Học gì ở cà phê doanh nhân?

Cập nhật: 15-11-2010 | 00:00:00

Trong không gian ấm cúng của quán cà phê vào một ngày cuối tuần với vai trò nòng cốt của Hội Liên hiệp Thanh niên TX.TDM, “bàn cà phê” đã được nâng cấp thành “lớp học” về quản trị, điều hành; là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, xây dựng doanh nghiệp (DN) theo hướng bền vững. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương Phạm Hi Phúc, nhà tài trợ chính của chương trình nhấn mạnh: “Ngoài mục đích giao lưu, tập hợp đội ngũ quản lý, doanh nhân trẻ để “vừa chơi vừa học”, đây còn là những phiên họp trù bị để tiến tới thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ thị xã Thủ Dầu Một trong một tương lai không xa”.

Anh là ai?

Đó là chủ đề sinh hoạt được thông báo trước đến các thành viên để chuẩn bị cho “chầu cà phê” cuối tuần do Hội Liên hiệp Thanh niên TX.TDM phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục Bắc Mỹ; Công ty Cổ phần Đầu tư U&I và nhiều doanh nhân, nhà quản lý trẻ đang làm việc tại nhiều loại hình DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nên không cần để “chủ quán” và “người phục vụ” phải giới thiệu nhiều về chủ đề sinh hoạt, mà các thành viên đã rất thẳng thắn bày tỏ: “Là DN tư nhân trước khi quyết định đầu tư, trước tiên chúng tôi không những chỉ có vốn mà còn phải có kinh nghiệm, sự hiểu biết và lòng đam mê về lĩnh vực, ngành nghề mà mình sẽ tham gia. Thời gian đầu mọi công việc làm ăn đều trôi chảy, thuận lợi, nhưng chỉ sau vài năm, khi công việc làm ăn bắt đầu phát triển thì lại phát sinh nhiều vấn đề không đâu vào đâu, mất rất nhiều thời gian để xoay trở, giải quyết. Có người chạy đi xem phong thủy, có người chạy tìm quân sư. Kết quả có khi chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc, DN khỏe mạnh đi lên; cũng có khi phải giã từ cuộc chơi mà không biết vì sao”? Đó là tâm trạng của những “ông chủ đích thực”! Còn với các giám đốc điều hành (CEO) được cấp trên chỉ định, hay nói đúng hơn là được các ông chủ lớn thuê để quản lý điều hành DN đạt hiệu quả như nghị quyết, kế hoạch kinh doanh của hội đồng quản trị thì áp lực công việc còn nặng nề hơn.

 

Một góc sinh hoạt cà phê doanh nhân

Trước khi đi vào tháo gỡ vấn đề, “người phục vụ cà phê” là tiến sĩ Đỗ Văn Khôi, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Bắc Mỹ chia bàn tròn thành nhiều nhóm nhỏ để bắt đầu trò chơi “Vẽ chân dung Giám đốc điều hành - CEO”. Kết quả có hai nhóm hình ảnh rõ rệt: CEO là người đầy quyền lực, được đặt trên nhiều trụ cột vững chắc với sự ngưỡng mộ và thèm khát của tất cả cộng sự bên dưới. Bên cạnh những vinh quang trước mắt thì CEO luôn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro không biết đến từ lúc nào. Bởi vị trí hiện tại của CEO quá hấp dẫn nên ai cũng phấn đấu và muốn được ngồi thử, dù chỉ một lần! Nhóm hình ảnh thứ hai tuy nhẹ nhàng nhưng hàm ý “thực dân”, đó là: “Cuộc hôn phối theo hướng đa thê giữa CEO và các bộ phận trực thuộc: Nhân sự, kinh doanh, kỹ thuật... nhằm tạo ra không khí gia đình để được làm việc, hiểu biết, sẻ chia như những người trong nhà”.

Kết hợp hai bức tranh trên lại cho thấy CEO hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Bởi vì ngoài sức hấp dẫn về quyền lực, thu nhập cùng nhiều cơ hội tiến thân khác, thì ứng cử viên chức danh CEO phải đứng trước sự lựa chọn rất khắt khe, không chỉ về năng lực, đạo đức, kinh nghiệm trận mạc, mà còn phải có mối quan hệ sao cho công việc, kế hoạch kinh doanh đạt hiệu quả như ý. Nên trong thực tế chưa có vị CEO nào làm việc ổn định tại một DN quá 2 tài khóa (4 năm đối với CEO được chỉ định)! Từ chỗ thiếu nên người ta cố gắng tìm kiếm với chỉ một lý do duy nhất là con tàu đi trên biển không thể thiếu người cầm lái, đã dẫn đến thực trạng “CEO hiện nay không chỉ yếu về nghiệp vụ mà còn yếu về tầm nhìn và tính định hướng chiến lược”.  Điều này đã từng xảy ra ở các nước phát triển từ hàng chục đến hàng trăm năm nay. Nên nếu biết cách tiếp cận, cầu thị chúng ta sẽ dễ dàng được chia sẻ kinh nghiệm ngay với chính đối tác, những người bạn hàng của chúng ta.

Phải làm gì...

Đi sâu vào phân tích hình ảnh CEO trong các tranh vẽ và thực tế, không chỉ những người trực tiếp làm công tác kinh doanh, quản lý, điều hành... mà cả các cấp chuyên môn khác đều có chung nhận định có đủ hai mặt của một vấn đề là: CEO là tướng trong một trận đánh; là người quản lý của những người quản lý, nên cái gì cũng biết... Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương Phạm Hi Phúc hứng thú nêu bật: “Tướng giỏi là tướng phải ngồi chơi trong một trận đánh! Để làm được điều này người chỉ huy phải biết phát huy năng lực, phong cách chiến đấu của cấp dưới, những người cộng sự với mình”. Suy nghĩ này đã được các doanh nhân trẻ đồng tình và bổ sung: “Là người đứng đầu DN CEO không thể thiếu “Tâm” để chuyển việc kinh doanh của mình theo hướng bền vững, trong sạch. Vì “chữ Tâm bằng ba chữ Tầm”; “Tầm” để không bị tụt hậu, lỡ cơ hội trong cuộc đua về phía trước và quan trọng hơn là phải “Dũng” để quyết định kịp thời, có trách nhiệm. “Dũng” không thể tự nhiên mà có. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức, kinh nghiệm và năng khiếu bẩm sinh, nên cái “Dũng” ở mỗi người mỗi khác. Thực tế có người đã ngộ nhận giữa cái “Dũng” và sự “làm thay” như: Thấy nhân viên, cộng sự của mình lúng túng trước công việc, thay vì chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ điều kiện giúp bạn vượt qua khó khăn thì lại xắn tay áo nhảy vào làm thay. Kết quả không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho nó thêm trầm trọng ở lần sau. Cái “Dũng” của người lãnh đạo chính là nghĩ ra những chuyện chưa ai nghĩ tới, làm những chuyện nhiều người không dám làm và chịu trách nhiệm trước những ý tưởng, công việc do mình tạo ra, không tìm cách né tránh, đổ tội cho cấp dưới hoặc người không biết! Nên có thể nói CEO là người mà việc gì trong công ty cũng biết nên không biết chuyện gì hết là không sai”.

“Người phục vụ”, tiến sĩ Đỗ Văn Khôi chia sẻ: “Phần lớn những rắc rối mà chúng ta luôn gặp phải là vấn đề công bằng. Thực tế cho thấy ở các DN tư nhân đa phần cán bộ quản lý, người có lương cao, lộc hậu đều không là người thân cũng là bạn bè của ông chủ. Nên chỉ cần một đợt chia thưởng, lương, phụ trội thiếu công khai, minh bạch thì các bộ phận trong công ty lại phải mất thời gian bàn cãi hết 10 ngày trong tháng, thì còn thời gian đâu để làm việc, không rối sao được? Một CEO giỏi là người vừa biết đoàn kết, tập hợp tốt nội lực để phát huy tối đa năng lượng của nó theo công thức 1+1+1...=1 tập thể vững mạnh. Đòi hỏi bức thiết của các CEO hiện nay không chỉ ở khả năng lãnh đạo; tầm nhìn chiến lược; phân tích, dự báo đúng mà còn phải biết “Quản trị rủi ro” tốt. Phải ý thức, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra trong ngắn và dài hạn. Các tiêu chuẩn quản lý ISO, HACCP, GLOBAL... đã phát hiện, loại trừ một phần trong quá trình vận hành công việc. Phần quan trọng còn lại là nghệ thuật quản lý. Phải thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, hội doanh nhân mà chúng ta đang xúc tiến hình thành, đi vào hoạt động trong nay mai...”.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên