Tháng 7, tháng đền ơn đáp nghĩa. Cả nước đang nhớ về các anh, những người anh hùng của dân tộc, những liệt sĩ, thương binh, người có công với nước. Trong đó, có hàng chục ngàn gia đình đang đau đáu mong tìm được nơi các anh đã ngã xuống, hy sinh đời mình cho độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị bắt, bị tù đày nhưng vẫn kiên trung đấu tranh với kẻ thù từ trong nhà lao. Chúng tôi vinh dự, tự hào và vô cùng xúc động khi được tận mắt chứng kiến những nỗi đau của các anh tại Nhà tù Phú Quốc - nơi có hơn 4.000 liệt sĩ đã gửi trọn tuổi thanh xuân của đời mình vào trong lòng đất đảo này.
Chứng tích của chiến tranh
Những ngày cuối tháng 7, dù thời tiết cứ nắng mưa thất thường, dù tất cả các phương tiện truyền thông đang ra rả tin báo bão, chúng tôi vẫn quyết tâm khăn gói ra đảo Phú Quốc, để mong được tìm về nơi ký ức đau thương nhưng thấm đẫm truyền thống anh hùng, bất khuất của các anh hùng dân tộc. Những ngày này, lượt du khách đến với Phú Quốc cũng đông nhất trong năm.
Tù binh cách mạng bị giam ở Phú Quốc trở về (Ảnh chụp lại)
Nằm ở địa phận xóm Cây Dừa, xã An Thới thuộc khu vực cực nam đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Nhà tù Phú Quốc là trại giam tù binh trung tâm của miền Nam thời Mỹ - ngụy.
Vốn là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừa hay còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, trên diện tích khoảng 400 ha. Đây là nơi giam giữ cán bộ, chiến sĩ cách mạng lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ. Có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.
Sở dĩ Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh với số lượng lớn như vậy là bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt ngàn trùng với đất liền nên dễ đàn áp, dễ bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục. Chiều dài chừng 5km chạy suốt từ miếu Cô Sáu đến Cầu Sấu. Chiều rộng khoảng chừng 1,5km. Để biến khu đất 400 ha này thành đồng không đồi trọc, lính Mỹ đã rải xuống một khối lượng chất độc hóa học khổng lồ, tạo thành một vành đai trắng rộng hàng cây số. Xung quanh được bủa vây bởi biển, rạch và rừng, tịnh không có một mái nhà dân, một bóng người sinh sống.
Toàn trại giam Phú Quốc có 12 khu. Mỗi khu chia làm 4 phân khu: A, B, C, D. Mỗi phân khu có từ 9 đến 18 nhà giam. Mỗi nhà giam nhốt chừng 120 người. Cao điểm, nhiều khi chúng nhồi nhét đến 150 người. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Mỗi khu trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh, riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan. Cho nên không phải ngẫu nhiên, nhà tù Phú Quốc được xem là nhà tù lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Nơi ký ức tìm về
Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi đầu tiên khi đến đây là trùng trùng, lớp lớp những hàng rào kẽm gai bao quanh các khu nhà lao. Chị Phạm Ngọc Giàu, hướng dẫn viên ở đây cho biết: Bao quanh mỗi khu nhà lao là hàng rào kẽm gai 10 - 15 lớp ken cứng với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới 4 tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển thường xuyên có một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài… Lực lượng canh giữ tù binh đông đến mức 2 người tù có 1 người lính trông giữ. Bộ máy đàn áp lên đến 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân. Với bộ máy này, địch tin rằng không những đàn áp mà đánh bại bất cứ một lực lượng ngoại nhập nào tính liều mạng giải phóng tù binh nhà lao Cây Dừa.
Chị Giàu tiếp tục thuyết minh trong nghẹn ngào nước mắt: Những tháng ngày bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, các chiến sĩ phải hứng chịu vô số trận tra tấn dã man, những ngón đòn không tưởng tượng nổi của quân địch nhằm hủy diệt ý chí của người chiến sĩ cộng sản. Chúng dội nước sôi vào miệng, nhốt trong “chuồng cọp”, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt hay cặp điện vào tai, lấy kìm nhổ móng tay, móng chân. Đau đớn hơn, nhiều chiến sĩ còn bị đập gãy hết răng hoặc đóng từng chiếc đinh vào đầu cho đến chết. Song với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, anh em đã đối phó với chúng bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, phân hóa hàng ngũ địch, diệt ác ôn, tổ chức vượt ngục...
Ông Trần Văn Luận, một cựu chiến binh đi cùng đoàn với chúng tôi xúc động nghẹn lời, nước mắt rưng rưng: “ Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng ta. Tôi cũng là người lính, cũng từng cầm súng chiến đấu và đã từng vào sinh ra tử, nhưng hôm nay đây, khi tận mắt chứng kiến những cảnh tra tấn dã man này của địch đối với đồng đội tôi vẫn cảm thấy kinh hoàng trước tội ác của chúng và không cầm được nước mắt trước những nỗi đau mà các anh phải gánh chịu”.
Những hình ảnh, những hiện vật nơi đây cứ hiện rõ mồn một trước mắt mọi người, những hiện vật như vẫn còn thấm đượm máu xương của bao chiến sĩ cách mạng nơi đảo tù Phú Quốc. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ý nghĩa lịch sử cuộc đấu tranh sinh tử của các cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày tại trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc vẫn mãi trường tồn. Những hy sinh của các anh luôn tô thắm thêm truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta, quân đội ta và nhân dân ta. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh, những người anh hùng của dân tộc. Những người con đã hy sinh trọn vẹn cuộc đời mình cho độc lập tự do và sự vẹn toàn của Tổ quốc.
Kỳ 2: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
NGỌC THANH