Hết lòng “Vì sức khỏe cộng đồng”

Cập nhật: 03-05-2019 | 06:02:39

 Thời gian qua, ngành y tế dự phòng (YTDP) TX.Thuận An đã gặt hái nhiều thành công khi kiểm soát được các dịch bệnh mới nổi, hạn chế thấp nhất các dịch bệnh và không để lây lan trong cộng đồng; trong đó có sự góp sức không nhỏ của nữ bác sĩ Trần Thị Mười (ảnh), nguyên Phó khoa YTDP, Trung tâm Y tế TX.Thuận An.

 “Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là chăm sóc cho người già, người có điều kiện còn nhiều khó khăn”, chị Trần Thị Mười tâm sự. Đây là điều mà chị thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, cũng chính là động lực để chị quyết tâm bước chân vào ngành y, coi đó là sự nghiệp trong cuộc đời. Thấm thoát đã gần 40 năm gắn bó, cống hiến cho ngành y, điều mà chị Mười nay đã nghỉ hưu, vẫn đang thấy hạnh phúc là đã được đồng hành cùng với TX.Thuận An kiểm soát mọi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân một cách tốt nhất. Và, hơn hết là hạnh phúc vì được làm điều mình thích ngay tại nơi mình sinh ra và lớn lên…

Với công việc trước đó của chị Mười, nếu ai đó không yêu nghề, không dám đương đầu với khó khăn sẽ bỏ cuộc. Bởi, để hoàn thành tốt công việc kiểm soát dịch bệnh cho toàn thị xã, mang lại sức khỏe ban đầu cho người dân là điều vô cùng khó khăn. Để làm tốt công việc này, đội ngũ những người làm công tác YTDP như chị phải thật sự am hiểu, để tuyên truyền sâu rộng cho bà con cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Trong suốt thời gian công tác, chị Mười và đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên Trung tâm Y tế TX.Thuận An luôn tận tụy, đoàn kết một lòng, khi có dịch bệnh xảy ra, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, không quản ngại thời gian, mưa nắng.

“Kiểm soát dịch bệnh là để không lây lan, bùng phát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Đây là công lao của dự phòng. Công tác YTDP đóng góp lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân, giảm thiệt hại kinh tế cho xã hội và từng gia đình do bệnh truyền nhiễm gây nên. Vậy nên, khi chúng ta phòng chống tốt được dịch bệnh, môi trường sống của chúng ta trong lành thì sức khỏe của cả cộng đồng sẽ được cải thiện”, chị Trần Thị Mười chia sẻ.

Trò chuyện cùng chị trong suốt buổi chiều, với rất nhiều thông tin về dịch bệnh của địa phương qua nhiều năm chị công tác, vậy mà chẳng cần bất cứ báo cáo nào trong tay, hỏi đến đâu, chị cung cấp cho chúng tôi đến đấy những số liệu hết sức cụ thể. Không chỉ có thế, chị còn phân tích sâu cho chúng tôi biết từng năm, từng tháng, dịch bệnh nào là nguy hiểm, cách phòng chống ra sao. Chị cũng vẫn còn băn khoăn lắm về dịch sốt xuất huyết hàng năm tại địa phương. Chị bảo: “Thông tin thì người dân mình nắm rất rõ. Thế nhưng, nhiều người còn thờ ơ, vẫn cho rằng dập dịch chính là trách nhiệm của những người làm công tác như mình. Trong khi đó, đội ngũ những người làm công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn mỏng nên cần lắm sự chung tay của mọi người dân. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chứ đừng để có bệnh rồi mới chữa...”.

Công việc của một người bác sĩ YTDP lặng lẽ và gian nan. Ấy vậy mà, gần 40 năm qua nữ bác sĩ Trần Thị Mười đã dành cho công việc với tất cả lòng nhiệt huyết và sự say mê với nghề của mình. Từng ấy năm gắn bó với ngành, tấm bằng khen 25 năm có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác YTDP, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế khen tặng cho chị đã nói lên được sự tận tâm, tận tụy với nghề. Thế nhưng, với chị vui nhất vẫn là mong mọi người dân cùng chung tay để dịch bệnh được kiểm soát một cách tốt nhất tại nơi mình sinh sống.

 HỒ NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên