Học sinh xã Tam Lập (Phú Giáo): Gian nan đi tìm chữ

Cập nhật: 20-01-2010 | 00:00:00

Có một nơi, trò phải vượt 5 - 7km, thậm chí trên 10km để đến trường. Lớp học đông nhất là 13 học sinh, ít nhất chỉ 5 - 6 học sinh. Vì không muốn học trò thất học, nhiều thầy cô đã không quản đường sá xa xôi, vượt trên 20km để đến trường. Nơi đó không đâu khác hơn là các điểm lẻ: Gia Biện 1, Gia Biện 2 và Cây Khô của trường tiểu học - trung học cơ sở Tam Lập (Phú Giáo).

Lớp học chỉ có vài học sinh nhưng thầy vẫn bám trường, bám lớp

Gian nan đường đến trường

Đường vào điểm lẻ ở Gia Biện 1, Gia Biện 2 thật gian nan. Đường đất đá lởm chởm, cho dù có chạy chậm xe vẫn dằn xóc đến khó chịu. Địa hình ở đây cũng lạ, cứ lên dốc rồi lại xuống dốc chẳng khác nào cao nguyên. Đi được khoảng chừng 10km tôi thở phào do đường dễ đi hơn, có nơi đang chuẩn bị đổ nhựa, vô sâu hơn một chút đường được láng nhựa thẳng bon. Chạy hoài mà chưa thấy trường đâu cả, chỉ thấy bạt ngàn cao su, thỉnh thoảng mới có một vài căn nhà, đa số là của những chủ trang trại đến đây lập nghiệp. Trường nằm heo hút trong rừng. Đi thêm vài cây số nữa, chúng tôi đến điểm lẻ Gia Biện 2. Vì là điểm lẻ nên chỉ có 2 phòng học. Buổi sáng dành cho học sinh lớp 1, lớp 2, buổi chiều lớp 3, lớp 4.

Ông Trịnh Quang Thêm, cán bộ chuyên môn Phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo cho biết: Trước đây ấp Gia Biện còn hoang vắng lắm. Sau này nhiều người từ nơi khác đến đây lập trang trại, kéo theo đó là lao động từ các tỉnh ở miền Tây đến làm công. Thấy được nhu cầu học tập của con em lao động nhập cư, cách đây 4 năm, Phòng GD-ĐT có chủ trương mở điểm lẻ ở Gia Biện, nhằm giúp cho con em thuận tiện trong học tập. Điểm lẻ Gia Biện 1 nằm trên phần đất của Lâm trường Phú Bình, điểm này được lập cách đây 2 năm. Còn điểm lẻ Gia Biện 2 có được cũng từ tấm lòng rộng mở của ông Phan Công Danh, chủ trang trại cao su, người gốc miền Tây, cũng là một phụ huynh. Khi mới mở điểm lẻ này, do không có đất xây phòng học, đành phải mượn tạm nhà ông mở lớp. Sau đó, vì thấy tụi nhỏ học tập cực khổ quá, ông vui vẻ cắt một phần đất cao su để địa phương xây trường. Kể từ đó, thầy trò ở điểm lẻ này có được chỗ học tươm tất hơn.

Đến các điểm lẻ của trường TH-THCS Tam Lập, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là có nhiều lớp chỉ 5 - 6 học sinh, lớp đông nhất là 13 học sinh. Chúng tôi chợt nghĩ, sĩ số học sinh ít như vậy, hôm nào học sinh cảm thấy... buồn nghỉ chừng 2 - 3 em thì lớp học càng thêm buồn hiu hắt. Tuy lớp học ít nhưng ngày ngày vẫn vang lên tiếng đọc bài ê a của học sinh, phá tan đi sự im lặng giữa bốn bề cao su. Địa bàn xã Tam Lập khá rộng, dân cư thưa thớt, nếu không mở điểm lẻ thì học sinh phải đến học ở điểm chính cách 25km. Trước kia nhiều em đã phải chịu thất học cũng chỉ vì trường quá xa. Với chủ trương đưa trường đến với học sinh, nên dù học sinh có ít huyện vẫn quyết tâm mở điểm lẻ cho các em học tập. Và có lẽ đây là địa phương duy nhất của tỉnh có điểm lẻ cách xa trường chính như vậy.

Học sinh ít, các em cũng ở nhiều độ tuổi khác nhau, như em Hoàng Văn Tâm đã 14 tuổi nhưng mới học lớp 2, nhiều em khác 12 tuổi cũng mới học lớp 1, lớp 2. Đặc biệt điểm lẻ ở Gia Biện 2 có khoảng 40% học sinh là dân tộc Khơme. Ông Đặng Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường TH-THCS Tam Lập cho biết, những học sinh mới vào lớp 1 thậm chí còn chưa biết tiếng Kinh, cũng may có thầy Kim Bá Phong là dân tộc Khơme nên thầy đảm trách lớp 1, đồng thời làm phiên dịch cho các giáo viên khác.

Điểm chung của học sinh ở đây khi đến lớp là mặt còn lem luốc, em thì đầu tóc bù xù, quần áo nhàu nát, có em còn không có áo trắng để mặc. Nhìn cảnh ấy cũng đủ biết các em là con em dân lao động nghèo. Các thầy cô ở đây kể, không ít em học được nửa buổi mặt mày đã tái xanh vì đói, có em mới 5 giờ sáng cha mẹ đã đưa đến trường rồi đi làm, buổi trưa các em phải lội bộ về nhà. Tội nhất là em Lê Thị Hồng Nhung, nhà cách trường 5 - 6km, hôm nào cha mẹ bận việc không đón được, em về đến nhà đã 13 giờ chiều. Đường đến trường của học sinh ở đây tuy gian nan vất vả nhưng đáng quý là các em khá chăm học, cá biệt một vài em tiếp thu chậm, còn đa số học tập tiến bộ, nhiều em viết chữ khá đẹp, tập vở giữ gìn sạch sẽ.

Cao quý những người thầy

Những điểm lẻ Gia Biện 1, Gia Biện 2 nằm heo hút trong rừng cao su, xung quanh vắng lặng, ít người xe qua lại. Vậy nhưng, vì yêu nghề, vì tương lai của những học sinh nghèo, nhiều thầy cô đã tình nguyện về đây dạy học. Nhiều thầy cô vượt 25km đến trường chỉ dạy 5 - 6 học sinh, bao nhiêu đó cũng đủ thấy tâm huyết của người thầy đối với học sinh ở vùng xa. Các giáo viên đã nhẩm tính, mỗi tháng chi phí xăng xe đi lại đã ngốn hết 50% lương. Biết vậy, nhưng nhìn học trò tuy lam lũ nhưng ham học, mọi toan tính đã không có chỗ ngự trị trong tâm tưởng người giáo viên. Chính nhờ những “ông bụt” giữa đời thường ấy mà học sinh ở đây đã không bị thất học.

Thầy Kim Bá Phong là một trong những giáo viên đầu tiên xung phong về giảng dạy ở vùng khó này. Trước đây thầy dạy ở trường tiểu học An Bình. Năm 2006, một lần về huyện công tác, thầy nghe tin Tam Lập mở điểm lẻ ở Gia Biện nhưng vì ngại khó, chưa ai dám đi. Nghe vậy, không một chút đắn đo, thầy tình nguyện đi ngay. Nếu như trước kia khi còn dạy ở An Bình, thầy được hưởng 70% phụ cấp, thì nay về Gia Biện mức phụ cấp chỉ còn 50%. Chưa hết, mỗi ngày thầy phải vượt 25km để đến trường. Khi được hỏi động lực nào đã giúp thầy từ bỏ mọi quyền lợi cá nhân để đến vùng khó, thầy Phong đã trải lòng: “Tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên thương cho con em không được đi học. Và nếu ai cũng nghĩ đến lợi ích bản thân thì học sinh ở vùng sâu, vùng xa như ở đây biết đến bao giờ mới tiến bộ được”.

Với giáo viên nam vất vả, giáo viên nữ càng cực hơn. Cô Kiều Nguyên Hạnh Quỳnh nhà ở xã Tân Hiệp, trước kia dạy ở gần nhà, năm nay cô cũng xung phong về dạy ở điểm lẻ ấp Cây Khô, mỗi ngày cô vượt trên 20km mới đến trường. Sức khỏe các thầy cô có thể hao mòn, nhưng tâm huyết của người thầy thì vẫn còn nguyên vẹn. Cô Nguyễn Thị Thắm kể: “Đường sá ở Gia Biện bây giờ như vậy là dễ đi lắm rồi, chứ 4 năm trước đường ở đây gập ghềnh lắm, gần như ngày nào đến trường tôi cũng bị té cả. Trước tôi, có những giáo viên 40 - 50 tuổi cũng đã từng về đây dạy, nay chúng tôi, những giáo viên trẻ phải thể hiện tinh thần tình nguyện với cộng đồng xã hội”.

Gian nan, cực khổ chưa đủ, người thầy ở những điểm lẻ này còn có tấm lòng như người mẹ, người cha. Cô Thắm cho biết: “Phụ huynh ở đây đa số đi làm thuê, họ ít quan tâm đến việc học của con em. Nhiều em đến lớp thiếu bảng, thiếu phấn, tập học nên lúc nào giáo viên cũng chuẩn bị sẵn những thứ ấy. Có em về xin cha mẹ tiền gửi lại cô, nhưng cũng có nhiều trường hợp tôi biếu luôn vì gia đình các em nghèo quá”.

Bao nhiêu đó khó khăn vẫn không là gì đối với thầy trò. Cái khổ nhất hiện nay là ở Gia Biện chưa có điện, kéo theo nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm. Ở điểm lẻ Gia Biện 2 có xây dựng nhà vệ sinh hẳn hoi nhưng đành khóa cửa vì không có nước. Khi có nhu cầu vệ sinh, trò ra vườn cao su, còn giáo viên đi dạy không dám uống nước để tránh mọi phiền phức. Cô Nguyễn Thị Thảo ở điểm lẻ Gia Biện 1 thì cho biết, các cô phải đến nhà dân gần đó xách từng xô nước về xài và tiết kiệm tối đa...

Giáo viên ở các điểm lẻ Gia Biện, Cây Khô gặp nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác, đồng thời họ cũng bị thiệt thòi hơn về mức phụ cấp. Nếu như giáo viên ở xã An Bình, An Linh được hưởng 70% phụ cấp (ngoài lương), thì giáo viên ở đây chỉ được hưởng 50%, trong khi nhiều giáo viên phải vượt trên 20km để đến các điểm lẻ. Ông Tuấn trăn trở: “Chúng tôi mong tỉnh nên xem xét, sớm có chính sách riêng cho giáo viên ở đây, để họ ổn định cuộc sống và yên tâm công tác. Hiện nay, nếu là giáo viên mới ra trường, lương và phụ cấp chưa đến 2 triệu đồng mỗi tháng, trong khi chi phí đi lại đã mất khoảng 50% lương. Nếu không có lòng nhiệt tình và tâm huyết với nghề ở các giáo viên này thì những điểm lẻ trên có lẽ không được tồn tại cho đến bây giờ”.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X