Học Bác trồng cây

Cập nhật: 19-05-2015 | 08:06:39

Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây. Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức phát động phong trào Tết trồng cây trong cả nước. Phong trào diễn ra trong vòng 1 tháng từ ngày 6-1 đến 6-2-1960. Từ đó đến nay, Tết trồng cây được nhân dân cả nước hưởng ứng tích cực và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 Liên tục 56 năm kể từ ngày Bác Hồ phát động, Tết trồng cây được nhân dân cả nước hưởng ứng rộng khắp bằng nhiều phong trào trồng cây khác nhau. Ngày miền Nam chưa giải phóng, nhân dân miền Bắc thực hiện các phong trào trồng cây vì miền Nam ruột thịt, trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Sau ngày Bác đi xa, nhân dân cả nước thực hiện các phong trào trồng cây nhớ Bác, trồng cây mừng Sinh nhật Bác, trồng cây đời đời nhớ ơn Bác. Gần đây nhất là các phong trào trồng cây làm theo lời Bác. Tùy vào từng thời điểm khác nhau trong năm mà Tết trồng cây do Bác Hồ phát động được đặt tên sao cho phù hợp. Tuy nhiên, đây đều là những phong trào trồng cây theo lời Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Không chỉ phát động nhân dân trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng ngời về việc ưa thích trồng cây. Sinh thời, những nơi Người từng ở đều lưu lại hình ảnh Người trồng cây, làm vườn. “Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái/ Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn” là những câu thơ thể hiện đức tính quý báu của Người đối với cây xanh. Lợi ích của việc trồng cây là quá rõ. Thử hình dung mặt đất sẽ ra sao khi không có cây xanh? Môi trường sống sẽ ra sao nếu thiếu vắng cây xanh? Đó là chưa tính đến lợi ích vật chất do cây xanh mang lại. Ý thức được tầm quan trọng của cây xanh mà khắp nơi trên đất nước này, từ nông thôn đến thành thị, từ đất liền đến hải đảo, nơi đâu có người là nơi đó có phong trào trồng cây làm theo lời Bác. Từ những phong trào ấy, cây xanh đã mọc lên khắp nơi, che mát trường học, bệnh viện, cơ quan, công sở; phủ xanh đất trống đồi trọc; làm dịu cái nắng nơi đảo xa…

Thực hiện lời dạy của Người, hàng năm nhân dân Bình Dương đều thực hiện Tết trồng cây và các phong trào trồng cây khác nhau. Nhờ những phong trào này mà cây xanh đã phủ kín khắp nơi, không còn những khoảng đất trống “nắng cháy da” như những ngày sau giải phóng. Nhiều vùng đất trống, đồi trọc đã được phủ xanh bằng những rừng cao su xanh tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều vườn cây của các Đoàn, Hội mang tên “Vườn cây nhớ ơn Bác” cũng đã và đang xuất hiện đều khắp tại các địa phương trong tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngày này các địa phương, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh cũng đã và đang phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác.

Có thể khẳng định, lợi ích trồng cây và ý nghĩa của Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Càng thấm thía lời dạy của Người, chúng ta càng ý thức rằng trước những thách thức mới của thiên nhiên, việc trồng cây gây rừng phải trở thành một chiến lược của đất nước. Việc bảo vệ cây, bảo vệ rừng phải trở thành ý thức trong mỗi người dân. Đã đến lúc cần phải tính toán để từng loại cây, từng loại rừng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, thật sự là công cụ xóa đói giảm nghèo. Có như vậy, Tết trồng cây và các phong trào trồng cây do Bác Hồ phát động mới thật sự có ý nghĩa đối với người dân Việt Nam.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên