Hậu quả của chất độc

Cập nhật: 12-01-2010 | 00:00:00

Như tin đã đưa vào ngày 9-1, nhân sự kiện Tạp chí Washington Monthly tổ chức hội thảo “Quay lại vấn đề chất độc da cam”, trên tạp chí đã mở một chuyên đề đặc biệt về vấn đề này số ra tháng 1 và 2-2010. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Hậu quả của chất độc” của hai tác giả Joshua Kurlantzick và Geoffrey Cain, nêu bật vấn đề đang gây tranh cãi tại Mỹ đó là xác định những hủy hoại đến cuộc sống người Việt Nam sau khi bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin.

 

Anh Nguyễn Khanh, một người lái xe thuê tại khu vực núi ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 53 của mình. Cậu con trai 14 tuổi của anh khi sinh ra đã bị bệnh nứt đốt sống, không thể đi lại. Còn cô con gái 17 tuổi đang bị hội chứng Down. Vợ anh, do quá đau buồn, cũng rơi vào tình trạng tâm thần không ổn định. Anh Khanh nói: “Cuộc sống là điều khó khăn nhất”. Ngày ngày, anh phải nuôi sống cả gia đình bằng công việc chở rau quả thuê đi từ làng này sang làng khác, kiếm được khoảng 100 USD mỗi tháng.

Chị Nguyễn Thị Xuân và con trai Nguyễn Đức Tú, 25 tuổi, bị nhiễm chất độc da cam tại khu vực Đà Nẵng (Ảnh đăng trên Washington Monthly).

 

Khi còn nhỏ, anh Khanh là người chứng kiến cảnh quân đội Mỹ phun xuống khu vực quanh nhà chất hóa học dioxin, được sử dụng để hủy hoại cây cối, nhằm phát hiện ra sự di chuyển của quân đội Việt Nam. Anh nói: “Tôi nhớ đã nhìn thấy chiếc máy bay Mỹ thả một số loại chất hóa học xuống các cánh rừng. Chúng tôi nghĩ mọi chuyện vẫn ổn, bởi vì họ đã không rải bom... Cho đến cuối những năm 1980, khi các thế hệ chúng tôi bắt đầu sinh con, thì chúng tôi mới biết được rằng ảnh hưởng đáng sợ của chiến tranh sẽ theo chúng tôi đến hết cuộc đời”.

 

Theo nghiên cứu của Văn phòng thống kê Chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ đã phun khoảng 18 triệu galon chất độc da cam trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Nhiều thập kỷ sau, chất độc có tác động lâu dài này vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân Việt Nam. Trong khi Mỹ luôn khẳng định không có đủ bằng chứng về mối liên quan giữa chất làm rụng lá với bất cứ căn bệnh nào tại Việt Nam thì Chính phủ Việt Nam vẫn ước tính có khoảng 400.000 người Việt Nam đã chết sớm vì các chứng bệnh liên quan tới việc phơi nhiễm chất dioxin và khoảng 500.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh do tiếp xúc với môi trường có hóa chất rò rỉ ngấm vào nguồn nước và đất.

 

Sau khi bình thường hóa quan hệ với Washington năm 1995, giành được những thỏa thuận thương mại có lợi với Mỹ, tham gia vào các thể chế toàn cầu, như Tổ chức Thương mại thế giới, Chính phủ Việt Nam bắt đầu yêu cầu mạnh mẽ hơn việc Mỹ phải nhận trách nhiệm. Tại cuộc họp thường niên giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ với lực lượng đặc nhiệm về chất độc da cam, tổ chức tháng 9 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường đã tuyên bố, những hỗ trợ của Mỹ trong việc làm sạch chất độc da cam “vẫn chưa khiến chúng tôi hài lòng”.

 

Bất chấp những áp lực từ Việt Nam, Mỹ vẫn thẳng thừng từ chối thừa nhận rằng chính Mỹ đã gây ra những thảm kịch tại Việt Nam mà gia đình anh Khanh là một ví dụ. Một phần là do Mỹ không bị bắt buộc về mặt pháp lý có trách nhiệm bồi thường cho Việt Nam. Những nỗ lực phía nguyên đơn Việt Nam liên tiếp gặp thất bại trong khi luật pháp quốc tế và các hiệp ước quốc tế về hậu quả môi trường không có đủ sức thuyết phục và không có hiệu lực rộng rãi. Kể cả khi có những bằng chứng rõ ràng về những hậu quả của chất độc dioxin thì việc xác minh ảnh hưởng trên từng cá nhân Việt Nam lại gần như không thể. Nhưng lý do lớn nhất Mỹ một mực từ chối việc có trách nhiệm đối với những nạn nhân tại Việt Nam là vì điều này sẽ tạo ra một tiền lệ: Washington sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh tại các nước Hàn Quốc, Philippines, Iraq và bất cứ nơi nào bị ảnh hưởng bởi hoạt động của quân đội Mỹ.

 

Trong những năm diễn ra chiến tranh Việt Nam, chất độc da cam không phải là công cụ chiến đấu chính của quân đội Mỹ, nhưng sự ẩn nấp tài tình của quân đội Việt Nam trong những cánh rừng già khiến Mỹ đã tính đến kế sách sử dụng loại chất độc hại này làm trụi lá cây. Chính phủ Việt Nam ước tính, Mỹ đã phun chất làm trụi lá trên khoảng 12.000 dặm vuông, chiếm 10% tổng diện tích đất nước. Các khu vực như Đà Nẵng, nơi từng là địa bàn đóng căn cứ không quân của Mỹ các lực lượng Mỹ đã dự trữ lượng lớn dioxin, một phần không nhỏ đã rò rỉ ra môi trường. Nghiên cứu của Hatfield Consultants đã chứng minh, đất quanh Đà Nẵng ngày nay vẫn chứa lượng dioxin cao gấp 365 lần mức tiêu chuẩn chấp nhận được trên thế giới.

 

Nhiều năm qua, vẫn chưa có bằng chứng nào được kết luận về mối liên hệ của chất độc da cam với các bệnh tật. Nhưng những thập kỷ gần đây, theo các nghiên cứu y học đối với các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đã cho thấy dioxin là nhân tố gây ra một loạt các loại như bệnh Parkinson, ung thư, bệnh thiếu máu cục bộ, bệnh bạch cầu, bệnh ung thư tuyến tiền liệt và các dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống hay tật vẹo chân. Một phân tích trên 3.000 người Việt Nam, được công bố trên Tạp chí Sức khỏe cộng đồng của Mỹ, chỉ ra rằng mức độ chất dioxin trong máu của họ cao hơn nhiều so với những người sống ở các khu vực không bị phun chất làm rụng lá.

 

Nhưng để xác định chính xác những ai tại Việt Nam đã phơi nhiễm, với bao nhiêu chất dioxin là cực kỳ khó khăn. Mặc dù có một số hồ sơ của quân đội Mỹ, nhưng không ai biết chính xác có bao nhiêu lượng chất độc da cam được phun trên các khu vực khác nhau trên khắp Việt Nam. Theo nghiên cứu toàn diện của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, chính phủ miền Bắc và chính phủ miền Nam Việt Nam khi đó đều không giữ những thông tin chi tiết về những lần triển khai quân, khiến cho việc chứng minh ai tham gia trận chiến tại các khu vực bị phun càng trở nên khó khăn hơn.

 

Ngay cả các quan chức y tế Việt Nam cũng thừa nhận không thể biết chính xác những dị tật nào bắt nguồn từ việc tiếp xúc với dioxin. Trên thực tế, tại Việt Nam không có nhiều tổ chức có đủ kinh phí để làm kiểm tra xác định việc phơi nhiễm dioxin. (Chi phí khoảng 1.000 USD/thử nghiệm/người để kiểm tra mức độ phơi nhiễm với dioxin).

 

Nhưng như đã nói, ngay cả khi Việt Nam có thể xác định ai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam thì Lầu Năm góc cũng sẽ lo ngại rằng, thừa nhận trách nhiệm và cấp đền bù cho nạn nhân sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Chính phủ Mỹ cho rằng họ sẽ phải cung cấp các khoản tương tự cho những người đòi bồi thường những ảnh hưởng về sức khỏe do các hoạt động thời chiến của nước Mỹ cả trước đây, hiện tại và sau này. Vì thế, dưới thời chính quyền Clinton, giai đoạn nước Mỹ nối lại quan hệ với Việt Nam, trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Gary Vest đã phát biểu rằng, Mỹ không thể nhận trách nhiệm cho những hậu quả từ việc phun chất da cam. Tiếp sau đó, những tuyên bố tương tự cũng được chuyển đến Việt Nam dưới thời chính quyền Bush.

 

Đầu những năm 1990, các cựu chiến binh Mỹ, do Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain đứng đầu, đã kêu gọi bình thường hóa về chính trị với Việt Nam và dẫn đầu các chuyến thăm trở lại Việt Nam để cựu chiến binh có thể hòa giải với những người bên kia chiến tuyến cũ của mình. Nhưng mối quan hệ có lợi cho hai bên sẽ khó có thể chín muồi, trừ khi Mỹ phải làm gì đó nhiều hơn để giải quyết di sản của chất độc da cam. Tại Việt Nam, chính quyền George W. Bush đã đi bước đầu tiên hướng tới một giải pháp cho vấn đề chất da cam, cung cấp khoảng 3 triệu USD để dọn sạch chất da cam bị tràn ra bên trong và quanh căn cứ không quân Mỹ tại Việt Nam và hỗ trợ nhân đạo cho những cư dân sống ở những khu vực bị nhiễm chất độc da cam Việt Nam. Bước tiếp theo sẽ là hỗ trợ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên thực tế.

 

Khó khăn đang dồn về chính quyền Mỹ hiện tại. Bất cứ nỗ lực nào của Tổng thống Barack Obama trong việc cung cấp hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều phản đối từ phe đối lập. Nhưng ông cũng có những “đồng minh” bên phía đảng đối lập, người hiểu được ý nghĩa của việc bù đắp cho nạn nhân Việt Nam. Một trong số đó là John McCain, kiến trúc sư quan trọng trong quá trình hòa giải với Việt Nam. Thượng nghị sĩ bang Arizona đã tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4-2008 rằng: “Chúng tôi cần phải tiếp tục giải quyết vấn đề chất độc da cam, bao gồm cả việc bồi thường cho nạn nhân và dọn sạch các khu vực bị nhiễm chất độc”.

 

Trong mùa thu năm nay, Tổng thống Obama có thể sẽ tới thăm Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Ông sẽ chọn giải pháp nào khi phía Việt Nam đề cập đến việc giải quyết vấn đề chất độc da cam? Ông có thể chọn giải pháp từ chối. Hoặc ông có thể chọn giải pháp cung cấp viện trợ nhân đạo cho những nạn nhân chất độc da cam. Nếu điều này xảy ra, đây có thể là một bước đi táo bạo vì nó nhấn mạnh việc Mỹ đã có một di sản đắng trong quá khứ.

 

Những lý do mà Mỹ đưa ra có vẻ không nhất quán với nhau. Một mặt, Washington vẫn nhấn mạnh rằng không thể trả đền bù vì không có đủ bằng chứng chỉ ra rằng những căn bệnh mà người Việt Nam mắc phải là do chất độc da cam mà các lực lượng Mỹ đã phun gây ra. Nhưng mặt khác, theo luật pháp Mỹ, bất cứ cựu chiến binh Mỹ nào đặt chân tới Việt Nam trong cuộc chiến và bị ảnh hưởng và mắc các chứng bệnh trong danh sách dài các bệnh liên quan tới chất da cam đều đủ tiêu chuẩn nhận được sự chăm sóc y tế và các trợ cấp khác.

 

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên