Hiệu quả từ sản xuất công nghiệp phụ trợ

Cập nhật: 14-07-2014 | 00:00:00

 Thời gian gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất công nghiệp tại Bình Dương đang có xu hướng tăng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đây là điều đáng phấn khởi vì công nghiệp phụ trợ tác động mạnh để các ngành sản xuất khác phát triển và gia tăng khả năng cạnh tranh, giảm nhập siêu và góp phần kéo theo thu hút đầu tư nhiều lĩnh vực sản xuất khác…

Thêm nhiều dự án

Tại Khu công nghiệp Việt Hương 2 (TX.Bến Cát), Công ty TNHH Zhu Rui Việt Nam (vốn Hồng Kông) vừa đầu tư 10 triệu USD để sản xuất khuôn mẫu, đế giày. Ông Xie Zu Hong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Zhu Rui Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất và xuất khẩu giày da tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung rất mạnh, qua nghiên cứu công ty cho rằng đây là lĩnh vực tiềm năng và quyết định đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ này. Tại Khu công nghiệp Rạch Bắp, Công ty Cổ phần S.I Casting Việt Nam, vốn đầu tư Hàn Quốc cũng vừa đầu tư gần 2,5 triệu USD để sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ…  

Đi vào hoạt động tháng 6-2013, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đã góp phần giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Ảnh: T.BÌNH

Theo số liệu từ UBND tỉnh, trong nguồn vốn FDI hơn 1 tỷ USD đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, nhiều dự án đầu tư và tăng vốn mở rộng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ có vốn khá lớn như Công ty TNHH Tanaka Ai Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư 20 triệu USD sản xuất phụ liệu cho ngành mỹ phẩm; Công ty TNHH Lausdeo Việt Nam (Đài Loan) đầu tư 18 triệu USD sản xuất linh kiện cho pin Lithium; Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics (Nhật Bản) tăng vốn thêm 210 triệu USD để tăng năng lực sản xuất camera Module dùng cho điện thoại di động, sản xuất các loại bo mạch điện tử dùng cho thiết bị mạng thế hệ sau…

Đáng chú ý, năm 2014 Công ty TNHH KyungBang Việt Nam tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm hơn 54,2 triệu USD để tăng năng lực sản xuất sợi cotton chất lượng cao phục vụ nhu cầu cho các công ty dệt may tại Việt Nam. Trước đó, tháng 6-2013, công ty thuộc Tập đoàn KyungBang đã đầu tư và đưa nhà máy sản xuất giai đoạn một 40 triệu USD tại Khu công nghiệp Bàu Bàng với máy móc thiết bị hiện đại nhập khẩu từ hãng Rieter (Thụy Sĩ) và Schlafhorst (Đức) để sản xuất sợi cotton kỹ thuật cao với quy mô 25.920 cọc sợi. Nói về quyết định đầu tư vào Bình Dương, ông Lee Kap Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam cho biết, lĩnh vực này rất tiềm năng; bên cạnh đó với môi trường thuận lợi, công ty đã chọn Bình Dương để triển khai đầu tư.

Tác động tích cực

Hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dễ nhận thấy. Công ty TNHH DJV (Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ như màn hình tinh thể lỏng LED, phụ tùng ô tô cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới, tuy số lượng công nhân không nhiều, chỉ khoảng gần 70 công nhân kỹ thuật nhưng hàng năm công ty xuất khẩu hơn 12 triệu USD. Trong khi đó, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam mới đi vào hoạt động từ tháng tháng 6-2013 nhưng hàng năm công ty cung cấp 6.600 tấn sợi cotton chất lượng cao cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu với giá trị hàng trăm tỷ đồng, góp phần giảm nhập siêu và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trên thị trường.

Hiện nay, với sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI vào công nghiệp phụ trợ, nhìn chung các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, với ngành giày da, trước đây việc sản xuất đế giày cũng như nơ, ren, cườm móc đều phải nhập khẩu thì hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ tại tỉnh đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu. Với ngành dệt may, trước đây nguyên liệu vải phải nhập khẩu mạnh thì hiện nay các doanh nghiệp dệt trong nước đã đủ năng lực cung cấp, kể cả các loại nguyên liệu chất lượng cao. Còn ngành gỗ, những ốc, vít, bản lề, sơn… đều được sản xuất trong nước. Riêng ngành điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô…, sự đầu tư mạnh từ các tập đoàn kỹ thuật cao của Nhật Bản, Hàn Quốc… gần đây đã nâng cao giá trị và cải thiện tỷ trọng trong xuất khẩu của Bình Dương…

Một ghi nhận nữa là sự phát triển nhanh của công nghiệp phụ trợ đã phát huy hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nhất là góp phần giảm nhập siêu và gia tăng giá trị hàng hóa cũng như khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Minh chứng cho điều này là con số xuất siêu của tỉnh tăng trưởng ổn định liên tục trong thời gian qua. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, xuất siêu của Bình Dương đã đạt gần 1,3 tỷ USD. Bên cạnh yếu tố này, chỉ ra sự tác động mạnh mẽ và tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Hùng Dũng còn cho rằng, công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh sẽ góp phần kéo theo việc thu hút đầu tư thêm nhiều dự án mới.

Thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương hiện nay là rất lớn, bởi tỉnh đã quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh hạ tầng các khu công nghiệp đã và đang tạo thuận lợi lớn cho nhà đầu tư, hiện nay tỉnh đã quy hoạch hơn 300 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng với đầy đủ hạ tầng chuẩn bị sẵn, doanh nghiệp vào là triển khai ngay.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết, tới đây tỉnh sẽ thực hiện công bố quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu gắn với phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc này sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư, đồng thời sẽ tác động tích cực để sản xuất công nghiệp phát triển căn cơ và bền vững. 

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên