Ngày 25-10, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Viện Fridrich Ebert tại Hà Nội (FES) và Liên hiệp CĐ Đức tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác tư vấn pháp luật (TVPL) cho đoàn viên, người lao động.
Trợ giúp pháp lý cho người lao động Theo Tổng LĐLĐVN, hiện nay tổ chức CĐ có 14 trung tâm TVPL, 35 văn phòng TVPL, trên 500 tổ tư vấn; đội ngũ cán bộ làm công tác TVPL công đoàn có 272 người và khoảng 2.650 tư vấn viên... Chỉ tính trong năm 2011 và 10 tháng đầu năm 2012, hoạt động TVPL CĐ đã thực hiện tư vấn 70.866 vụ, việc (tăng trung bình 11.000 vụ, việc/năm) so bình quân 5 năm (2005 - 2010), trong đó tư vấn về pháp luật LĐ, CĐ là 54.908 vụ việc; số vụ tham gia bảo vệ đoàn viên, người LĐ trước tòa là 2.551 vụ...Kết quả 1.381 người LĐ đã được nhận trở lại làm việc..., tổng số tiền bồi thường cho đoàn viên, người lao động đạt trên 20 tỉ đồng.
Trong khi đó hoạt động hỗ trợ pháp lý của CĐ Đức được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp. Theo ông Franz Zach - chuyên gia của Liên hiệp CĐ Đức (DGB), Cty TNHH hỗ trợ pháp lý của DGB là tổ chức chuyên môn lớn nhất ở Đức và Châu Âu về pháp luật LĐ và BHXH. Trong năm 2011 Cty của DGB đã xử lý 129.215 vụ kiện mới, 52% số vụ liên quan đến pháp luật LĐ và 48% liên quan đến Luật BHXH; trong năm 2010 đã đòi được tổng cộng 300 triệu euro cho các đoàn viên. Điều đặc biệt là Cty chỉ trợ giúp pháp lý cho đoàn viên của DGB và nguồn tài chính hoạt động duy nhất được trích một phần từ đoàn phí do đoàn viên đóng góp (1% lương tháng của người LĐ). Ông Franz Zach khẳng định: “Mô hình này đã thúc đẩy người LĐ trở thành đoàn viên của DGB và làm cho DGB ngày càng lớn mạnh”.
Theo Lao Động