Các nhà khoa học vừa tiết lộ rằng, các nhà máy điện chạy bằng than đá đã âm thầm hủy hoại môi trường từ hàng chục năm qua.
Lầm tưởng
Để đi tới kết luận, các nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu trong giai đoạn 1998 – 2009, thời gian có nhiệt độ cao kỷ lục và năm 1998 được xem là một trong những năm nóng nhất lịch sử. Nhưng trong khoảng thời gian này, nhiệt độ bề mặt Trái đất không gia tăng dẫn đến nhiều lập luận rằng có thể hiện tượng biến đổi khí hậu đã chấm dứt. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất cho thấy, trong khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục gia tăng thì khí hậu đã được chất lưu huỳnh làm mát.
Thảm họa môi trường từ ngành công nghiệp sử dụng nhiều than đá.
Tờ Guardian cho biết, chất lưu huỳnh đã che giấu tác hại của khí thải từ các nhà máy điện chạy than ở Trung Quốc đối với sự nóng lên của toàn cầu trong một thập niên qua. Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn khi lưu huỳnh được dọn sạch.
Khi các nhà máy điện đốt cháy than và cả dầu mỏ, nó giải phóng một lượng lớn sulphur dioxide (SO2), chất này kết hợp với khí oxy và hơi nước trong khí quyển tạo ra acid sulphuric (H2SO4) gây ra mưa acid. Đây là yếu tố gây mất mùa và làm thiệt hại nhiều công trình. Mặc dù vậy, acid sulphuric ở tầng bình lưu phản chiếu cường độ sức nóng Mặt trời đi vào Trái đất, làm mát bề mặt Trái đất. Điều đó cho thấy vì sao trong khoảng thời gian từ năm 1940 tới 1970, không thấy nhiệt độ Trái đất tăng. Lúc đó, lượng lưu huỳnh thải ra từ việc đốt than vượt cả lượng khí thải carbon.
Sau khi người ta phát hiện nhiều trận mưa acid xuất phát từ khí thải sulphur, khí thải này được khống chế, mưa acid giảm nhưng nhiệt độ Trái đất tăng nhanh. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên dùng hàng triệu tấn SO2 bơm vào khí quyển để làm mát Trái đất theo công nghệ địa cầu (geoengineer). Thế nhưng, theo các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu khí quyển ở Boulder, bang Colorado, Mỹ, điều này sẽ làm cho tầng ozone ở Bắc cực biến mất và làm chậm tiến trình phục hồi lỗ thủng tầng ozone ở Nam cực trong vòng 70 năm.
Ngăn chặn cả CO2 và lưu huỳnh
Theo GS Robert Kaufman, Đại học Boston, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, chính vì lưu huỳnh nên người ta cảm thấy chưa đến mức bức thiết cắt giảm khí thải. Nhưng nay đã có chứng cứ quan trọng cho thấy sự nóng lên của Trái đất do khí thải CO2 từ ngành công nghiệp than đã bị lưu huỳnh che đậy.
Nổi bật nhất, số lượng các nhà máy điện chạy than tại Trung Quốc cũng tăng trong thập niên qua: công suất phát điện của các nhà máy này tăng từ 10 gigawatt (GW) năm 2002 lên 80 GW năm 2006 (một nhà máy lớn công suất khoảng 1 GW). Theo cuộc nghiên cứu, chỉ trong 5 năm, từ năm 2002 đến 2007, các nhà máy điện Trung Quốc đốt cháy lượng than đá tăng gấp đôi, từ mức 1,392 triệu tấn lên 2,892 triệu tấn. Trong khi lần tăng gấp đôi trước đó phải mất 22 năm. Nhiều nhà máy điện này không lắp đặt các thiết bị thu chất lưu huỳnh. Ngoài các nhà máy điện, nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc như luyện kim cũng đã đốt lượng lớn than đá. Hiện nay, Trung Quốc đã ý thức được vấn đề này và đang lắp đặt nhiều thiết bị nhằm ngăn cản khí SO2 phun trào. Điều này cho thấy khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại sẽ tăng cao và gây ra tác hại lớn.
Giáo sư Kaufmann nói: “Ảnh hưởng của con người đối với khí hậu thông qua 2 cách. Họ vừa thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và các loại khí khác, sau đó lại thải tiếp lưu huỳnh vào để làm giảm sự nóng lên của Trái đất”. Theo ông, người ta đã quá tập trung vào chất thải CO2 mà quên đi tác hại của lưu huỳnh. Tính chất làm mát Trái Đất của lưu huỳnh chỉ là tạm thời trong khi sự tồn tại của các chất thải gây hiệu ứng nhà kính thì tồn tại rất lâu trong khí quyển. Sau khi lưu huỳnh gây mưa acid, chúng sẽ biến mất, các chất thải sẽ lại gây thủng tầng ozone và Trái Đất sẽ nóng lên.
Theo SGGP