Mô hình bán trái cây cho du khách đến thăm vườn của bà Nguyễn Thị Nhành (nhiều người ở trong ấp vẫn quen gọi là nhà vườn dì Tám Nhành) ở ấp Phú Thứ, xã Phú An, TX.Bến Cát là mô hình hay, không chỉ góp phần làm sống lại nét văn hóa miệt vườn của Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình bán trái cây tại vườn cho du khách đã góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho gia đình dì Tám Nhành Ảnh: P.AN
Hiệu quả kinh tế
Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, đi qua những con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp chúng tôi đã đến nhà vườn của dì Tám Nhành. Đây được xem là nhà vườn đầu tiên tại xã Phú An làm mô hình bán trái cây tại vườn cho du khách mang lại hiệu quả kinh tế và có nét văn hóa miệt vườn địa phương.
Theo lời kể của dì Tám Nhành, cách đây hơn 20 năm, chồng mất để lại cho dì một mình nuôi 3 con thơ, dì đã quyết định rời miền quê sông nước Tiền Giang để khăn gói đến vùng đất Phú An mua đất lập vườn làm ăn, sinh sống. Những ngày đầu mới đến, cuộc sống của mẹ con dì vô cùng khó khăn. Để có tiền mua giống cây trồng, dì đã phải đi cắt lúa mướn, nhổ cỏ thuê, hễ có việc gì ai mướn dì nhận làm ngay.
Hồi đó, dì chọn cây nhãn để trồng. Sau thời gian dài đầu tư phát triển, vườn nhãn chẳng những không đem lại nguồn thu cho gia đình mà còn khiến dì một phen lao đao. Trên diện tích gần 4.000m2 nhãn, năm thì cây nhãn bị sâu đục thân không có trái, năm được mùa thì giá lại quá rẻ khiến dì thất thu…
Nhận thấy trồng nhãn không có hiệu quả, dì Tám Nhành đã chuyển đổi sang trồng chôm chôm, dâu, mít, xoài. “Những mùa đầu thu hoạch thương lái đến mua nhưng giá rẻ mạt, bán cả vườn cũng chỉ được 5 triệu đồng, nên cuộc sống vẫn còn khá chật vật. Trong một lần, nhiều công nhân làm ở gần đó đến hỏi mua trái cây, tôi đã để cho họ tự vào vườn hái trái ăn rồi thu tiền vé vào trên đầu người; nếu ai muốn đưa trái cây về thì tôi tính theo kg. Sau lần bán đó, tôi thấy có lãi hơn, lại vừa không phải mất công hái trái mang ra chợ, vừa không bị thương lái ép giá”, dì Tám Nhành chia sẻ.
Hiện nay, khách đến vườn cây dì chỉ việc đếm đầu người thu tiền, sau đó khách vào vườn tự hái trái cây với giá chỉ 10.000 đồng/kg đối với dâu và xoài, 15.000 đồng/kg đối với chôm chôm. Dì Tám Nhành cho biết thêm, 4 năm trở lại đây, bình quân mỗi vụ dì thu về khoảng 20 triệu đồng từ hình thức bán trái cây tại vườn cho khách đến tham quan. Mỗi năm vườn trái cây của dì cho 2 vụ. Những ngày cuối tuần, nếu đúng mùa, bình quân mỗi ngày dì thu được 1 triệu đồng; riêng ngày lễ 30-4 và 1-5, bình quân mỗi ngày dì thu về được 5 triệu đồng. Nhờ vậy dì có tiền dành dụm lo cho con cái, cho mình lúc về già và có vốn đầu tư cho vườn cây mùa sau.
Đánh thức tiềm năng
Bên cạnh việc bán trái cây tạo thu nhập cho gia đình, mô hình bán trái cây cho du khách đến tham quan vườn của dì Tám Nhành còn góp phần tạo thêm địa chỉ vui chơi lành mạnh cho các bạn trẻ vào những dịp lễ, tết và ngày nghỉ cuối tuần. Trò chuyện với chúng tôi, dì Tám Nhành cho biết: “Vào những ngày cuối tuần, đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ, mấy em xuống đây chơi, đông vui lắm; công nhân, du khách từ TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước… đến ngày một nhiều. Đặc biệt là các bạn trẻ, dù trời mưa hay nắng cũng vào vườn vui chơi thỏa thích”.
Anh Nguyễn Hà Quang đến từ huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết: “Tôi thường xuyên đến thăm vườn dì Tám Nhành. Hình thức bán trái cây tại vườn cho du khách của dì Tám không chỉ tạo sân chơi cho giới trẻ mà còn giúp xua đi những mệt mỏi sau những ngày lao động mệt nhọc”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, đến đây, khách còn được “phục vụ” mì gói, trà đá miễn phí… nếu có nhu cầu. Chính sự nhiệt tình, thân thiện và dễ gần của dì nhiều du khách đã thường xuyên đến đây.
Có thể nói, mô hình bán trái cây tại vườn cho khách đến tham quan của dì Tám Nhành đã mang lại hiệu quả, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc đầu tư phát triển vườn cây ăn trái Lái Thiêu thì mô hình bán trái cây tại vườn cho khách đến tham quan cũng rất cần được sự quan tâm đầu tư phát triển bài bản của các cấp các ngành.
PHƯƠNG AN