Học làm… nông dân!

Cập nhật: 05-03-2021 | 09:09:51

Công việc bận rộn, chương trình học với lịch trình kín mít đã cuốn mọi người vào một guồng quay ngày lại ngày thật tất bật. Thế nên khi được hòa mình vào thiên nhiên bát ngát với vườn cây ăn trái chất lượng cao, với khu nuôi trồng và một không gian cho du lịch trải nghiệm làm nông dân, nhiều người tỏ ra rất thích thú với trải nghiệm này.


Các em học sinh thích thú với “Bài học làm nông”

Học từ thiên nhiên

“Chúng ta đã bỏ quên những bài học nông thôn đơn giản nhất mà ông bà, cha mẹ đã dạy từ nhỏ. Thế nên, chúng ta quên luôn khái niệm cơ bản như thiên địch, hiện tượng sương muối, dấu hiệu sâu bệnh trên cây, quên cách hòa mình vào thiên nhiên và nhận ra những dấu hiệu thay đổi của xuân, hạ, thu, đông. Học lại một chút thôi sẽ thấy nông nghiệp và nông thôn thật thú vị…”. Tôi nghe những lời này từ một kỹ sư nông nghiệp trẻ đang chuyện trò cùng nhóm du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh thăm trang trại vùng chuyên canh các loại cây có múi tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên vào dịp đầu năm mới này. Khỏi phải nói những cậu bé, cô bé thích thú chừng nào khi được ba mẹ “dẫn đi làm nông dân” vào cuối tuần chớ không phải bù đầu vào lớp học thêm nào đó.

Ghé thăm cánh đồng hoa tại Sol Retreat Farm (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm), chúng tôi được các anh chị ở đây đón tiếp rất niềm nở. Anh Trần Văn Thành, kỹ sư nông nghiệp, quản lý trang trại này cho biết anh đã gắn bó với vùng đất này 6 năm. Hiện trang trại hơn 10ha chuyên canh bưởi da xanh, cam, quýt… và có thu hoạch ổn định. Hướng phát triển sắp tới sẽ làm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái để nhiều người cùng nhau “học cách làm nông nghiệp sạch” hơn nữa. Đây còn là điều cần thiết cho việc cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Khung cảnh hữu tình, giao thông thuận lợi với đường nhựa phẳng phiu dẫn tới các trang trại ở Hiếu Liêm, Bắc Tân Uyên cũng là điều khiến nhiều người trong đoàn chúng tôi ngạc nhiên. Điều kiện tự nhiên thích hợp, bên cạnh dòng Sông Bé và sông Đồng Nai thuận lợi trong việc tưới tiêu. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở Bắc Tân Uyên tăng nhanh, tạo thành vùng chuyên canh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Hiếu Liêm có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 4.100ha, chiếm 90,3% diện tích toàn xã. Đây là một lợi thế lớn của Hiếu Liêm để phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Bình Dương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững. Anh Thành cho biết thêm: “Ngoài chăm sóc trang trại của mình, tôi cùng anh em kỹ sư nông nông nghiệp còn nhận chăm sóc vườn cây cho người dân quanh đây. Chúng tôi hướng dẫn cho bà con từ trồng trọt đến thu hoạch sản phẩm nông nghiệp sạch. Việc ứng dụng mô hình VietGAP vào quy trình sản xuất, năng suất cao. Xã Hiếu Liêm hiện có những trang trại đem đến lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Bí thư Huyện ủy Phú Giáo cho biết lãnh đạo huyện đang tiếp tục kết hợp với PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làng thông minh… Theo đó, huyện sẽ ưu tiên phát triển các mô hình mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái, định hướng phát triển làng thông minh trên địa bàn huyện từ thực trạng của du lịch kết hợp nông nghiệp.

Mô hình nông nghiệp chất lượng cao cũng đang được ưu tiên phát triển ở huyện Phú Giáo. Cùng với đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, cán bộ nữ lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể các thời kỳ, chúng tôi đã được đến tham quan, giao lưu tại một số trang trại kiểu mẫu trên địa bàn huyện Phú Giáo. Một trong những nơi gây ấn tượng đặc biệt là trang trại Chiến Thắng (ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo). Trang trại như một ngôi làng thông minh kiểu mẫu, trông thật bình yên. Trang trại Chiến Thắng có diện tích hơn 300ha, đội ngũ nhân công trên 400 người. Hiện nay, trang trại Chiến Thắng đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Chăn nuôi có heo, bò, gà, cá… Trồng trọt có các loại cây ăn trái, cây công nghiệp như cam, chanh, bưởi, tiêu, cùng với hệ thống nhà lưới trồng các loại cây rau củ ngắn ngày khác. Hướng tới của trang trại là kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khi khách có nhu cầu trải nghiệm làm nông nghiệp.

Trẻ tập làm vườn

Hiện nay, để giúp du khách có điều kiện tìm về với thiên nhiên, nhiều chủ trang trại đang có hướng mở dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm làm nông dân ngay tại vườn cây, ao cá. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nên quy mô chưa mở rộng. Tuy nhiên, bạn có thể đi theo nhóm vài hộ gia đình, đi cùng vài người bạn thân để có những ngày nghỉ thật sự thú vị. Học sinh có thể đăng ký các lớp trải nghiệm làm nông theo các chương trình học dã ngoại của trường, lớp hay tổ chức đoàn thể.

Tại Sol Retreat Farm hiện đang có cánh đồng hoa ngay bên sườn đồi rất thơ mộng, cảnh vật xung quanh cũng thật nên thơ cho các bạn trẻ chụp hình. Đang mùa hoa bưởi, hoa cam, cả một vùng hương thơm ngọt ngào cũng đủ níu chân du khách. Nhiều em học sinh được ba mẹ đưa đến đây vừa chơi vừa học làm vườn từ việc nhỏ nhất như hái hoa bưởi, cách nhận biết bưởi chín để thu hoạch, trồng và chăm sóc cây.

Cũng trong những ngày đi tìm hiểu về nông nghiệp chất lượng cao và du lịch trải nghiệm, chúng tôi đã biết thêm một điều thật thú vị về các mục tiêu phát triển bền vững, kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, bảo đảm mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên hợp quốc đang thực hiện ở Việt Nam. Học sinh được tìm hiểu qua nội dung của Dự án sDES được Liên hợp quốc đề xướng về chủ đề “Những điều cơ bản về nỗ lực bền vững”.

Không quá xa như ở Hiếu Liêm, Bắc Tân Uyên hay Phú Giáo, Nông trại Tomochan (Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) cũng đã thử nghiệm một số lớp cho trẻ học làm nông, sống hòa mình với thiên nhiên và tìm hiểu thiên nhiên. Cô Huỳnh Tú Thuyết, chủ trang trại Tomochan cho biết các em học sinh đến đây rất thích thú với các tiết học ngoại khóa này.

Các học sinh đặc biệt mà chúng tôi gặp ở những trang trại sau khi tham quan, học ngoại khóa trở về nhà cũng đã vẽ tranh, gửi thư đến trang trại, bày tỏ cảm xúc về ấn tượng sâu sắc nhất của các em trong buổi trải nghiệm. Đây là hiệu quả đáng ghi nhận của việc giáo dục từ thực tế.

Bà Koga Masako (Nhà nghiên cứu sự phát triển trí não ở trẻ em, chuyên gia Ehon Nhật Bản) tâm sự trẻ con được trải nghiệm, cảm nhận, bày tỏ, từ đó sẽ có sự đồng cảm, khả năng tương tác với thiên nhiên dẫn đến năng lực sáng tạo để chung sống với cộng đồng địa phương, xã hội Việt Nam và châu Á sau khi trưởng thành. Cũng theo bà, trẻ con có thể hiểu được rằng chúng ta hoàn toàn có năng lực tái tạo hệ sinh thái cộng sinh của tự nhiên. Trẻ con và người lớn ngày xưa được học hỏi và cảm nhận thiên nhiên qua 5 giác quan. Tự tay trồng rau, làm vườn là chương trình giúp trẻ em nắm bắt kiến thức thông qua cảm nhận thực tế từ 5 giác quan, giúp trẻ con có nhận thức và phát triển tư duy khoa học. Người lớn, đặc biệt là người thân thiết, tin cậy, những giáo viên mầm non ưu tú sẽ giúp các bé hoàn thành việc này.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên