Họ Phạm An Tây giàu lòng yêu nước

Cập nhật: 13-01-2014 | 00:00:00
Bài 1: Cội nguồn yêu nước tạo căn cứ lòng dân

 Năm 1837 (Minh Mạng thập thất niên) gia đình họ Phạm đầu tiên đến làng An Thành sinh cơ lập nghiệp. Từ một gia đình ban đầu, dần dà “sinh cành đẻ nhánh” thành một dòng họ lớn, xây đắp một phả hệ Phạm gia giàu lòng yêu nước, theo Đảng làm cách mạng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi giai cấp để chiến đấu theo con đường cách mạng đầy gian khổ, khó khăn.

 Tộc trưởng (người đứng thứ 2 từ trái sang) và các bậc trưởng lão họ Phạm An Tây

 Khởi nguồn dòng họ Phạm

Năm ấy, vợ chồng ông Phạm Văn Tỏ không còn nhớ quê quán, chỉ biết rằng ông bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia phong mẫu mực, không chịu nổi cảnh quan quân huyện xã áp bức, sưu cao thuế nặng, đất quê lại khô cằn nên bỏ làng ra đi với ước mong thoát cảnh cùng cực, có cuộc sống an lành hơn. Để thực hiện tâm nguyện ấy, ông bà đã vào Nam. Khi đến An Thành, thuộc huyện Bình An, thấy đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi ông bà Phạm Văn Tỏ quyết định trụ lại nơi đây. Lúc ấy, An Thành còn là một vùng đất mới bắt đầu khai phá, rừng còn rậm, bưng biền còn mịt mù cây cối, dây leo chằng chịt, rắn rết, thú dữ còn hoành hành, người dân còn thưa thớt lắm.

Từ hai bàn tay trắng, ông bà Phạm Văn Tỏ đã cật lực khai phá rừng hoang làm rẫy trồng hoa màu và trồng cây ăn trái; khai phá bưng biền làm ruộng cấy lúa, xây dựng nhà cửa và dần sinh con đẻ cái. Ông bà sinh được tổng cộng 11 người con nhưng chỉ nuôi lớn được 10 người, một người chết từ khi còn nhỏ. Do cuộc sống vất vả nên con cái trong nhà đều theo cha mẹ làm ruộng, làm rẫy để có cái ăn. Con cái dần lớn khôn, sức lao động ngày một nhiều, lại cần cù nên ruộng đất được khai phá trồng tỉa ngày càng nhiều, cuộc sống vật chất của gia đình ông bà Phạm Văn Tỏ ngày càng khá giả, vượt cả mong muốn lúc xa quê.

Con cái lớn lên được dựng vợ gả chồng, theo truyền thống gia đình, các gia đình nhỏ sau khi tách hộ đều sống theo chuẩn mực “dĩ nông vi bản”, tiếp tục khai phá đất đai, bưng biền, lập vườn, làm ruộng, nên diện tích canh tác ngày càng tăng thêm. Trong 10 người con ông bà Phạm Văn Tỏ có 4 người sau khi được dựng vợ, gả chồng đã chuyển đến nơi khác  lập nghiệp, 6 người tiếp tục ở lại An Thành là ông Ba, ông Năm, ông Tám, bà Mười, ông Một và ông Út. Cả 6 ông bà đều giàu có nên lớp con, cháu được học hành tử tế, đặt nền móng cho dòng họ Phạm An Tây. Lúc bấy giờ, dòng họ Phạm ở An Tây tuy chưa lớn nhưng các chi họ đã được định hình và bắt đầu phát triển.

Sớm nhận thấy thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân là để dễ cai trị, dòng họ Phạm đã công khai chống chính sách ngu dân của thực dân Pháp, mở rộng phong trào truyền bá Quốc ngữ. Các ông Phạm Văn Tiệm, Phạm Văn Tặng, Phạm Văn Tiều, Phạm Văn Thìn là những thầy giáo sớm giác ngộ cách mạng, theo Đảng mở trường dạy học ở địa phương. Thời gian sau, thầy Phạm Văn Tặng thôi dạy học, chuyển sang lập hội đá banh và nắm các hoạt động công khai hợp pháp các lò võ. Hoạt động bí mật của các hội là tuyên truyền giác ngộ cách mạng, tập hợp sức mạnh chống Pháp bắt lính. Các lớp học, hội quần chúng công khai, lò võ… là những “cái nôi” giáo dục lòng yêu nước, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ An Tây, Tây Nam.

Ngay sau khi giặc Pháp đặt chân đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, nhìn thấy tài nguyên sản vật phong phú, chúng liền thành lập và ổn định bộ máy cai trị đến tận xóm ấp, tận dụng công sức dân lành để tiến hành khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, sản vật của đất nước. Ở Tổng Bình Thạnh Thượng, trong đó có xã An Thành (An Tây hiện nay) rừng còn dày nên chúng liền tiến hành khai thác các loại gỗ quý: Sao xanh, sao vàng, sao chân tôm, sao đá, gõ đỏ, huỳnh đàn, giáng hương.

Sau khi khai thác hết các loại gỗ quý, chúng bắt đầu khai thác gỗ dầu, trong đó có nhiều cây sống đến cả trăm năm, lớn đến bốn vây ôm không hết. Chúng cấm không cho dân dùng gỗ quý, bắt được người dân sử dụng gỗ quý là phạt, tất cả phải để dành cho chúng đưa về chính quốc! Rừng còn có những sản phẩm phụ như song, mây, dầu trong, chai cục… chúng vơ vét tất cả, chuyên chở bằng đường bộ, đường xe bò. Riêng gỗ chúng đóng thành bè thả theo đường sông Sài Gòn ra biển đưa về Pháp. Chúng triệt để thực hiện chính sách ngu dân, cả làng An Thành không có lấy một lớp vỡ lòng, muốn con đi học phải đưa về tận tỉnh, nhưng mấy ai có tiền để cho con đi học! Cũng như người dân trong vùng, con cháu dòng họ Phạm không cam chịu ngồi yên để nhìn cảnh giặc Pháp áp bức bóc lột người dân.

Từ căm thù, biến thành ý chí

Tất cả những cảnh tượng xâm lược, cướp bóc tài nguyên đất nước diễn ra trước mắt nhân dân An Thành, làm sao không xót, làm sao không căm hận kẻ cướp! Bọn chúng chính là kẻ thù cần phải triệt hạ. Đời thứ ba trong phả hệ Phạm gia còn là lớp người chứng kiến sự thay đổi đạo đức của xã hội vong quốc, nên từ căm thù đã biến thành nhận thức, thành ý chí, thành tình yêu đất nước. Nỗi đau, cộng với tình yêu thương đồng loại đã hóa thành lòng dũng cảm, hành động theo chí hướng cách mạng, thành quyết tâm đánh đuổi, tiêu diệt kẻ thù. Căm thù thực dân Pháp, không ưa kẻ xu nịnh bù nhìn, con cháu dòng họ Phạm An Tây đã lắng nghe động tĩnh của đất nước. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, cán bộ Đảng về tận An Thành để triển khai các hoạt động cách mạng.   Ngôi mộ tổ tạo lập họ tộc Phạm gia ở An Tây hiện vẫn còn khá vững chãi sau bao biến cố thời gian 

Từ mục tiêu, quan điểm tư tưởng cách mạng của Bác Hồ, của Đảng với những phương pháp tài tình của cán bộ tuyên truyền, cán bộ công tác quần chúng của Đảng lúc bấy giờ, phong trào cách mạng chống Pháp đã được nhen nhóm trong lòng nhân dân An Thành và con cháu dòng họ Phạm. Nhiều gia đình họ Phạm đã nuôi giấu cán bộ của Đảng hoạt động ở vùng Phú An, An Tây, An Điền, Thanh Tuyền. Đó cũng chính là quá trình cán bộ đi sâu bồi dưỡng, giáo dục cho bà con trong thôn xóm và con cháu gia tộc họ Phạm. Nhờ nguồn ánh sáng cách mạng lan tỏa, lý tưởng cách mạng dẫn đường nên dân các làng An Tây, Phú An, An Điền đã hành động theo cách mạng.

Năm 1940, cuộc khởi nghĩa tại Nam kỳ bị lộ, địch tiến hành đàn áp dã man. Nhờ có sự chuẩn bị trước cơ sở cách mạng tại An Tây nên nơi đây trở thành nơi tạm lánh của cán bộ, đảng viên thoát các cuộc khủng bố của địch. Bà con An Tây tận tình nuôi giấu cán bộ cách mạng và việc làm này đã trở thành phong trào yêu nước lan tỏa rộng trong quần chúng nhân dân An Tây lúc bấy giờ.

Những cán bộ được nuôi giấu ở An Tây sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ kháng chiến đến hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, những cán bộ được nuôi giấu tại An Tây cũng đã để lại sinh khí cách mạng trong vùng, tạo căn cứ lòng dân vững chắc, để rồi phát triển vào lòng đất thành địa đạo, nối dài trận tuyến chiến thắng vũ khí hiện đại của địch. Lòng đất, lòng dân đã giữ vững An Tây suốt cả hai thời kỳ chiến đấu chống Pháp, rồi chống Mỹ và đã trở thành địa danh anh hùng của đất nước.

Lòng yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng đã dìu dắt người dân An Tây nói chung và con cháu dòng họ Phạm nói riêng vượt qua những thử thách, bền chí trung kiên cho đến ngày đất nước hoàn toàn thắng lợi.

 Bài 2: Vượt qua hy sinh và thử thách

 NGUYỄN HUỲNH (CBHT)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên