Hàng trăm hộ dân ở xã Long Nguyên (Bến Cát): Than trời... vì điện kế tổng!

Cập nhật: 09-11-2010 | 00:00:00

Những đường dây điện chằng chịt đan xen như mạng nhện, nguồn điện chập chờn rất khó khăn trong sinh hoạt, giá điện quá cao... Hàng trăm hộ dân ở xã Long Nguyên, Bến Cát tỏ ra bức xúc trước việc họ đang sử dụng điện kế tổng (ĐKT) và họ đang ngày đêm trông ngóng một đường dây hạ thế đến từng gia đình.

Ấp Suối Tre nằm sát bên hông UBND xã Long Nguyên. Đường sá dẫn vào ấp thênh thang rộng mở, nhà cửa ở đây cũng rất khang trang. Tuy nhiên, một điều ít ai ngờ tới bởi đây là khu trung tâm của xã nhưng hơn 10 năm nay vẫn thiếu điện sử dụng. Hơn 50 hộ dân trong ấp đang sử dụng ĐKT. Mạnh ai nấy bắt, nấy kéo nên đi đến đâu cũng thấy dây nhợ chằng chịt, có nơi dây điện thòng sát mặt đất. Anh Tô Đăng Tuệ, công an viên phụ trách ấp Suối Tre than thở: “Chúng tôi đã quá khổ khi phải sử dụng nguồn điện như thế này quá lâu rồi, có điện mà cũng như không! Muốn bơm đầy một bồn nước từ giếng lên, chúng tôi phải canh đến 2 - 3 giờ khuya, khi đó điện mới đủ mạnh. Rồi nào là phải phân chia giờ giấc hẳn hoi, vì ở đây trung bình 4 hộ xài chung một đường dây, nên không thể sử dụng nguồn điện cùng một lúc. Không biết bao nhiêu lần tiếp xúc cử tri, họp hành với chính quyền địa phương chúng tôi đều có kiến nghị, điện lực cũng đã cho người xuống khảo sát hết lần này đến lần khác, rồi lại hứa”!?

 

Những đường dây điện chằng chịt được kéo vào khu vực tổ 2, ấp Bưng Thuốc

Do nhiều hộ kéo chung một đường dây, khoảng cách từ đồng hồ tổng về đến từng hộ lại quá xa, nên chuyện điện yếu là không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo nhiều người trong ấp không hiểu nguyên nhân vì sao nguồn điện ở đây càng lúc càng yếu dần!? Hiện gia đình nào cũng trang bị ổn áp đầy đủ, nhưng những vật dụng trong nhà như tủ lạnh, máy giặt liên tục bị hư. Những loại đèn neon điện tử thông dụng chỉ xài được vài tháng là bị đen đầu rồi vứt bỏ. Thay vào đó, họ phải dùng đèn tiết kiệm điện chữ U loại nhỏ, nhưng loại đèn này thiếu độ sáng, ảnh hưởng đến chuyện học tập của con em cũng như sinh hoạt. Anh Tuệ cho biết: “Đa phần bà con làm công nhân cạo mủ, chiều tối mới về nhà quây quần bên nhau, nhưng điện đóm thế này thật là quá khổ. Bây giờ kinh tế trong ấp cũng đã khá lên nhiều, ai cũng muốn mua sắm vật dụng gia đình cái này cái nọ. Nhưng mua về xài mấy bữa là hư, đem sửa miết thấy ngán nên đành bỏ phế”. 

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng trong ấp, anh Mã Lương Hoàng bức xúc: “Hơn 10 năm trước, khi thấy đường dây điện kéo về, chúng tôi ai cũng vui mừng, vì nghĩ thầm đã hết cảnh đen tối, ngày ngày không còn phải thấp thỏm lo chở bình ắc quy đi sạc. Chờ hoài mà không thấy đường điện hạ thế, vậy là anh em họp nhau lại thành nhóm bỏ tiền ra mua trụ, mua dây về xin mắc xài đỡ. Lúc đó kinh tế ai cũng khó khăn, để gom được 5 triệu đồng/hộ, anh em trong ấp chạy vạy khắp nơi. Cánh độc thân như chúng tôi thì làm gì có tiền đóng, phải cầm sổ cho ngân hàng, hơn 4 năm sau mới trả hết nợ. Nói thật, tình hình điện đóm thế này chúng tôi có muốn đầu tư kinh doanh, làm ăn thêm gì cũng khó”! Cũng theo anh Hoàng, do nguồn điện quá yếu không chỉ ảnh hưởng đến chuyện sinh hoạt, mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác. Cụ thể như Văn phòng ấp Suối Tre đã được xây hơn 5 năm nay, nhưng đến giờ vẫn không có điện nên rất bất tiện. Mỗi lúc họp hành để tuyên truyền một vấn đề gì đó là phải họp vào giờ chiều, mà giờ ấy thì đâu có mấy người rảnh rỗi. Hay những lúc gặp chuyện bất trắc đêm hôm, cần đem đến văn phòng ấp giải quyết là không thể.

Học sinh ở ấp Suối Tre tranh thủ học bài trước khi trời sụp tối

Việc móc kéo tạm bợ những đường dây điện ở ấp Suối Tre cũng rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Anh Tuệ cho biết: mùa mưa năm 2009, đã có 2 lần trụ điện bị gãy đổ nằm ngang ra đường, hơn nữa đây là tuyến đường liên ấp nên thường xuyên có đông người qua lại. Những lần như thế, anh phải huy động lực lượng đến canh gác. Thời gian gần đây, không ít hộ còn bị cắt trộm dây điện về đêm. Cụ thể, đường dây của gia đình anh Tuệ cũng từng bị trộm cắt đến 4 lần, với trên 700m dây. Để đối phó với nạn trộm cắp dây điện, không ít người đã dùng dây nhôm thay thế, nhưng loại dây dẫn điện này rất dễ bị đứt...

Không riêng gì ở ấp Suối Tre, số hộ sử dụng ĐKT ở trên địa bàn xã Long Nguyên hiện còn rất đông, được trải đều trên các ấp như Mương Đào, Bưng Thuốc, Hố Muồn... Khi đặt chân đến đây, chúng tôi không khỏi rùng mình trước những sợi dây điện đan xen như mạng nhện. Tại khu vực tổ 2, ấp Bưng Thuốc, không ít trụ điện đang đứng trước nguy cơ bị gãy đổ vẫn đang được người dân vô tư sử dụng. Hỏi ra thì ai cũng bảo “đang chờ” vì nghe đâu sắp được đầu tư đường dây hạ thế. Nhưng trên thực tế, họ cũng đã chờ hết năm này qua năm khác và không biết phải chờ đến bao giờ!? Tuy nguồn điện ở đây có ổn định hơn ở khu vực ấp Suối Tre, nhưng rất nhiều người thở vắn than dài vì khi dùng chung một đường dây, họ phải trả một giá điện khá cao.

NHÓM P.V PHÁP LUẬT

Ông Võ Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Long Nguyên: Chỉ tính riêng 4 ấp là Suối Tre, Bưng Thuốc, Mương Đào và Hố Muồn hiện có khoảng 300 hộ đang sử dụng ĐKT. Thời gian qua, chúng tôi đã nghe người dân phản ánh rất nhiều những khó khăn khi đang phải sử dụng nguồn điện này và đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện. Theo tôi được biết thì từ năm 2008, UBND huyện đã có chủ trương đầu tư đường dây hạ thế vào ấp Suối Tre, cũng đã nhiều lần cho người xuống khảo sát, nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa thực hiện được? Còn những ấp khác, phía xã cũng đã nhiều lần kiến nghị.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên