Học thêm trong hè: Đến hẹn lại... lo

Cập nhật: 25-05-2010 | 00:00:00

Trên trang 6, báo Bình Dương hôm nay có đăng tâm sự của một học sinh (HS) phổ thông về chuyện học thêm. Những dòng nhật ký, nói khác đi, đó là một góc nhìn rất thực tế và chân thực của một HS về chuyện học thêm của chính người trong cuộc. Tuy chỉ là một suy nghĩ mang tính cá nhân nhưng chắc sẽ đọng lại cho những bậc phụ huynh nhiều suy nghĩ lẫn trăn trở trước một vấn đề tuy cũ nhưng vẫn còn rất “nóng” hiện nay.

Phàm những gì còn chưa đủ người ta mới thêm. Luận theo quy luật trên thì có học thêm chắc là vì bởi thời gian thực học chính khóa chưa đủ (?). Mà theo ngành giáo dục mỗi năm có 9 tháng thực học là đã có căn cứ thực tế khoa học và được xã hội đồng thuận từ lâu, không phải bàn cãi. Như vậy, ai cũng biết, hè là thời gian các em cần được nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau những tháng ngày học tập vất vả trên ghế nhà trường. Nói một cách khác, chuyện học hè chỉ mang tính ôn tập là chính.

Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều HS, mùa hè lại là mùa học căng nhất với những môn học quan trọng nhất như văn, toán, lý, hóa, ngoại ngữ... Nhớ mùa hè năm trước, một lần ghé nhà người bạn, tình cờ nhìn thấy lịch học hè của con bạn mà giật mình: sáng, chiều, tối đều kín lịch học. Hầu như thằng bé không còn chút thời gian nào dành cho nghỉ ngơi, vui chơi. Trẻ “đừ” vì học.

Càng nguy hiểm hơn khi nhiều phụ huynh cho con học hè là để học trước chương trình năm học mới. Mà ngành giáo dục cũng đã nhiều lần cảnh báo, đó là điều hoàn toàn không khoa học, có hại cho chính con em mình, tạo tâm lý chủ quan cho trẻ trước các môn đã được học hè.

Với phụ huynh, ai cũng muốn con mình học giỏi. Mà muốn giỏi thì phải học nhiều. Vì thế, hè là dịp để học. Mặt khác, có một thực tế, nhiều phụ huynh “thi đua” ngầm cho con trẻ. Thấy con nhà người đi học hè thì con mình cũng phải như thế để không “thua chị, kém em”. Một bộ phận phụ huynh cho con học hè còn vì để trẻ tránh sa vào những thói hư tật xấu như chơi bời, nghiện game, tệ nạn xã hội... Tất cả những suy nghĩ trên đều đáng trân trọng. Tuy nhiên, chuyện học giỏi còn lệ thuộc rất nhiều vào sự rèn luyện, chuyên cần ngay trong các tiết học chính khóa cũng như trong thực hiện các bài tập, ôn tập ở nhà. Đôi khi, trí thông minh cũng rất cần đến năng khiếu, sự kiên trì rèn luyện và ham thích các môn của chính người học. Nhiều trẻ học hè là vì “nguyện vọng” của phụ huynh. Như vậy, sự học mà thiếu sự đam mê tất yếu sẽ hạn chế kết quả. Không ít trẻ lâm vào hoàn cảnh như thế sẽ suy nghĩ, mình ngồi học trong khi chúng bạn đang được nghỉ ngơi, đi du lịch, vui đùa... bên ngoài thì trẻ còn tâm trí đâu mà học tốt.

Như vậy để hạn chế nạn học thêm trong hè, chính vai trò của phụ huynh có tính quyết định. Nhiều trẻ cũng rất muốn có được một mùa hè đúng nghĩa. Một mùa hè nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn và ôn tập. Não của trẻ không là một cái máy nên việc nhồi nhét kiến thức là có hại cho tâm sinh lý của trẻ. Vì thế, nhiều HS sẽ không muốn mùa hè của mình bị “đánh cắp” như lời tâm sự của một HS qua bài thơ ắp đầy kỷ niệm tuổi học trò dưới một góc nhìn khác với nội dung ban đầu của bài thơ: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng / Ai chở mùa hè của tôi đi đâu?

DÂN THƯỜNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên