Họ... hết lòng vì bệnh nhân!

Cập nhật: 24-02-2012 | 00:00:00
Hai trong số họ là những cán bộ, là những bác sĩ, điều dưỡng hết lòng vì bệnh nhân. Không kể giờ giấc, họ luôn miệt mài chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, quên cả bữa ăn cho chính mình. Họ xứng đáng với những phần thưởng mà cấp trên trao tặng.

 Chị Huỳnh Thị Linh Chiêu: Người tận tâm với nghề

Khá giản dị, chân thành là cảm nhận của tôi khi lần đầu tiếp xúc với chị. Là một trong những cán bộ điều hành gần 630 điều dưỡng viên, hộ sinh nhưng chị chỉ đơn giản nhận mình là “người tận tâm với nghề”... Chị là Huỳnh Thị Linh Chiêu, Trưởng khoa Điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Tự lực từ việc học tập đến công tác và chị dần dần “thu lượm” những kết quả nho nhỏ cho mình. Đó là những sáng kiến trong công việc như: Sử dụng Ventury trong điều chỉnh SpO2 của bệnh nhân cai máy thở (năm 2006); gắn thêm song chắn 2 bên giường bệnh để tránh té ngã cho người bệnh (2007); tận dụng thùng nhựa cứng chứa dịch lọc thận nhân tạo sau khi sử dụng để chứa vật sắc nhọn (2008); đánh giá việc tuân thủ rửa tay thường quy của nhân viên hệ nội Bệnh viện Đa khoa tỉnh (2009); khảo sát mũi tiêm an toàn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (2010), giá trị của việc xây dựng các biện pháp tăng cường quản lý học sinh thực tập tại bệnh viện(2011)... Công sức của chị được ghi nhận qua hàng loạt giấy khen của đơn vị, công đoàn ngành, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và sắp tới đây là vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cái tâm của chị còn thể hiện ở sự nhiệt tình với người bệnh, những người bệnh nặng được chị và đồng nghiệp cùng nhau lau tắm tại giường thường nhất là khoa chăm sóc tích cực. Rất nhiều trường hợp quá nghèo không có xe đưa về nhà và chị đã đề nghị cấp trên điều xe hoặc cùng các anh chị điều dưỡng trưởng khoa trong bệnh viện quyên góp tiền thuê xe đưa người bệnh về nhà. Ngoài công việc điều hành ở phòng, chị Linh Chiêu còn quản lý bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Bếp ăn này được thành lập từ năm 2005. Chị nhận quản lý từ năm 2008. Hàng tháng, trên 15 triệu đồng chi phí cộng thêm sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có lòng từ thiện đến với những người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh quá khó khăn.

Không nói nhiều về mình mà chị lại nói về những người hảo tâm đã sát cánh cùng chị lo cho người bệnh nghèo. Đó là những người như ông Huỳnh Văn Tám, Trà Thanh Dũng... mỗi tháng đều đặn chở đến bệnh viện 100 - 300kg gạo cho bếp ăn từ thiện. Đó là những tổ chức tôn giáo, những nhóm tình nguyện viên hàng tuần vẫn âm thầm, lặng lẽ nấu những suất cơm nhân ái, những nồi súp tình thương... Họ cùng chị chăm lo bữa ăn cho người nghèo. Hàng năm, chị còn mở những đợt tập huấn và đào tạo lại cho nhân viên, truyền đạt kinh nghiệm trong thực hiện chuyên môn chăm sóc người bệnh...

Hiện vẫn sống độc thân nên chị dành hầu hết thời gian cho công việc. Có lẽ thế chị có điều kiện hơn để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình. Điều chị mong mỏi chỉ là anh chị em đồng nghiệp hiểu nhau, nhận thấy trách nhiệm để cùng nhau cảm thông trong nhiệm vụ chuyên môn. Bởi theo chị: “Với tinh thần trách nhiệm, với cái tâm nghề nghiệp và với tình thương yêu người bệnh, người điều dưỡng sẽ góp thêm chút tình thương, chút sức mạnh đưa người bệnh sớm trở về với cuộc sống bình dị mà đáng yêu vô cùng này”...

 Chị Nguyễn Thị Bích Hồng: Đam mê sẽ giúp mình vượt qua thử thách

Hơn 11 năm gắn bó với nghề y, chị Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó khoa Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh đeo đuổi nghề y, đây cũng là ước mơ không thực hiện được của mẹ chị...

Mỗi ngày công việc của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng nhưng không có giờ kết thúc của buổi chiều. Chị tâm sự, nhiều hôm không có thời gian để ăn trưa. Một phần, do điều kiện bệnh viện không có chỗ ăn trưa cho nhân viên, mỗi lần ăn phải đi xa mà không có người trực thay. Công việc quá vất vả, nhưng có nhiều động lực để làm. Chị nói: “Làm bất cứ việc gì mình cũng phải có niềm đam mê”. Niềm đam mê sẽ giúp mình vượt qua thử thách. Phần thưởng đến với chị gồm: bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, bằng khen UBND tỉnh về phong trào nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giấy khen Sở Y tế, danh hiệu Thanh niên sống đẹp tỉnh Bình Dương... Nhưng với chị, phần thưởng lớn nhất là đưa bệnh nhân vượt qua ranh giới mong manh của tử thần trở về với cuộc sống. 

Bác sĩ Hồng đang thăm khám cho bệnh nhân

Bên cạnh công tác chuyên môn, chị còn tham gia nhiều hoạt động khác. Đó là khám bệnh theo chương trình, hoạt động công đoàn... nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật cũng là đam mê của chị. Hiện tại, nhiều cải tiến kỹ thuật khoa học của chị đang được ứng dụng: Cây dẫn thay ống nội khí quản, dụng cụ cố định ống nội khí quản, dây cố định bệnh nhân trên bàn mổ... và một số đề tài đã báo cáo tại hội nghị khoa học kỹ thuật: Gây tê tủy sống với Bupivacaine liều thấp phối hợp Fentanyl trong phẫu thuật chi dưới; Gây mê hồi sức trong phẫu thuật cắt thận nội soi có bơm thán khí trong và sau phúc mạc; Nghiên cứu tình trạng hạ Natri máu trên bệnh nhân sau mổ chấn thương sọ não.

Những người hết lòng với nghề y cũng cần xã hội hiểu và nhìn nhận đúng. Có thể có một số trường hợp thiếu y đức nhưng đó chỉ là con số nhỏ, đừng vì thế mà nhìn phiến diện về nghề y. Bác sĩ trẻ vẫn có nhiệt huyết và có tâm trong nghề. Vì thế cần tạo cơ hội cho họ được cống hiến với nghề nhiều hơn - chị Hồng chia sẻ.

QUỲNH NHƯ - MAI HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên