Hiệp hội gốm sứ Bình Dương: Điểm tựa cho gốm sứ phát triển bền vững

Cập nhật: 08-04-2010 | 00:00:00

Được thành lập theo Quyết định 530/QĐ-UBND tỉnh, Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương vừa tổ chức đại hội ra mắt. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc thành lập hiệp hội sẽ tạo ra một điểm tựa, tạo sức mạnh liên kết giúp cho ngành sản xuất gốm sứ truyền thống của Bình Dương phục hồi, vượt qua khó khăn và hướng đến phát triển bền vững...

Gốm sứ là sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Bình DươngVới xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, sự ra đời của các hiệp hội ngành nghề sản xuất là tất yếu. Hiện nay, các hiệp hội da giày, may mặc, cà phê, cao su... đã chứng tỏ được vai trò, chức năng trong việc tập hợp doanh nghiệp (DN), tạo ra sức mạnh chung cũng như các cơ hội sản xuất - kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra thị trường thế giới. Đối với ngành sản xuất gốm sứ truyền thống của Bình Dương, trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trên 200 DN trong lĩnh vực này hiện vẫn chưa có sự liên kết với nhau nếu không có hiệp hội.

Theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, thực tế kinh doanh cho thấy, nếu DN hoạt động độc lập thì thường phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu thông tin về chính sách, thị trường, máy móc, kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào... Việc mạnh ai nấy làm cũng khiến DN phải tự mò mẫm, hành động đơn độc, không có tiếng nói chung, không phát huy được sức mạnh tập thể trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Ngoài ra, cũng vì hoạt động riêng lẻ, nhiều DN đang vướng phải những khó khăn, thách thức bởi các rào cản thương mại quốc tế trong cạnh tranh, bị ép giá, bị làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu và những cạnh tranh không lành mạnh khác. Bên cạnh đó, thời gian qua ngành sản xuất gốm sứ truyền thống của tỉnh đang có dấu hiệu chững lại, bước vào thời kỳ khó khăn về thị trường, nhất là do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thời gian qua, không ít DN, cơ sở sản xuất gốm sứ có tiếng một thời của Bình Dương đã phải đóng cửa, ngưng sản xuất hoặc chuyển đổi hoạt động...

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương kêu gọi, khuyến khích các DN gốm sứ thành lập hiệp hội để liên kết các DN lại với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DN gốm sứ. Như vậy, sự ra đời của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương được coi như là điểm tựa cho ngành sản xuất truyền thống này phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới. Mặt khác, trong khi nền kinh tế đất nước đang phục hồi sau suy giảm, các DN càng cần thiết phải có sự hỗ trợ từ hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cập nhật thông tin về các chính sách kinh tế vĩ mô để điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Còn theo ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát, thì trong bối cảnh khó khăn, các DN gốm sứ Bình Dương cần phải tập hợp lại, cùng tập trung trí tuệ để tìm ra các giải pháp, phương án kinh doanh mới vì “một cây làm chẳng nên non”. Ông Bạch cũng cho rằng, các DN tham gia vào hiệp hội sẽ có nhiều thuận lợi. Thông qua hiệp hội, DN có thể kiến nghị với các cơ quan Nhà nước về chính sách, được tháo gỡ khó khăn, được tư vấn về thị trường, nguyên liệu, máy móc thiết bị... Những cái đó sẽ giúp cho DN mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Rõ ràng, việc thành lập Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương là cần thiết, bởi đây sẽ là nơi để các DN gốm sứ chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết với nhau để chống hàng giả, chống bán phá giá, tạo tiếng nói chung giữa các DN gốm sứ nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng...

THÀNH SƠN

Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương Lý Ngọc Minh: “Chúng tôi xây dựng một hiệp hội không hình thức...”

Tôn chỉ mục đích của chúng tôi là tạo dựng một hiệp hội đàng hoàng, không hình thức với mong muốn duy trì và thúc đẩy sự phát triển các DN sản xuất gốm sứ; đồng thời giúp DN có thông tin về thị trường, biết hàng hóa nên bán ở đâu, bán cách nào, khai thác nguyên liệu sản xuất và tiếp cận công nghệ tiên tiến hiện đại; tư vấn thiết kế mẫu mã, kiểu dáng để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Việc thành lập hiệp hội cũng là để đối phó hữu hiệu với tất cả các nguy cơ, thách thức về cạnh tranh, rào cản thương mại, bảo vệ quyền lợi trong khuôn khổ pháp luật và các cam kết thương mại quốc tế trong hội nhập kinh tế. Hiệp hội cũng sẽ có chương trình hành động nhằm bảo đảm cho DN phát triển ổn định, tăng cường khả năng cạnh tranh và liên kết cao trong môi trường bình đẳng, dân chủ, hòa hợp...

Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác tập hợp các DN gốm sứ để thông báo và thống nhất chương trình hành động. Trong năm 2010, nhiệm vụ của hiệp hội là tham gia tổ chức thành công Festival Gốm sứ Bình Dương để tạo ra khí thế mới trong hoạt động của ngành nghề. Về lâu dài, với vai trò là đầu mối đối thoại của các DN, hiệp hội không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hợp tác đầu tư trong và ngoài nước mà còn là nơi để các DN tự giới thiệu và đối thoại với các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước về các vấn đề quan tâm cũng như những khúc mắc cần tư vấn, giải quyết...

ĐÀM THANH (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên