Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi thỏ

Cập nhật: 04-12-2013 | 00:00:00

Trong những mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao tại xã An Sơn (TX.Thuận An) thì mô hình chăn nuôi thỏ của cô Nguyễn Ngọc Tú (56 tuổi, ấp Phú Hưng) là một trong những mô hình tiêu biểu rất cần nhân rộng.

“Năm 2010, tôi bắt đầu nuôi thỏ. Ngày đó thỏ hay bị dịch bệnh vì không được tiêm ngừa nên đàn thỏ của tôi bị hư hết lứa này đến lứa khác. Nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi vì nhận thấy đây là mô hình sẽ cho hiệu quả kinh tế nếu mình nắm bắt đầy đủ kỹ thuật. Từ suy nghĩ đó, tôi đã đi tìm hiểu ở các trại nuôi thỏ khác, từ cách chọn giống đến kỹ thuật chăm sóc và gây đàn”, cô Tú tâm sự. Cô Tú cho biết thêm, qua các đợt tập huấn do khuyến nông tổ chức, cô đã đi mua giống thỏ Newzeland về làm giống rồi tự gây đàn. Bên cạnh đó, qua quá trình nuôi cô cũng tự đúc rút kinh nghiệm. Để thỏ ít bị bệnh, cứ 6 tháng một lần là cô lại tiêm ngừa cho thỏ giống và chế độ ăn, uống nước của thỏ phải sạch, đúng cách, đúng lượng, nên đàn thỏ khỏe mạnh và phát triển đến bây giờ.

Đại diện Hội Nông dân xã An Sơn thăm mô hình nuôi thỏ của cô Nguyễn Ngọc Tú (bìa phải)

Được biết hiện nay, mô hình nuôi thỏ đang là một trong những mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến khích phát triển. “Thỏ là một con vật dễ nuôi, đỡ tốn công lao động. Thức ăn chính của thỏ chủ yếu là cỏ và các loại rau thu thập ở chợ hay xác đậu nành. Trong 3 năm trở lại đây, giá thịt thỏ đã tăng lên, bình quân từ 60.000 70.000 đồng/kg. Sản phẩm thịt thỏ ra thị trường bây giờ cũng rất dễ tiêu thụ”, cô Tú phấn khởi cho biết.

Hiện cô Tú đang nuôi gần 200 con thỏ. Thỏ sinh sản 2 tháng một lứa, bình quân từ 6 - 7 con/lứa. Nuôi thỏ thành phẩm từ lúc đẻ ra đến khi bán được là 3 tháng, bình quân mỗi con nặng khoảng 2 - 2,5kg/con. Theo cách tính trên, mỗi năm gia đình cô Tú thu nhập trên 50 triệu đồng. Với hiệu quả đó, theo cô Tú với những gia đình nào ít vốn liếng đều có thể chăn nuôi thỏ để phát triển kinh tế gia đình.

“Nhờ nắm vững kiến thức về chăn nuôi và nuôi theo quy trình khép kín nên đàn thỏ của chị Tú phát triển rất nhanh. Từ hiệu quả mô hình của chị Tú, thời gian qua Hội Nông dân xã đã tổ chức cho nhiều nông dân tại địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Thành công từ mô hình nuôi thỏ của chị Tú không chỉ mở ra hướng chăn nuôi phù hợp cho người dân tại địa phương với nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới ở An Sơn”, bà Tống Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn, nói.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên