịch ni lông cân rồi cột lại. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao không có nhãn sản phẩm, người bán bảo: “Yên tâm đi, hàng chất lượng không tẩm ướp màu hóa học đâu”. Nhưng khi hỏi làm thế nào chứng minh là hàng không tẩm ướp màu hóa học thì chủ cửa hàng lầm bầm và có thái độ xua đuổi, không muốn bán hàng cho người... lắm điều! Ghé vào một gian hàng kinh doanh bánh kẹo cách đó chừng 50m, chúng tôi thắc mắc kẹo thèo lèo đang bày bán ghi nhãn cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài (Trung Quốc), nhưng rất mơ hồ, chỉ ghi cơ sở thực hiện đóng gói mà không ghi rõ xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng, ngày sản xuất... sao vẫn bán thì chủ hàng phản ứng: “Mua không thì bảo, có bao bì như thế còn đòi hỏi gì nữa?!”.

Rõ ràng, điều mà người tiêu dùng lo lắng nhất hiện nay là làm sao nhận biết đươc hàng có chất lượng, hàng không vi phạm VSATTP khi vẫn tồn tại nhiều DN vì lợi nhuận bất chấp lương tâm, sản xuất hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, hơn hết người tiêu dùng cần cẩn thận đọc kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trước khi quyết định mua, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng đang bày bán trên thị trường.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên