Học sinh - sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số: Mong được quan tâm từ nhiều phía

Cập nhật: 18-10-2010 | 00:00:00

Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu đãi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong thu tuyển vào các trường. UBND tỉnh cũng chỉ đạo xét miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng và thực hiện chế độ cử tuyển đã tạo điều kiện thuận lợi đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) ĐBDTts để các em an tâm học tập, tự phấn đấu nỗ lực vươn lên. Tuy nhiên, để chất lượng học tập cũng như cuộc sống ngày một cao hơn, các em HS-SV ĐBDTTS mong muốn có nhiều hơn nữa những sân chơi để giao lưu học hỏi và sẽ sớm có việc làm ổn định sau khi ra trường...

HS-SV dân tộc có trình độ đại học ngày càng tăng

Toàn tỉnh hiện có 1.800 hộ ĐBDTTS cư trú tại 83 xã, phường, thị trấn với 16 dân tộc. Do điều kiện kinh tế, đời sống của ĐBDT TS trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện nên số HS-SV ĐBDTTS ngày càng tăng. Kết quả học tập đạt loại khá, giỏi cũng không ngừng được nâng lên. Nếu năm 2001, toàn tỉnh chỉ có 36 SV thì đến năm 2010 tổng số SV đã lên 105 SV. Trong 45 trường hợp được tỉnh xét cử tuyển từ năm 2002 đến nay, có 37 SV đã tốt nghiệp và nhiều em sau khi ra trường được bố trí nơi công tác.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị khen thưởng cho các em SV người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua

Tại buổi họp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh và HS-SV ĐBDTTS vừa qua, các em mong muốn có nhiều hơn nữa những sân chơi trong tỉnh cũng như trong các trường để được giao lưu học hỏi chiếm đại đa số. Em Nguyễn Thị Kim Trang, SV trường Đại học (ĐH) Bình Dương nói: “Chúng em mong các cô chú tạo điều kiện cho chúng em có thêm nhiều cơ hội để giao lưu với nhau hơn”. Em Đặng Thị Ngọc Xuân, SV ĐH Thủ Dầu Một thì ý kiến rằng: SV trường em cũng được tổ chức sinh hoạt nhưng còn rất ít. Ví dụ như tham gia gặp mặt các HS-SV người dân tộc thiểu số ở tỉnh em chỉ mới tham gia lần này là lần đầu tiên. Em muốn có nhiều hơn nữa những chương trình giao lưu với các bạn người dân tộc, không chỉ toàn tỉnh mà cả ở trường em đang theo học.

Bên cạnh những ý kiến về sinh hoạt vui chơi, giải trí... nhiều em rất băn khoăn lo lắng về vấn đề việc làm sau khi ra trường. SV Đặng Thúy Ngân ở Phú Giáo thắc mắc: “Em mong các cô chú định hướng cho em biết là sau khi ra trường em có được hỗ trợ gì để có thể dễ dàng tìm việc làm. Em là SV theo chế độ cử tuyển thì tự đi xin việc hay có sẵn việc làm...”. Em Lại Hồng Quân, SV ĐH Nông Lâm thì hỏi: Không biết hệ tại chức có hỗ trợ gì với SV ĐBDTTS hay không. Về vấn đề vui chơi giải trí cho SV thì trước giờ chỉ chú trọng đến toàn thể SV chứ riêng HS-SV ĐBDTTS thì hầu như không có hoặc có thì rất hạn chế. Mong rằng tỉnh quan tâm hơn nữa đến HS-SV người ĐBDTTS. Em cũng mong muốn được tỉnh tạo điều kiên hơn nữa để chúng em có thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường”...

Nỗ lực để “đầu ra” được bảo đảm

Sau khi nghe những ý kiến đóng góp và tìm hiểu thêm những tâm tư nguyện vọng của các em HS-SV người dân tộc thiểu số về việc sinh hoạt, học tập cũng như việc làm sau khi ra trường, đại diện Đoàn Thanh niên (TN), chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Dưới góc độ Đoàn TN chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ với các bạn về mặt tinh thần. Thực tế cho thấy, hiện nay các hoạt động ở hầu hết các trường chưa dành nhiều cho SV DTTS. Đoàn TN chúng tôi vừa thành lập Ban Thông tin liên lạc SV. Nếu có bất cứ chuyện gì, các bạn hãy liên lạc với Ban Thông tin liên lạc, chúng tôi sẽ kịp thời giải đáp mọi thắc mắc cũng như hỗ trợ cho các bạn. Chúng tôi cũng sẽ ký kết liên tịch với Đoàn TN TP.HCM, nhất là KTX ĐH Quốc gia để tổ chức những sân chơi cho các bạn. Về việc làm, các bạn cứ yên tâm học tập, Đoàn TN luôn luôn có những thông tin về việc làm và sẽ ưu tiên cho các bạn dân tộc. Nhưng trước hết, các bạn phải chủ động cố gắng học tốt hơn thì chắc chắn sẽ tìm được một việc làm tốt sau khi ra trường.  Ông Luân Anh Dũng, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh cũng trả lời các em về vấn đề việc làm sau khi ra trường: Đầu ra là vấn đề mà hầu hết các SV chuẩn bị ra trường quan tâm. Chúng tôi xin nói rõ là tất cả các cơ quan hành chính đều tổ chức thi tuyển đầu vào. Muốn vào làm việc tại đó thì các em phải tự rèn luyện bản thân và xác định phải qua thi tuyển. Còn Ban giám khảo các nơi sẽ có những ưu tiên phần nào với người dân tộc địa phương, Như tôi thấy, hiện nay kinh tế trang trại ở các địa phương đang phát triển mạnh. Qua thực tế 37 SV ra trường chỉ có 2 SV về địa phương làm việc, còn lại các em đều chọn làm ngoài tư nhân. Chứng tỏ công việc ngoài tư nhân vẫn thu hút được các em.

Ông Trương Văn Phương, Phó phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD - ĐT) có ý kiến: Ủy ban dân tộc các cấp và ngành giáo dục chưa có sự phối hợp chặt chẽ để giúp các em SV dân tộc thiểu số. Hàng năm, tỉnh vẫn cử tuyển một số SV không phải người dân tộc thiểu số. Nếu không quản lý chặt chẽ từ đầu vào thì có ưu đãi đến đâu cũng không đầy đủ và kịp thời vì chưa nắm chắc đối tượng. Hiện nay, đối tượng HS-SV người dân tộc thiểu số đang rải rác khắp nơi, nếu tổ chức họp mặt thì hơi khó, thiết nghĩ chúng ta nên lồng ghép cuộc họp mặt SV nói chung để các em gắn kết với nhau hơn, gần nhau hơn và hiểu hơn về chế độ chính sách của Nhà nước.

Lắng nghe tất cả những ý kiến của SV-HS người dân tộc thiểu số cũng như của đại diện các ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã khuyến khích, động viên các em yên tâm học tập: Các em HS-SV dân tộc đã được Nhà nước ưu đãi cho đi học thì các em khi vào trường rồi phải nỗ lực hết mình chắc chắn đầu ra sẽ bảo đảm. Tỉnh Bình Dương chúng ta rất trọng dụng nhân tài, vì thế các em hãy cố gắng để trở thành những nhân tài phục vụ tỉnh nhà.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X