Hỗ trợ đầu ra cho nông sản: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Cập nhật: 11-03-2010 | 00:00:00

Người nông dân rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía trong việc tiêu thụ nông sản làm raĐầu ra nông sản ổn định là mong muốn của tất cả nông dân. Mong muốn là vậy nhưng muốn có đầu ra ổn định cho nông sản, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực từ nhiều phía.

Đầu ra nông sản quyết định sự phát triển nông nghiệp

Đầu ra luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển sản xuất nông nghiệp. Đầu ra ổn định sẽ làm cho người nông dân yên tâm sản xuất và qua đó cũng thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, đầu ra cho nông sản tỉnh nhà vẫn chưa bảo đảm và vẫn là mối lo hàng đầu của người nông dân. Một ví dụ điển hình trong việc này là tình trạng được mùa mất giá, giá cả bấp bênh. Trong thời gian qua, những người nông dân trồng điều, tiêu trên địa bàn tỉnh nhà là người hiểu rõ hơn ai hết quy luật khắc nghiệt này. Khi người nông dân gặp tình trạng này họ cũng đành bó tay vì không biết kêu ai! Vì chủ yếu là họ bán cho các thương lái, không có các hoạt động bao tiêu sản phẩm rõ ràng. Chính vì vậy khi có các biến cố về giá cả xảy ra thì người nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Khi đầu ra được bảo đảm chắc chắn, người nông dân có lời thì việc mở rộng sản xuất sẽ thuận lợi hơn và ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. Trong thời gian qua chúng tôi có dịp tiếp xúc với các hộ dân trồng nấm tại huyện Phú Giáo và được nghe họ trăn trở về đầu ra cho nấm. Có thể nói nấm là một loại nông sản còn khá mới mẻ với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với những nông dân đã tham gia xây dựng các mô hình trồng nấm thì họ hiểu rõ rằng nấm là một loại nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể làm giàu. Biết là vậy nhưng họ không dám mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập, vì nếu mở rộng sản xuất thì không biết tiêu thụ ở đâu. Họ chỉ có thể buôn bán nhỏ lẻ ngoài chợ và điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh khá khốc liệt giữa các hộ trồng nấm. Nếu có các đơn vị đối tác hợp đồng bao tiêu sản phẩm nấm cho hộ gia đình tham gia mô hình này thì chắc chắn người trồng nấm sẽ an tâm để mở rộng sản xuất. Một thực tế đang diễn ra là hiện nay nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đều phải qua tay các lái buôn nhỏ lẻ. Ngay cả mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao như mủ cao su, người nông dân cũng phải bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ. Điều này gây ra nhiều thiệt thòi cho nông dân, họ chưa được hưởng lợi xứng đáng với công sức lao động mà họ đã bỏ ra.

Bên cạnh tình trạng trên chúng ta cũng có thể nhận thấy một số mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc bao tiêu đầu ra cho nông sản như chăn nuôi heo, gà gia công, trồng rau an toàn... Các mô hình này người nông dân được bao tiêu hết sản phẩm và được nhận nhiều sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ các đối tác. Tuy nhiên, các mô hình này cũng chỉ gói gọn ở một vài loại nông sản.

Rất cần sự chung tay từ nhiều phía

Để có thể tạo cho nông sản tỉnh nhà có đầu ra ổn định rất cần có sự tham gia từ nhiều phía, gồm cả 4 nhà là Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Các “nhà” này cần phải có sự hợp tác chặt chẽ nhằm hướng đến một mục đích chung là làm cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và an toàn. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Nguyễn Thanh Thủy, huyện Bến Cát, cho biết: “Những người sản xuất bưởi như chúng tôi cũng như những công ty sản xuất trái cây khác mong muốn các cấp, các ngành cần có sự hỗ trợ để cho các công ty có đủ tư cách pháp nhân để xuất khẩu trực tiếp nông sản vào thị trường thế giới; không cần phải qua công ty trung gian để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp”. Còn ông Nguyễn Văn Khái, một nông dân huyện Bến Cát thì cho rằng: “Nông dân Bình Dương nếu so sánh thì không thua gì nông dân các tỉnh, thành khác. Để nông dân tiếp tục phát triển ổn định thì các cấp, các ngành cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa và sát cánh cùng người nông dân để đưa sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà ra thị trường thế giới. Cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của nông dân tỉnh nhà và chuyển giao nhiều hơn nữa các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để sản phẩm nông nghiệp Bình Dương đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất hợp lý cho nông dân cũng là một yếu tố quan trọng nhằm giúp cho nông dân có sự liên kết chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp với sự tham gia chủ động của nông dân trong tư cách người tham gia quản lý sẽ giảm bớt rất nhiều rủi ro trong sản xuất của người nông dân; tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản của họ.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên