Hệ thống các trường TCCN tại Bình Dương: Cần nâng cao chất lượng để phát triển nguồn nhân lực

Cập nhật: 13-05-2010 | 00:00:00

Học cao đẳng (CĐ) nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang là sự lựa chọn của nhiều học sinh (HS) THPT, đánh dấu chiến lược phân luồng HS đã có bước tiến đáng ghi nhận. Vài năm gần đây, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh có nguyện vọng được vào học TCCN. Tuy nhiên, sự gia tăng chỉ tiêu TCCN hàng năm vẫn còn hạn chế và bậc học này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực ngày càng cao của xã hội.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn  tỉnhChất lượng đầu vào còn thấp và chưa đồng đều

Hiện nay, mạng lưới trường chuyên nghiệp tại Bình Dương đã phát triển gấp 3 lần so với 10 năm trước với 13 trường TCCN, 30 cơ sở đào tạo nghề. Ngoài ra, hệ TCCN trong các trường đại học (ĐH), CĐ cũng thu hút rất nhiều HS đăng ký theo học hàng năm.

Đây là lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng hết được...

Hiện nay, chất lượng đầu vào các trường TCCN cũng còn nhiều vấn đề khi có khá nhiều trường chỉ xét tuyển với những điều kiện chung chung. Một số trường đã tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu đã được xác định, không tuyển đúng số lượng chỉ tiêu đã xác định cho các ngành đào tạo của trường, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, tài chính - kế toán, sư phạm và các trường thực hiện liên kết đào tạo. Một số trường TCCN khác mặc dù điều kiện hạ tầng có hạn nhưng vẫn tuyển sinh ồ ạt, vượt chỉ tiêu. Rồi những cách tiếp thị bằng tờ rơi, quảng cáo tràn lan của không ít trường đã khiến cho nhiều phụ huynh và HS e ngại khi quyết định theo học TCCN. Bên cạnh đó, tâm lý “sính bằng cấp”, “thầy hơn thợ” vẫn còn nặng trong xã hội nên giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Nhiều phụ huynh và HS còn coi thường bậc học này, đa số muốn con em vào ĐH hơn, chính nhận thức này mà hầu hết chất lượng đầu vào của bậc TCCN hiện còn thấp và chưa đồng đều.

Chính sách phân luồng còn hạn chế

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng HS trúng tuyển TCCN nhưng không đến nhập học là do nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN nhưng cũng đã dự thi CĐ, ĐH và khi trúng tuyển cả CĐ, ĐH và TCCN thì các em đã chọn vào học CĐ, ĐH mà không vào học TCCN, việc đăng ký dự tuyển vào TCCN chỉ là phương án dự phòng của các em. Chưa kể có những thí sinh mặc dù không trúng tuyển vào CĐ, ĐH nhưng vẫn quyết tâm ở lại ôn tập để thi lại CĐ, ĐH năm sau mà không vào học TCCN. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường trong công tác tuyển sinh TCCN và cho thấy chính sách phân luồng HS sau THCS và THPT để bảo đảm cân đối cơ cấu trình độ nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do trong những năm vừa qua, chỉ tiêu tuyển sinh vào CĐ, ĐH tăng lên rất nhanh, trong khi số HS tốt nghiệp THPT hàng năm giữ ổn định và có xu hướng giảm. Tình trạng sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm được việc làm cũng hạn chế đáng kể số HS đăng ký nguyện vọng vào bậc học này. Thực tế là ngoài số lượng HS được đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, còn số lượng khá lớn HS sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm việc.

Nhận định về bức tranh GDCN tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, tại Hội thi tay nghề cấp bộ năm 2010 được tổ chức ở Bình Dương vừa qua, Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tạo tiền đề đào tạo nhân lực có chất lượng. Song song đó, chương trình đào tạo của GDCN phải đổi mới theo hướng phát triển, cập nhật những tri thức mới và kinh nghiệm thực tiễn... Ngoài ra, một số điều kiện cần khác như nguồn tài chính bảo đảm để phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Trong thời gian tới, Bình Dương cần tìm giải pháp để nâng cao nhận thức xã hội, kêu gọi đầu tư, nâng cao đội ngũ giáo viên... bởi đây là nguồn nhân lực rất cần thiết cho sự phát triển của tỉnh. Ngoài ra, Bình Dương cũng cần khẩn trương xây dựng quy hoạch nhân lực, trên cơ sở này có thể đề ra chiến lược phát triển GDCN cùng với các bậc học khác để bảo đảm tính cân đối và đồng bộ trong phát triển.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X