Hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại

Cập nhật: 03-12-2020 | 08:04:13

 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực được gần 4 tháng. Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) hiểu rõ hơn về các nội dung cốt lõi của EVFTA, cơ chế hỗ trợ trong triển khai thực thi, Cục Hải quan Bình Dương (HQBD) vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật, đối thoại hải quan - doanh nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền thực thi hiệp định EVFTA.

 Cục Hải quan Bình Dương tổ chức hội nghị tuyên truyền thực thi Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp trên đàn tỉnh

 Với những lợi ích mà EVFTA mang lại cho các DN trên địa bàn tỉnh, ngay từ khi hiệp định có hiệu lực, Cục HQBD đã chủ động chuẩn bị tài liệu tuyên truyền bao gồm cả tiếng Việt và các thứ tiếng Anh, Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay tất cả các DN của 8 chi cục trên địa bàn tỉnh đều đã được tuyên truyền, phổ biến nội dung chi tiết của EVFTA liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Dự kiến trong tháng 12, Cục HQ tỉnh tiếp tục các hội nghị đối thoại kết hợp tuyên truyền nội dung này đến với các DN châu Âu và Đài Loan trên địa bàn tỉnh. Tại các hội nghị đối thoại, HQBD đã hướng dẫn, làm rõ các nội dung về cam kết của EVFTA, chứng nhận xuất xứ và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, các điều khoản thi hành tại Thông tư số 11/2020/ TT-BCT ngày 15-6-2020 của Bộ Công thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định, đồng thời giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của DN.

Để đọc, hiểu được nội dung và biết cách tận dụng cam kết EVFTA là thách thức rất lớn đối với các DN. Mặt khác, việc hiện thực hóa các cơ hội EVFTA đòi hỏi những hành động cụ thể, thích hợp của các cơ quan Nhà nước và từng DN. Theo Cục HQ tỉnh, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Dự kiến sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Theo đó, quá trình thực hiện EVFTA, các DN sẽ phải đáp ứng một số quy tắc, như: Quy tắc xuất xứ hàng hóa, biện pháp phòng vệ thương mại và quy tắc về rào cản kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Trong đó, vấn đề thỏa mãn quy tắc xuất xứ hàng hóa là một nội dung quan trọng được DN quan tâm. Nếu không bảo đảm được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Đa số các DN còn thắc mắc nhiều nhất những vần đề, như: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp người bán hàng có trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên EVFTA; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng bao gồm nhiều chủng loại hàng hóa có xuất xứ từ nhiều nước thành viên hoặc khai báo xuất xứ trên chứng từ thương mại cho cả hàng hóa không có xuất xứ EU; chứng từ chứng minh hàng hóa không thay đổi xuất xứ; kiểm tra mã số REX; xử lý thuế đối với các lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 1-8-2020 đến trước ngày 18-9- 2020; áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; khai báo chứng từ chứng nhận xuất xứ…

Nắm bắt những vấn đề của DN, Cục HQBD đã có những trao đổi, làm rõ giúp các DN tiếp cận với EVFTA một cách kịp thời, đầy đủ, toàn diện. Trước những băn khoăn của DN về việc làm thế nào để chứng minh hàng hóa này có xuất xứ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục HQ Sóng Thần, cho biết theo quy định, đối với những lô hàng xuất nhập khẩu từ châu Âu có giá trị dưới 6.000 euro trở xuống thì DN tự chứng nhận xuất xứ. Đối với những lô hàng có trị giá cao hơn 6.000 euro thì DN phải đăng ký chứng nhận xuất xứ với cơ quan chuyên môn theo quy định. Về cơ bản, các thủ tục xuất nhập khẩu đáp ứng EVFTA đều được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục HQBD, với hành lang pháp lý thuận lợi cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về EVFTA, nhận thức của DN đã thay đổi rõ rệt. Trước khi có Thông tư 11/2020/TT-BCT, nhiều DN xuất khẩu chỉ dự kiến đề nghị cấp C/O ưu đãi theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Một số DN khác chưa thực sự quan tâm tới EVFTA. Nhưng sau khi được hướng dẫn cụ thể, nhiều DN đã chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa của EVFTA để xây dựng kế hoạch kinh doanh và đầu tư sản xuất. Như vậy, sự tích cực, chủ động của DN là rất rõ. Bản thân các DN nhập khẩu EU cũng rất quan tâm đến việc tận dụng ưu đãi thuế quan của hiệp định để nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Đây là một trong những lý do khiến các lô hàng xuất khẩu đi EU tăng mạnh ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực. “Cục HQBD cam kết tạo điều kiện tối đa cho DN về thủ tục HQ trong hoạt động xuất nhập khẩu để có thể tận dụng triệt để các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời luôn đồng hành, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của DN liên quan đến chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế và thủ tục HQ…”, ông Nguyễn Trường Giang cho biết.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên