Hệ lụy khôn lường từ các trò chơi điện tử và mạng xã hội

Cập nhật: 12-11-2019 | 08:28:03

 Hiện nay, dịch vụ internet đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh mặt tích cực là mang lại nhiều tiện ích, phục vụ nhu cầu sử dụng, làm việc của con người thì việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng internet, đặc biệt là thanh thiếu niên nghiện các trò chơi điện tử có tính bạo lực trên internet đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường về sức khỏe, tinh thần. Thậm chí đây còn là nguyên nhân phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự như: Trộm, cướp tài sản, đánh nhau, giết người…

 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một điểm kinh doanh internet

 Cùng đoàn kiểm tra liên ngành công an, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Vào khoảng 10 giờ sáng, tại một quán net nhỏ nằm trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, hàng chục thanh niên đang say sưa chơi các trò chơi trực tuyến như: Liên quân, bắn súng… Theo quan sát, hầu hết các trò chơi đều mang tính bạo lực. Đặc biệt, trong số các khách chơi, có những em tuổi còn rất nhỏ.

Ghi nhận tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ internet khác, một thanh niên nằm ngủ ngay trên ghế, bữa sáng của thanh niên này vẫn chưa kịp ăn vì đang bận chơi game…

Trung tá Nguyễn Sơn Hà, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Bình Dương, cho biết, thực trạng nghiện trò chơi điện tử trực tuyến là tác hại lớn nhất của internet với học sinh. Nhiều em học sinh đã bỏ học, thậm chí ăn cắp tiền cha mẹ, bỏ nhà đi để đi chơi các trò chơi trực tuyến, không những làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe tương lai của học sinh mà còn là con đường dẫn đến các tệ nạn xã hội trong tương lai.

Qua công tác kiểm tra, giám sát có thể nhận thấy bên cạnh việc vào cuộc của các cơ quan chức năng thì vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức được tác hại từ nghiện các trò chơi trực tuyến. Thay vì học tập, cập nhật kiến thức, các thanh thiếu niên lại sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc chơi game.

Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, việc người chơi game suốt ngày suốt đêm thì sức khỏe không còn, không dành thời gian cho học tập, làm việc phụ giúp gia đình… Khi xin tiền để chơi không được thì ăn cắp tiền của cha mẹ, đối với xã hội thì có thể đi trộm, cướp… để có tiền chơi game.

Thực tiễn thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc như thế. Cụ thể như vụ đối tượng Lưu Minh Nhị (SN 2001, quê An Giang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương bắt về hành vi Giết người, Cướp tài sản xảy ra ngày 18-7, tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Chỉ vì khi đi chơi về khuya, Nhị bị cô ruột là bà Lưu Thị T. (SN 1968, quê Kiên Giang) la mắng. Đối tượng đã ra tay sát hại chính cô ruột của mình. Sau khi gây án, Nhị đã lấy đi nhẫn vàng và tiền của bà T. rồi thản nhiên bỏ đi chơi game. Lực lượng công an đã bắt giữ Nhị tại một tiệm game trên địa bàn TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 2-11, Công an TX.Dĩ An đã bắt được nhóm gồm 10 thiếu niên có độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi do Đoàn Nguyễn Trọng Phúc (SN 2003, ngụ phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) cầm đầu có hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Trong khoảng thời gian cuối tháng 10-2019 thông qua mạng xã hội Facebook, Đoàn Nguyễn Trọng Phúc cùng các thanh thiếu niên trên thường xuyên lên mạng chơi game, khuya thì kéo đi quậy phá.

Qua các vụ án trên có thể thấy, tình trạng nghiện các trò chơi điện tử ở tuổi thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng. Ở tuổi lứa tuổi này, tâm sinh lý các em chưa ổn định, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nhưng các em lại sớm tiếp xúc với loại hình game bạo lực. Điều này làm phát sinh tâm lý nóng nảy, thiếu kiềm chế cảm xúc từ đó dẫn đến những cư xử và hành động thiếu chuẩn mực, có suy nghĩ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống.

Để chung tay xây dựng môi trường sống văn minh, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần có nhận thức đúng đắn về tác hại của các trò chơi bạo lực trên internet, từ đó chủ động sắp xếp thời gian học tập, làm việc và giải trí một cách hợp lý. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần tăng cường sự quan tâm, quản lý, giáo dục con em mình nhiều hơn, nhất là các em trong độ tuổi thiếu niên, tránh để các em sa đà, nghiện các trò chơi trực tuyến làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như việc học tập của các em.

Theo ông Đặng Xuân Văn, Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh niên tỉnh Bình Dương, cần xây dựng một thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để cho tất cả các đối tượng thanh thiếu niên được thụ hưởng. Bên cạnh đó, về phía gia đình cũng nên dạy các em từ khi còn nhỏ biết cách yêu thương, chia sẻ, biết cách cư xử đúng mực để kiềm chế bản thân.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương cho biết, “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của internet, những mặt bất cập, hạn chế của internet. Bên cạnh đó, thanh tra sở sẽ tăng cường phối hợp với các ban ngành để thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet trên địa bản tỉnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trên lĩnh vực internet.

 NGỌC HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên