Hiệu quả từ đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn

Cập nhật: 03-03-2014 | 00:00:00
Cạo mủ cao su, chăm sóc cây kiểng… là những ngành nghề đào tạo phù hợp với lao động nông thôn (LĐNT) ở Bình Dương. Đó là ý kiến đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền tại buổi làm việc với Bình Dương về tình hình lao động (LĐ), người có công và xã hội mới đây.  

  LĐNT đến tham dự phỏng vấn tại sàn việc làm tổ chức tại Tân Uyên

 Trong giai đoạn hiện nay, đào tạo nghề cho LĐNT và bộ đội xuất ngũ là rất cần thiết, giúp LĐNT và bộ đội xuất ngũ có tay nghề, có việc làm ổn định và tăng thu nhập, nhằm nâng cao đời sống, tạo sự đột phá trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm. Chính vì thế, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã mở ra cơ hội cho người lao động (NLĐ) được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề. Và đến nay, đề án đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức của LĐNT về việc học nghề; tạo điều kiện cho NLĐ vùng nông thôn có nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm.

Sau khi khảo sát tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho thấy công tác dạy nghề LĐNT đã được triển khai, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế mà xã hội cần. Cụ thể là những năm qua, trung tâm luôn phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể và các trung tâm dạy nghề các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên mở các lớp dạy nghề cho LĐNT. Các ngành nghề đào tạo đã bám sát với chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường LĐ và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2013, Bình Dương đã mở 50 lớp dạy nghề LĐNT với 1.462 học viên tham dự, đạt 103,3% kế hoạch, trong đó có 21 lớp nhóm nghề nông nghiệp với 655 học viên, 29 lớp nhóm nghề phi nông nghiệp với 927 học viên.

Nhờ triển khai thực hiện khá tốt, nên năm 2013, trung tâm đã đào tạo 2.222 học viên, tập trung chủ yếu vào các nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, trồng nấm, chăm sóc sinh vật cảnh, chăn nuôi thú y, nấu ăn đãi tiệc, sửa chữa máy vi tính. Thông qua các lớp học nghề, người học được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, thoát nghèo cho chính bản thân, gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Sau khi tốt nghiệp các khóa học, NLĐ còn được các doanh nghiệp may mặc, công ty cao su, các hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh nhận vào làm việc với mức lương ổn định và cao hơn trước. “Sau khóa học, đa số LĐ tự tạo việc làm ổn định cho bản thân và một số LĐ khác đăng ký học thêm để nâng cao tay nghề. Đây là điều rất mừng cho LĐNT tự ý thức và lựa chọn công việc phù hợp để tìm việc làm cho tương lai”, anh Phạm Văn Hảo, LĐNT ở huyện Phú Giáo tâm sự.

“Tân Uyên là một trong những địa phương có nguồn LĐ dồi dào, đây là lợi thế để đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở địa phương. Nhận thức của các ngành ở địa phương và NLĐ ở Tân Uyên về công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã và đang có những chuyển biến khá tốt. NLĐ luôn xác định được rằng cần phải học nghề để có nghề và việc làm ổn định, góp phần nâng cao đời sống, cùng huyện thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo và tạo việc làm”, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Tân Uyên Phạm Minh Sang cho biết thêm trường tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế, tổ chức tư vấn và tuyên truyền học nghề đến LĐNT; mở lớp đào tạo nghề ở các xã điểm, chọn những ngành nghề phù hợp ở địa phương để đào tạo ngày càng nhiều NLĐ, để NLĐ tự làm chủ được cuộc sống của mình thông qua các ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương mình.

 

 HỎI - ĐÁP VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC NGHỀ

 Hỏi: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có được hỗ trợ học nghề không và mức hỗ trợ học nghề là bao nhiêu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội?

Đáp: Theo Điều 83 của Luật Bảo hiểm xã hội, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề.

Hỏi: Những nơi thu nhận người tàn tật vào học nghề được hưởng chính sách ưu đãi, khuyến khích gì của Nhà nước?

Đáp: Bộ luật Lao động quy định: Những nơi đã thu nhận người tàn tật vào học nghề được xét giảm thuế, được vay vốn với lãi suất thấp và được hưởng các ưu đãi khác để tạo điều kiện cho người tàn tật học nghề.

Hỏi: Trình tự xét tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định như thế nào?

Đáp: Trình tự xét tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định trong Điều 177 Bộ luật Lao động như sau: Chủ tọa Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công trình bày quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc đình công; Đại diện của hai bên tranh chấp trình bày ý kiến của mình; Chủ tọa Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công có thể yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức tham gia phiên họp trình bày ý kiến; Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công thảo luận và quyết định theo đa số.

P.V

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=263
Quay lên trên